02/05/2018 - 16:15

Phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho người đàn ông bị ong chích hơn 200 mũi 

Bệnh nhân được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. 

(CTO)- Thông tin từ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân bị cả đàn ong mật chích khắp người đã qua cơn nguy kịch tính mạng, nhưng phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn do rối loạn nhịp tim nặng sau tai nạn này.

Bệnh nhân Tr.V.T. (53 tuổi, ngụ Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) trên đường đi làm về, phát hiện 1 tổ ong mật, định lấy mật thì bị ong đuổi đốt tận nhà. Nhờ người nhà phụ giúp mới xua được đàn ong đi, nhưng anh T. đã bị đốt toàn thân, ngay sau đó rơi vào trạng thái lơ mơ, thở chậm, yếu; gia đình đưa ngay đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực và chống độc cho biết bệnh nhân bị sốc phản vệ, suy đa tạng nghiêm trọng, tổn thương cơ tim, rối loạn nhịp tim nặng nề, tình trạng diễn tiến xấu, được cấp cứu và lọc máu liên tục. Sau hai tuần điều trị, tim vẫn chỉ đập theo máy tạo nhịp mà không tự phát nhịp. Theo các bác sĩ tim mạch, khi hoàn toàn ổn định, bệnh nhân sẽ được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa tính mạng.

Trong quá trình cấp cứu bệnh nhân, cán bộ y tế lấy trên người bệnh nhân ra khoảng 250 mũi kim ong đốt (ong mật là loài duy nhất có gai trên kim, nên khi đốt sẽ để lại kim rồi chết đi. Điều này giúp xác định loại ong đốt và số lượng nốt đốt). Bác sĩ khuyên người dân không nên tự tiện chọc phá tổ ong để tránh nguy cơ bị ong đốt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị ong đốt, mọi người nên:

-Dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong.

-Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.

-Đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều.

-Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

-Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.

-Uống nước để thải bớt độc tố.

-Đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.

Phòng ngừa khả năng bị ong đốt:

-Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.

-Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới).

-Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người.

-Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành.

-Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt.

-Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).

-Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu có nguy cơ cháy rừng).

Cách loại bỏ tổ ong:

Dùng khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ). Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết