17/03/2008 - 09:08

Đề án Cần Thơ - 150

Phấn khởi nhiều, trăn trở cũng lắm!

Sau hơn 2 năm triển khai, đề án Cần Thơ- 150 (đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài) đã đưa được 42 ứng viên đi đào tạo, thậm chí còn tiết kiệm được một khoản kinh phí khá lớn. Đó là cơ sở để khẳng định đề án sẽ hoàn thành đúng tiến độ và có thể mở rộng hơn. Nhìn trên tổng thể là vậy nhưng đi sâu vào phân tích ngành, bậc, đối tượng đào tạo so với kế hoạch của đề án sẽ thấy còn không ít vấn đề đáng lo.

“Đông tay vỗ...”

Nằm trong chương trình Mekong- 1000 (đào tạo 1.000 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cho các tỉnh thành ĐBSCL), đề án Cần Thơ - 150 được khởi động sớm nhất và được đánh giá có tiến độ triển khai, thực hiện nhanh nhất tính đến nay. “Đông tay thì vỗ nên kêu...” - Con số 42 ứng viên đang được đào tạo sau đại học ở nước ngoài, 14 ứng viên đang xúc tiến hồ sơ du học là kết quả của sự đồng lòng, thống nhất trong triển khai thực hiện đề án. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cho biết: “Chủ trương đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của thành phố đã được ghi chính thức vào văn kiện Đại hội Đảng thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2001-2006. Năm 2003, sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, nhận thấy việc triển khai thực hiện chủ trương này còn chậm, chúng tôi quyết tâm thực hiện đề án đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Lúc đó, cũng có một số ý kiến phân vân về kinh phí, sự thành công của đề án... Thế nhưng Thành ủy, UBND thành phố khẳng định phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của TP Cần Thơ”.

Quyết tâm là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện, phải 2 năm sau, ngày 23-9-2005, đề án Cần Thơ- 150 mới chính thức khởi động. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến lên đến gần 8 triệu USD. Tiến sĩ Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), nhấn mạnh: “TP Cần Thơ đã cố gắng tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” dành ngân sách cho việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài. Vì vậy, trong đàm phán, Trường ĐHCT luôn tranh thủ sự ủng hộ của ngoại giao đoàn, các đối tác và các tổ chức quốc tế… để sao cho chi phí đào tạo rẻ mà chất lượng đào tạo cao”. Cụ thể, trong 39 trường hợp đã chuyển tiền xong, đề án đã tiết kiệm được gần 160 ngàn USD. Bình quân thực chi chỉ gần 8.400 USD so với định mức chi học phí là 10.000 USD/ năm/ người. Dự kiến, từ nguồn kinh phí tiết kiệm, có thể nâng số người được đào tạo của đề án lên 200 hoặc 250 người.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tặng hoa tiễn đưa các ứng viên chương trình Cần Thơ -150.  

Thực tế, so với các chương trình học bổng nước ngoài, định mức chi sinh hoạt phí của đề án Cần Thơ - 150 thấp hơn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phân tích: “Trong điều kiện kinh phí của thành phố hạn hẹp, khó có thể đòi hỏi định mức chi sinh hoạt ngang bằng với các chương trình học bổng của chính phủ các nước tiên tiến”. Nhiều gia đình du học sinh cũng chia sẻ khó khăn này. Bà Lê Thị Sắc, phụ huynh của du học sinh Doãn Minh Đăng, ứng viên đầu tiên của chương trình Cần Thơ- 150, cho biết: “Đề án chuyển tiền cho du học sinh rất kịp thời. Với khoản sinh hoạt phí 650 euro/ tháng, Đăng tự nấu ăn để tiết kiệm bởi 1 bữa ăn ở căng tin bằng 2 ngày tự nấu ăn. Hàng tháng, gia đình cũng gởi thêm cho Đăng khoảng 1 triệu đồng”.

Đề án Cần Thơ - 150 đã “đi” được gần một nửa chặng đường. Đó là sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, của Trường ĐHCT, của các đối tác đào tạo, các ứng viên. Tuy nhiên, những người thực hiện đề án cũng đang trăn trở trước không ít vấn đề: bố trí việc làm sau khi đào tạo, sự mất cân đối về ngành, bậc, đối tượng đào tạo...

Còn nhiều trăn trở...

Mục tiêu của đề án Cần Thơ - 150 là đào tạo ở nước ngoài 120 thạc sĩ và 30 tiến sĩ. Thế nhưng đến nay, trong 42 ứng viên đã đi học nước ngoài, chưa có ứng viên nào được đào tạo tiến sĩ. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo: “Chỉ tiêu đào tạo 30 tiến sĩ không được “sáng sủa” lắm bởi hiện nay đề án chưa đưa được ứng viên nào đi học tiến sĩ. Còn nếu chờ các ứng viên đang học thạc sĩ học xong để đào tạo lên tiến sĩ thì sẽ không kịp tiến độ”.

Không chỉ mất cân đối về bậc đào tạo, sự mất cân đối về ngành đào tạo cũng khiến những người thực hiện đề án băn khoăn. Phần lớn ứng viên tham gia vào đề án chỉ tập trung ở một số ngành nghề như: kinh tế, nông nghiệp... Cụ thể, trong 10 nhóm ngành đào tạo theo kế hoạch đề án đề ra, đến nay, nhóm ngành Khoa học quan hệ quốc tế- Luật- Quản lý hành chính- Kinh tế có đến 17 ứng viên đang du học, đạt 85% kế hoạch. Trong khi đó, nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn chỉ mới có 1 ứng viên du học, đạt 7,69% kế hoạch. Đặc biệt, nhóm ngành Y tế sức khỏe cộng đồng chưa có ứng viên nào du học. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Trong việc tuyển chọn ứng viên, Ban Chủ nhiệm, Ban Điều hành đề án rất chú trọng đến cơ cấu ngành đào tạo nhưng một số nhóm ngành không có hoặc có rất ít ứng viên”.

Cơ cấu về đối tượng đào tạo cũng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Hiện nay, trong 42 ứng viên đang học ở nước ngoài, chỉ mới có 4 ứng viên là cán bộ công chức. Ông Lê Phú Hào, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, phân tích: “Cán bộ công chức tham gia vào đề án có ưu thế hơn so với những sinh viên mới ra trường, là cán bộ công chức đi học về thì làm được ngay còn sinh viên thì bỡ ngỡ đối với công việc quản lý nhà nước. Số lượng cán bộ công chức tham gia vào đề án Cần Thơ - 150 còn ít sẽ gây khó khăn trong việc nâng cao trình độ đội ngũ này”. Nguyên nhân còn ít cán bộ công chức tham gia vào đề án Cần Thơ- 150 đã được nêu lên từ rất lâu: hạn chế về trình độ ngoại ngữ; đưa đi học thiếu người làm... nhưng giải pháp khắc phục xem ra chưa được thực hiện một cách triệt để.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án Cần Thơ- 150, vấn đề phân công, sử dụng đội ngũ ứng viên sau khi du học trở về đã được đặt ra. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ thành công của dự án. Ông Lê Phú Hào cho biết: “Sở Nội vụ đã có văn bản gởi các sở, ngành đề nghị đề xuất về nhu cầu đưa người đi học nước ngoài, nhận người có trình độ sau đại học ở nước ngoài về... Nhưng hiện nay, Sở Nội vụ chỉ mới nhận được sự phản hồi thông tin của một vài đơn vị”. Chuẩn bị việc làm cho các ứng viên sau khi học xong trở về là vấn đề hết sức cấp bách bởi trong năm 2008 sẽ có 8 ứng viên về nước. Cũng có ý kiến cho rằng đối với những ngành đào tạo chưa phân công được, có thể “gởi” ứng viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, đó là hướng giải quyết chẳng đặng đừng trong điều kiện nếu thành phố chưa có cơ sở để phát huy năng lực của các ứng viên. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chỉ có thể “gởi” 3- 4 năm chứ không thể “gởi” lâu dài hơn bởi như vậy là chứng tỏ kế hoạch đề ra đã sai”.

* * *

Dự kiến đề án Cần Thơ - 150 sẽ kết thúc vào năm 2011. Làm thế nào trong 3 năm tới có thể khắc phục những vấn đề trên để đề án đạt được hiệu quả cao hơn? Câu hỏi đó chỉ thật sự có lời giải khi nhận được sự quan tâm thỏa đáng của tất cả các sở, ngành, các cấp đối với đề án Cần Thơ- 150 nói riêng và đối với việc phát triển nguồn nhân lực của thành phố nói chung.

NGUYỄN KHUÊ

Chia sẻ bài viết