16/05/2011 - 20:32

TRƯỚC KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Phập phồng về chất lượng của học viên bổ túc

Nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội học tập, những năm gần đây, mạng lưới Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) ở TP Cần Thơ không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, sự đầu tư chưa đồng bộ khiến cho các trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập của học viên; nhiều năm liền, kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) của các học viên ở các TTGDTX ở TP Cần Thơ rất thấp, riêng năm 2010 chỉ có 15,71% đậu tốt nghiệp. Vì thế, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã gần kề, làm thế nào để học sinh “vượt vũ môn” đang là nỗi lo của lãnh đạo các TTGDTX...

Giờ học Vật lý của các học viên lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều.

Trung tâm GDTX quận Ninh Kiều là một trong những TTGDTX có lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT đông nhất thành phố trong nhiều năm gần đây. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc TTGDTX quận Ninh Kiều, cho biết: “Số học viên có học lực khá, giỏi ở trung tâm không nhiều. Vì thế, để nâng cao chất lượng cho học viên, nhất là học viên chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, ngay khi bắt đầu vào năm học, chúng tôi đã có kế hoạch phụ đạo song song với chương trình chính khóa đối với các môn: Toán, Lý, Hóa, Văn...”. Tương tự, tại TTGDTX huyện Thới Lai, thời khóa biểu các môn chính khóa cũng được tăng thêm tiết phụ đạo ngay từ đầu năm học. Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc TTGDTX huyện Thới Lai, nói: “Song song với việc tăng tiết để giúp giáo viên có thời gian bổ sung thêm kiến thức ở nhiều môn học quan trọng cho học viên, chúng tôi cũng đẩy nhanh chương trình chính khóa để có thời gian ôn tạp. Đến trung tuần tháng 4-2011, học viên lớp 12 của trung tâm đã hoàn thành xong chương trình chính khóa và tập trung vào ôn tập 38 tiết/ tuần để giáo viên có thể giúp học viên hệ thống hóa lại kiến thức, cái nào chưa hiểu thì có thể hỏi giáo viên ngay”.

Không chỉ riêng ở quận Ninh Kiều và huyện Thới Lai, rút kinh nghiệm của những năm học trước, để nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trong năm học này, hầu hết các TTGDTX đều tăng thời lượng phụ đạo, với mong muốn “mưa dầm thấm lâu”, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động học tập nhằm thu hút học viên đến lớp. Nhiều cán bộ TTGDTX cho rằng, giải pháp tăng tiết phụ đạo, ôn luyện tại lớp là một giải pháp tối ưu đối với học viên, bởi đặc thù của học viên các TTGDTX chủ yếu là những người đã bỏ học nhiều năm, giờ tiếp tục đi học lại; những người vừa học, vừa làm... có tâm lý và lứa tuổi khác nhau, trình độ không đều; đa số học viên có học lực trung bình, yếu nhưng thường có rất ít thời gian để tự học tại nhà. Việc phụ đạo, ôn tập thường xuyên trên lớp sẽ giúp học viên học tốt hơn.

Không thể phủ nhận nỗ lực của các TTGDTX trong việc tập trung nâng cao chất lượng của GDTX. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT ở TP Cần Thơ không cao hơn 20% (tính chung cả thí sinh phổ cập, tự do). Theo phân tích của nhiều cán bộ giáo dục, kết quả này phản ảnh đúng thực trạng trình độ của học viên và cũng phần nào phản ảnh thực trạng về... điều kiện dạy - học ở các TTGDTX. Chẳng hạn, học viên TTGDTX Thới Lai tới thời điểm này vẫn còn học trong những phòng học cũ, ẩm thấp do xuống cấp nhiều năm mà trung tâm mượn của Trường THPT Thới Lai. Tương tự, TTGDTX huyện Cờ Đỏ vừa được thành lập sau khi chia tách huyện Cờ Đỏ thành hai huyện Thới Lai và Cờ Đỏ; hiện phải hoạt động trong 3 phòng học mượn của Trường Tiểu học Thị trấn Cờ Đỏ 2. Ngoài bảng đen, phấn trắng, bàn ghế và một ít sách vở, hầu như trung tâm không có một phương tiện nào khác để giảng dạy, bởi theo lãnh đạo TTGDTX huyện Cờ Đỏ, nếu được cấp trang thiết bị để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, trung tâm cũng không dám nhận vì không có phòng để sử dụng và bảo quản.

Không chỉ thiếu phòng học mà việc không có giáo viên cơ hữu cũng là một vấn đề gây khó cho các TTGDTX hiện nay. Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc TTGDTX huyện Thới Lai, cho biết: “Trong 6 môn thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm 2011, trung tâm chỉ có một giáo viên cơ hữu tham gia ôn tập môn lịch sử. 5 môn còn lại trung tâm phải hợp đồng với giáo viên trường THPT khác. Do đó, việc tăng thời lượng ôn tập hay sắp xếp thời khóa biểu rất khó khăn vì giáo viên hợp đồng phải phụ thuộc vào chương trình của trường sở tại. Mà trong giai đoạn này, trường THPT nào cũng cố gắng tăng tiết để tăng thời lượng ôn tập cho học sinh của mình”. Do thiếu giáo viên nên mặc dù rất muốn tách lớp 12 có đến 50 học viên ra làm 2 lớp để thuận lợi trong việc ôn tập, TTGDTX Thới Lai cũng không thể thực hiện. Còn ở TTGDTX huyện Cờ Đỏ, do thiếu giáo viên nên gần 30 học viên lớp 12 đều được trung tâm gởi học ở các trường THPT trên địa bàn huyện. Tất nhiên, do được gởi nên trung tâm cũng khó lòng kiểm tra, đôn đốc việc dạy và học...

Bên cạnh những yếu tố về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy... điều khiến lãnh đạo các TTGDTX lo nhất chính là tinh thần thái độ học tập của các học viên, bởi điều quan trọng nhất làm nên kết quả của kỳ thi này chính là ý thức học tập của cá nhân mỗi thí sinh. Lãnh đạo nhiều TTGDTX thừa nhận, hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn học viên, nhất là học viên tự do không ý thức được việc cần phải trang bị lượng kiến thức cần thiết mới đủ khả năng dự thi tốt nghiệp; nên các học viên hôm nào thích thì vào học, không thích thì vô tư trầm quán hoặc chơi game... Ông Nguyễn Văn Sân, Giám đốc TTGDTX huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “ Trung tâm đã tổ chức ôn tập cho học viên tự do từ tháng 2-2011 với 80 người đăng ký ôn tập để dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT. Nhưng thực tế chỉ có 15 học viên đến ôn tập, trong khi ngày thi đã gần kề...”.

Việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bước vào giai đoạn “nước rút” nên nỗi lo của cán bộ, giáo viên TTGDTX càng nhiều hơn. Thế nhưng nỗi lo này chưa đủ để học viên đậu tốt nghiệp bổ túc THPT, nếu các học viên không tự mình học tập để củng cố kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết