03/04/2011 - 07:44

PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI:

Phấn đấu sau năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

(CT)- Ngày 2-4-2011, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ và các sở, ngành liên quan đã tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (GONMTNT). Hội nghị do đồng chí Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì.

Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành ngày 22-4-2003 về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở GONMTNT (gọi tắt là kế hoạch). Kế hoạch này được chia làm 2 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 (2003-2007) tiến hành xử lý điểm đối với 439 cơ sở GONMTNT, nhằm mục tiêu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan, tạo hành lang pháp lý cho công tác xử lý triệt để cơ sở GONMTNT. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2 (2008-2012) các bộ, ngành và các địa phương triển khai nhân rộng, tiến hành xử lý triệt để 3.856 cơ sở (được rà soát, thống kê từ năm 2000) GONMTNT còn lại và các cơ sở phát sinh mới. Hiện nay, trong 439 cơ sở GONMTNT bị xử lý trong giai đoạn 1 đã có 338 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn GONMTNT, chiếm tỷ lệ 77%; 101 cơ sở đang triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, chiếm 23%. Trong 3.856 cơ sở GONMTNT và phát sinh mới bị xử lý trong giai đoạn 2 đã có nhiều cơ sở chủ động đầu tư, xử lý ô nhiễm môi trường; nhiều cơ sở phải giải thể, di dời địa điểm hoạt động, chuyển đổi loại hình sản xuất... Tại TP Cần Thơ đã có 3 cơ sở sản xuất, chế biến GONMTNT bị xử lý (theo nội dung Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) và đã thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, chỉ đạo: Ngoài việc đẩy nhanh công tác xử lý ô nhiễm môi trường được thực hiện trong 2 giai đoạn của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; tăng cường lồng ghép việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vào các chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu sửa đổi cơ chế cho vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Bảo vệ môi trường của các địa phương cho thông thoáng để các cơ sở tiếp cận xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế về vấn đề bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, xử lý nghiêm đối với cơ sở chậm xử lý triệt để về tình trạng GONMTNT... trên phạm vi cả nước, phấn đấu sau năm 2020 Việt Nam không còn cơ sở GONMTNT.

H.V

Chia sẻ bài viết