14/04/2014 - 21:26

Phát huy dân chủ để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo

Lãnh đạo trường tiếp xúc sinh viên (SV) là hoạt động thiết thực, không chỉ phát huy tính dân chủ trong trường học mà còn là điều kiện để giúp nhà trường - SV hiểu nhau hơn, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Buổi "Hiệu trưởng tiếp xúc SV", do lãnh đạo Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ tổ chức vào đầu tháng 4-2014, khá sôi nổi, với hơn 600 SV đại diện cho gần 30 ngàn SV chính quy của trường tham dự. Hội trường lớn "nóng" hẳn lên, bởi hàng chục câu hỏi thắc mắc của SV liên quan công tác học vụ, học bổng, việc làm sau khi tốt nghiệp và môi trường sư phạm... Bạn Liêu Tài, SV ngành kỹ thuật Điện K36 của trường, hỏi: "Trong khung chương trình đào tạo của ngành kỹ thuật Điện có phần đi thực tế. Thiết nghĩ, trường có thể đổi tên là thực tập, bởi sinh viên đi thực tế không chỉ vui chơi mà còn thực tập, học hỏi tại các đơn vị. Khi viết cụ thể trong chương trình đào tạo, sinh viên sau khi ra trường, tìm việc làm cũng dễ dàng hơn. Mặt khác, trường có quy định về thực hiện nếp sống văn hóa học đường. Những sinh viên vi phạm các quy định sẽ bị kỷ luật. Song, nhà trường có thể xem xét đưa thêm vào quy định gương tốt điển hình sinh viên, cán bộ để mọi người học tập, làm theo…". Điều này, lãnh đạo trường ghi nhận và sẽ triển khai về khoa để có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Sinh viên đặt câu hỏi thắc mắc đến lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: K.T

Dù buổi "Hiệu trưởng tiếp xúc SV" diễn ra khoảng 2 giờ nhưng có thể nhận thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của SV theo hướng tích cực. Bạn Liêu Tài cho biết: "Qua buổi tiếp xúc, chúng tôi hiểu hơn định hướng phát triển chung của trường cũng như trách nhiệm học tập của mỗi sinh viên. Quan trọng hơn, chúng tôi có thể trực tiếp bày tỏ những thắc mắc đến lãnh đạo trường, để biết rõ suy nghĩ của mình đúng hoặc chưa đúng". Theo Tài, trả lời của lãnh đạo nhà trường đã giải tỏa thắc mắc của bản thân cũng như của nhiều SV lớp Kỹ thuật Điện K36. Tương tự, bạn Nguyễn Ngọc Vân Tường, SV ngành Kiểm toán K39, cho biết: "Đầu năm thứ nhất đại học, dù nhà trường sinh hoạt cách học theo học chế tín chỉ nhưng tôi và một số bạn thấy còn khá mới mẻ. Song, qua dự buổi "Hiệu trưởng tiếp xúc SV", được thầy cô nói rõ hơn về quy chế học vụ, tôi hiểu hơn phương pháp dạy và học bậc ĐH, đòi hỏi SV tự chủ, năng động hơn mới có thể học tốt".

Hằng năm, lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ đều tổ chức buổi tiếp xúc trực tiếp với đại biểu SV- cán bộ Đoàn khoa, chi đoàn và ban cán sự các lớp. Qua đó, lãnh đạo trường lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của SV để ban hành những chính sách mới hoặc điều chỉnh chính sách đang thực thi một cách phù hợp. SV nắm được chính sách và định hướng chung của trường để có trách nhiệm học, rèn luyện tốt… đảm bảo mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo. Cách làm này nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin hai chiều giữa nhà trường - SV. Bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ Lê Thanh Sơn cho biết: "Với ngôi trường hơn 55 ngàn SV các bậc, hệ đào tạo sẽ khó tránh những thắc mắc cùng sự thông hiểu đối với từng hoạt động của nhà trường. Song, nhà trường luôn tạo môi trường thân thiện, công khai, minh bạch để sinh viên có thể bày tỏ quan điểm, thắc mắc. Không chỉ riêng buổi này mà thông qua ban cán sự lớp, ban chấp hành chi đoàn, cố vấn học tập, khoa, đoàn - hội SV trường hay qua hộp thư điện tử… SV đều có thể gởi thắc mắc của mình. Từ đó, giúp trường và SV "gặp nhau" để cùng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Một trong số đơn vị đào tạo nhiều năm tổ chức buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo trường với SV có thể kể đến Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Cần Thơ. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho biết: "3 năm học gần đây, trường đã tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với đại diện học sinh (HS) SV. Đây là những ý kiến quý báu, bởi có những quy định của trường không phải hoàn toàn đúng; qua các em, giúp trường điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đây giống như diễn đàn để cán bộ, giáo viên lắng nghe HSSV nói và nói cho HSSV nghe, cùng nhau hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Qua đó, giúp các em dạn dĩ, biết đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, đây là kỹ năng "mềm" rất cần thiết để dễ dàng tìm việc sau khi ra trường". Trường CĐ Nghề Cần Thơ có khoảng 2.000 HSSV chính quy. Trước khi tổ chức buổi gặp gỡ, trường đã chuẩn bị chu đáo 3 bước. Bởi lẽ, thời gian gặp gỡ không nhiều, đòi hỏi câu hỏi phải tập trung, thiết thực nên ở bước một, trường chỉ đạo Phòng công tác HSSV và Đoàn Thanh niên soạn những câu hỏi gợi ý liên quan đến đào tạo, hoạt động phong trào, học bổng, kỹ năng sống… đến tất cả HSSV. Ban cán sự, ban chấp hành Đoàn có nhiệm vụ trả lời thắc mắc của HSSV. Nếu những thắc mắc ngoài khả năng của lớp thì Ban Cán sự, Ban Chấp hành Đoàn có nhiệm vụ gửi đến khoa, phòng liên quan và sau cùng đến Ban Giám hiệu nhà trường. Ông Sơn nói: "Bước đầu tiên có thể giải quyết được 65% thắc mắc của HSSV. Vì thế, những vấn đề đặt ra tại buổi gặp gỡ sẽ được trả lời cụ thể, rõ ràng và nhà trường giải quyết thỏa đáng hơn. Tuy nhiên, có những vấn đề các em đặt ra ngoài tầm tay của trường nên khó khả thi, chẳng hạn như: đầu tư kinh phí cho phòng thực hành thí nghiệm…".

"Hiệu trưởng tiếp xúc SV" là một trong rất nhiều hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo của các trường. Bởi lẽ, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: Phiếu thăm dò ý kiến HSSV (trong đó, bao gồm lấy ý kiến nhận xét thái độ, chuyên môn của giảng viên); hộp thư phản ánh HSSV; tư vấn và hỗ trợ SV hay tổ thăm dò dư luận (do Đoàn trường phụ trách);… đã giúp lãnh đạo, các khoa, phòng của trường có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm HSSV, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết