23/07/2020 - 09:36

Đấu thầu cao tốc Bắc – Nam:

Phải xem quản lý vận hành là một bộ phận không thể tách rời trong dự án giao thông 

Thời gian gần đây, các hiệp hội chuyên ngành, giới chuyên gia và dư luận đã đồng loạt nêu ý kiến đề xuất nên xem công tác quản lý vận hành như là một bộ phận không thể tách rời trong vòng đời của một dự án giao thông, nhằm tối ưu hóa công năng và hiệu quả khai thác dự án. Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong tổ chức thi công và vận hành, khai thác công trình.

Lỗi quản lý vận hành tràn lan

Cục Quản lý Đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) vừa tiết lộ kế hoạch sửa chữa, phục hồi hệ thống giao thông thông minh (ITS) - giai đoạn 1 trên cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương. Hệ thống ITS này do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt từ năm 2013, đến năm 2017 bị hư hỏng như: đứt cáp, nguồn điện không ổn định, lỗi camera… làm tê liệt hệ thống bảng thông tin điện tử, camera quan sát, hệ thống dò xe…

Việc thuê chuyên gia từ nước ngoài đến khắc phục sửa chữa phần mềm trong hệ thống ITS sẽ tiêu tốn một nguồn kinh phí rất lớn, và đang rất khó khăn do thế giới hiện vẫn phải cách ly vì dịch COVID-19. Vì thế, để khắc phục tình trạng trên, việc sửa chữa sẽ do các đơn vị trong nước thực hiện. Từ bài học lệ thuộc công nghệ nước ngoài, Cục Quản lý Đường bộ IV cho biết vào giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống ITS bằng công nghệ trong nước nhằm đảm bảo việc duy trì tốt an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc. Điều đó tốn một nguồn vốn rất lớn từ Quỹ bảo trì đường bộ và kéo dài thời gian đưa tuyến đường trở lại hoạt động bình thường.

Trước đó, hồi tháng 5, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV Nguyễn Văn Thành - Đơn vị quản lý cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương thông tin rằng sẽ “vá” lại các đoạn hư hỏng, bong tróc trên tuyến cao tốc được đầu tư hơn 9.880 tỉ đồng, được đưa vào khai thác từ năm 2010 và dừng thu phí từ đầu năm 2019. Lý do theo ông Thành, từ khi dừng thu phí, lượng ô tô trên quốc lộ 1 đổ dồn về cao tốc khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải, mặt đường xuống cấp.

Một loạt các vấn đề liên tiếp xuất hiện tại tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương lộ ra sự yếu kém trong khâu quản lý vận hành và thiếu sót từ phía cơ quan chức năng khi xem nhẹ yếu tố quan trọng này. Không chỉ tại cao tốc TP HCM - Trung Lương, câu chuyện sau khi thực hiện xong dự án, đưa vào vận hành trở thành những vấn đề “nan y” gây nhức nhối kéo dài chưa biết lúc nào các bên mới khắc phục triệt để được. Từ khi đưa vào vận hành, tình trạng nhiều người dân sống hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái) bất chấp quy định pháp luật, tự ý phá dỡ dải phân cách để mở hàng quán, thậm chí mở lối đi riêng vẫn diễn ra và chính quyền địa phương dường như bất lực.

Hầu hết những hàng quán dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái, đều nằm trong phạm vi đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, tồn tại rất nhiều năm. Hành vi trên không những tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu mặt đường và thiệt hại tài sản của nhà nước. Trước đó, một sự cố tai nạn gây cháy tại cầu Ngòi Thủ đoạn cao tốc này thuộc khu vực Yên Bái khiến cầu hỏng, thời gian khắc phục kéo dài khiến xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Tại tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, bản thân chủ đầu tư là Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang đã phải thừa nhận, hiện nay tuyến đường vẫn đang được khai thác theo phương án tổ chức giao thông tạm. Đoạn trên địa bàn Bắc Giang, các phương tiện cơ giới lưu thông trên đường chính tuyến với tốc độ khai thác 100 km/h, xe máy lưu thông theo đường gom dọc tuyến. Đối với đoạn Bắc Ninh - Hà Nội, do chưa có đường gom nên các phương tiện xe gắn máy được lưu thông chung với xe cơ giới. Hiện đoạn tuyến này được khai thác 2 làn cao tốc với tốc độ khác nhau là 100 km/h (làn sát dải phân cách giữa) và làn kế tiếp với tốc độ 80 km/h.

Tình trạng trên cho thấy những vấn đề bất cập trong quản lý vận hành hệ thống đường cao tốc hiện nay.

Xem nhẹ quản lý vận hành, ngân hàng thêm rủi ro

Bộ GTVT chính thức phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư cho 5 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam. Trước đó, đánh giá được tầm quan trọng của công việc quản lý vận hành công trình giao thông đường bộ khi đưa dự án vào phục vụ xã hội, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong tổ chức thi công và vận hành, khai thác công trình.

Nhà đầu tư tập trung thi công tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, dự kiến thông tuyến vào cuối năm nay. Ảnh: ANH KHOA

Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Hiệp hội cũng đã gửi văn bản tới Bộ GTVT đề nghị Bộ xem xét bổ sung tiêu chí quản lý vận hành, khai thác công trình đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư.

Theo Hiệp hội VARSI, bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư này sẽ tránh được việc chọn xong nhà đầu tư nhưng không đáp ứng ứng được việc quản lý vận hành dẫn đến không thể đưa công trình vào vận hành khai thác, hiệu quả kém gây lãng phí xã hội.

Xuất phát từ mục đích trên, VARSI đề nghị Bộ GTVT bổ sung tiêu chí “nhà đầu tư phải chứng minh khả năng đảm bảo quản lý, vận hành, khai thác khi tham gia đấu thấu hoặc có biện pháp chế tài đối với nhà đầu tư khi đã trúng thầu nhưng không chứng minh được năng lực quản lý vận hành khai thác dự án” như một điều kiện kỹ thuật bắt buộc trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện đấu thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và lắng nghe góp ý của Hiệp hội VARSI, tuy nhiên việc không đưa nội dung năng lực quản lý vận hành các dự án ra làm điều kiện tiên quyết mà chỉ để ở phần phụ lục hợp đồng khiến dư luận và giới chuyên môn lo lắng liệu các ngân hàng - một đối trọng không thể thiếu của phương thức đối tác công tư (PPP) có đủ can đảm rót vốn để đồng hành vào những dự án này. Lo ngại đó của các ngân hàng không phải không có cơ sở, bởi thời gian hoàn vốn cho một dự án giao thông thường kéo dài hàng chục năm, vài chục năm với nhiều rủi ro có thể xảy nếu công tác quản lý vận hành không được xem là điều kiện cần và ắt có cho một dự án giao thông được xem là hoàn chỉnh.

MINH ANH

Chia sẻ bài viết