|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (người đứng) phát biểu tại Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”. Ảnh: T.LONG |
(CT)- Ngày 4 và 5-9, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn. Chủ tọa Hội thảo có đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học của các viện trường, các công ty, mô hình tổ chức, sản xuất quản lý mới trong nông dân
vùng ĐBSCL và nhiều địa phương trong cả nước cùng đến dự.
Các diễn giả, đại biểu là các nhà quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN), nông dân khẳng định: Phát triển các mối liên kết là giải pháp tất yếu để phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn. Tùy từng vùng, từng địa phương, tùy trình độ quản lý và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp khác nhau, như: trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; hợp tác xã liên doanh liên kết với DN, hợp tác xã liên doanh, liên kết với DN và hội nông dân; hợp tác xã cổ phần... tổ chức sản xuất, quản lý mới tập trung tích tụ được ruộng đất; tiến hành hiện đại hóa về nông nghiệp, nông thôn (cơ khí hóa để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, điện khí hóa, thủy lợi hóa
); tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tiêu thụ sản phẩm nông dân làm ra, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập
Để phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, vai trò của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần được xác định rõ ràng hơn. Các vấn đề trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp
cần có những nghiên cứu, phân tích lợi thế so sánh nội sinh để hạn chế yếu tố phi thị trường gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sản xuất, công tác quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển "tam nông". Bên cạnh việc phát huy hiệu quả thiết thực, các cơ chế, chính sách này, từng giai đoạn, từng thời kỳ đã bộc lộ nhiều hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để rút bài học kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần cho nông dân. Nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Khi thị trường thế giới biến động sẽ tác động nhất định đến nền kinh tế trong nước. Vì vậy, nhìn nhận thị trường cần gắn với cung- cầu của thị trường thế giới. Chúng ta không thể sản xuất những gì chúng ta có, mà phải nghĩ đến cái gì thị trường cần
Không nên để tình trạng sản xuất nhỏ lẻ mãi được vì như vậy hàng hóa nông sản không thể cạnh tranh. Yêu cầu thực tiễn đặt ra phải có sự liên kết để chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao để phát huy tiềm năng, lợi thế. Nhất thiết phải thực hiện mô hình liên kết "4 nhà", nhưng không thể máy móc cho tất cả các ngành, các lĩnh vực. Vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu các cơ chế, chính sách hiện nay và có phù hợp với tình hình mới. Các chính sách cần phải linh hoạt cho các mô hình sản xuất vận dụng để phát huy hiệu quả. Cần tổ chức lại sản xuất trên nguyên tắc gắn chặt với thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng phát huy vai trò, thế mạnh của từng nơi, từng địa phương, từng vùng.
Trong mối liên kết "4 nhà", Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, phải làm rõ vai trò của từng nhân tố tham gia. DN phải giữ vai trò quan trọng liên kết "3 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Nông dân phải có ý thức chuyển đổi dần phương thức canh tác lạc hậu sang nền sản xuất hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường. Nông dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất do DN đề ra, thực hiện nghiêm túc các điều khoản hợp đồng tiêu thụ nông sản đã ký kết... Nhà nước phải thể hiện tốt vai trò điều tiết. Theo đó, lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, định hướng quy hoạch phù hợp, tạo điều kiện để DN hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng; thông tin, hỗ trợ DN mở rộng thị trường... Nhà khoa học nghiên cứu giống, công nghệ sản xuất, chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao...
LONG-THANH