21/12/2019 - 10:41

Vở cải lương “Tiếng gọi non sông”

Phác họa chân dung một nhà thơ yêu nước 

“Tiếng gọi non sông” là vở diễn vừa được Đoàn Cải lương Tây Đô dàn dựng. Lấy đề tài về nhân vật có thật là nhà thơ yêu nước, Cử nhân Phan Văn Trị, vở cải lương đã phác họa chân dung một hiền sĩ cùng chí khí của người Cần Thơ xưa một lòng bảo vệ đất nước, quê hương.

Vở cải lương mở đầu bằng cảnh cụ Cử Trị dạy các học trò học sách thánh hiền, nghĩa vụ người trai trước cảnh đất nước bị Pháp và bè lũ tay sai giày xéo. Lớp học trong ngôi nhà nhỏ bên bờ rạch Trà Niềng, Phong Điền, trong thời gian cụ Cử Trị về đây tị địa. Ở phía nhân vật phản diện, hai nhân vật Cai Tổng Định Bảo và thằng Mỏ được xây dựng có phần “cường điệu” nhưng góp phần tạo cao trào và kịch tính cho vở diễn. Thầy trò Cai Tổng trước đánh sau xoa, dùng lời ngon ngọt chiêu dụ cụ Cử Trị cộng tác với người Pháp không được thì chuyển sang hăm dọa, uy hiếp. Đổi lại, cụ Cử Trị vẫn ung dung, tự tại đúng chất một hiền sĩ, dùng thơ mà mỉa mai: “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/Lòng ta sắt đá, há lung lay?”.

Một cảnh trong vở “Tiếng gọi non sông”.

Một cảnh trong vở “Tiếng gọi non sông”. 

Đỉnh điểm của vở diễn là lúc Tư Thành - học trò cụ Cử Trị xin thầy, từ biệt chúng bạn qua Gò Công đầu quân cho nghĩa quân Trương Định. Rồi Tư Thành bị thương, cố tìm về báo tin cho thầy hay. Một điểm thú vị ở vở “Tiếng gọi non sông” là lần đầu tiên, tác giả Nguyễn Thanh Long đã khắc họa và đưa hình ảnh nhân vật lịch sử đất Cần Thơ xưa - Đinh Sâm lên sân khấu. Nghĩa dũng, uy phong của một nghĩa sĩ được khắc họa đậm nét trong vở diễn. Đinh Sâm chính là người dấy binh khởi nghĩa ở vùng Láng Hầm, tức Ba Láng - Trà Niềng ngày nay, sau khi ông tử trận thì cụ Cử Trị đã tế bằng câu đối: “Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết / Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đái sầu nhan”. Vở cải lương khép lại bằng cảnh nhà Cai Tổng Định Bảo chìm trong lửa đỏ, mở ra một hy vọng về tương lai của đất nước, xứ sở.

Việc viết một kịch bản cải lương về đề tài nhân vật lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân bản địa không phải là chuyện dễ. Vậy nhưng tác giả Nguyễn Thanh Long, mới ngoài 30 tuổi, lại chọn và thể hiện khá tốt. Đó là một vai diễn dễ xem, không cường điệu với những diễn biến tâm lý hợp lý. Đặc biệt, việc xây dựng cặp đôi thằng Mỏ và Cai Tổng Định Bảo tếu táo, gian tham nhưng thiếu chiều sâu đã giúp “làm mềm” vở diễn. NSND Giang Mạnh Hà với vai trò đạo diễn đã thành công khi khai thác từng “đất diễn” của các nhân vật để làm nên một vở diễn chỉn chu. Với kinh nghiệm sẵn có, NSƯT Hoàng Khanh vai cụ Cử Trị, nghệ sĩ Hồng Thủy vai bà Cử, nghệ sĩ Lê Duy vai Tư Thành… đã lột tả được tính cách nhân vật.

Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết: “Tiếng gọi non sông” là vở diễn được thực hiện theo kế hoạch năm của đơn vị. Sau buổi diễn báo cáo trước Hội đồng Nghệ thuật thành phố, Nhà hát Tây Đô sẽ tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện theo góp ý và sớm công diễn phục vụ nhân dân trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Duy Lữ

Chia sẻ bài viết