04/08/2011 - 08:27

Ớt chỉ thiên xuất ngoại

Trồng một công (1.000m2) ớt chỉ thiên lãi 25 đến 30 triệu đồng/vụ (thu hoạch kéo dài 7-8 tháng), gấp 7 đến 10 lần trồng lúa. Chuyện tưởng như trong mơ nhưng là thực tế đang tạo nên “cú hích” hấp dẫn cho nhiều nông dân trong tỉnh Trà Vinh. Hiện nay, ớt thu hoạch không đủ cung cấp cho nhiều công ty TP Hồ Chí Minh đưa đi xuất khẩu nên bà con trồng ớt ai cũng vui mừng…

Chúng tôi về ấp Thanh Nguyên, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tìm gặp anh Huỳnh Văn Đẳng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chánh Nguyên, xã Mỹ Chánh, người khởi xướng trồng giống ớt chỉ thiên ở vùng này. Anh đưa chúng tôi ra ruộng tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên của các hội viên trong tổ. Bà Thạch Thị Hết, 50 tuổi ấp Thanh Nguyên A, cùng chồng là ông Ngô Chân đang hì hục giữa trưa nắng hái vội 1,5 công ớt đang chín rộ đầu vụ, cười tươi tiếp chuyện: “Năm nay, bà con chúng tôi trúng đậm mùa ớt, loại ớt chỉ thiên hổm rày rất được giá, bán tại ruộng 19.000 đồng/kg, nên nhà nào cũng thu lợi nhuận cao. So với trồng bầu, bí hay trồng lúa lợi nhuận cao gấp 7 đến 10 lần...!”. Tiếp lời bà Hết, ông Thạch Sư, tổ viên Tổ hợp tác Chánh Nguyên, khoe: “Gia đình tôi trồng được gần 1 công ớt chỉ thiên, đến nay đã thu hoạch được 2 đợt. Trồng giống ớt chỉ thiên thuận lợi là ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, chăm sóc cũng khỏe. Giá ớt được công ty ở TP Hồ Chí Minh thu mua 19.000đồng/kg. Nếu năng suất đạt 2 tấn /công, trừ chi phí nông dân lãi 25 đến 30 triệu đồng/công. Nhiều nông dân ở đây còn cho biết, thời nay trồng ớt khỏe re, cứ vừa hái xong là có thương lái vào tận ruộng thu mua để xuất qua Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ... Vụ ớt năm nay cho năng suất khá cao, trung bình từ 1,6- 2 tấn/công.

Trồng ớt chỉ thiên lãi 25 đến 30 triệu đồng/vụ giúp nhiều nông dân Trà Vinh cải thiện đời sống. 

Ớt chỉ thiên có nguồn gốc Nam Mỹ được thuần hóa và trồng ở châu Âu, Ấn Độ cách đây hơn 500 năm và du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm qua. Trong khi nhiều giống ớt khác khi cho trái đều mọc rủ xuống đất, thì cây ớt chỉ thiên khi cho trái lại quay lên trời Nên bà con đặt cho nó cái tên là ớt chỉ thiên. So với nhiều giống ớt khác, ớt chỉ thiên có giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu rộng, luôn hút hàng. Anh Huỳnh Văn Đẳng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chánh Nguyên nhớ lại thời kỳ đầu vận động bà con địa phương bỏ cây bầu, cây bí chuyển sang trồng ớt, nhiều bà con chẳng có mấy ai nghe, bà con lo sợ khi phát triển đại trà không nơi tiêu thụ. Để phát động phong trào, khuyến khích nông dân trồng ớt, anh Đẳng đã mạnh dạn chuyển 13 công đất của mình sang trồng ớt chỉ thiên. Khi thấy hiệu quả từ mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình anh Đẳng , nhiều người mới học hỏi làm theo và xin tham gia vào tổ hợp tác.

Còn ở huyện Duyên Hải, tại các xã Trường Long Hòa, Ngũ Lạc, Dân Thành, Long Vĩnh, có hơn 100 hộ nông dân trồng hơn 27ha ớt chỉ thiên. Bà con nông dân ở đây trồng ớt chỉ thiên được Công ty Bảo Nông đầu tư giống, ký kết hợp đồng bao tiêu; Trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ về kỹ thuật nên bà con ai cũng phấn khởi. Hộ anh Lê Vũng Liêm, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, được Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ đầu tư trồng hơn 1.000 cây ớt chỉ thiên, trên diện tích trên 600m2, có dùng màng phủ nông nghiệp. Anh Liêm cho biết: Với năng suất hiện tại (2.000 kg/công) và thời gian thu hoạch còn kéo dài, ước tính với diện tích này, tôi thu lợi nhuận được từ 7 đến 8 triệu đồng, sau khi trừ hết mọi chi phí.

Vùng trồng ớt Chánh Nguyên, Mỹ Chánh thời điểm này bà con nông dân ai cũng hứng khởi bàn tán rôm rả chuyện trái ớt chỉ thiên xuất ngoại. Trên địa bàn, các điểm thu mua ớt “lưu động” cũng rải khắp nơi, nhất là vào mỗi đợt thu hoạch rộ, thương lái còn chạy xe ra tận ruộng để chờ “ăn hàng”. Theo kinh nghiệm của nông dân, một công ớt trồng được 2.600 đến 2.800 gốc vào mùa mưa, còn mùa khô thì trồng từ 3.200 đến 3.500 gốc. Loại ớt này rất sai trái, trung bình từ 800-1.000 trái ớt/cây và kéo dài 7 – 10 tháng cây mới tàn. Từ mô hình ban đầu của nông dân Huỳnh Văn Đẳng, hiện nay mô hình này đã nhân rộng lên hơn 10 hộ với diện tích lên đến 20 ha, riêng Tổ hợp tác Chánh Nguyên có 30 thành viên tham gia. Ông Đẳng cho biết thêm: “Hiện Tổ hợp tác Chánh Nguyên đã ký được hợp đồng với Công ty Hân Quy ở TP Hồ Chí Minh và Công ty Lâm Thái Sơn, tỉnh Đắc Lắc bao tiêu giá ớt thấp nhất 8.000 đồng/kg. Còn giá thị trường bao nhiêu công ty thu mua theo giá đó đảm bảo không để nông dân thiệt.

Ông Nguyễn Văn Tỏ, cán bộ Ban điều phối dự án IMPP tỉnh Trà Vinh (dự án hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực tham gia thị trường), tâm đắc: “Thành công mô hình trồng ớt chỉ thiên ở Tổ hợp tác Chánh Nguyên do dự án IMPP Trà Vinh làm nhịp cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp đã mở ra triển vọng nhân rộng nhiều nơi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, chuỗi giá trị và Nghị định 151/CP của Chính phủ về phát triển tổ kinh tế hợp tác cho cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể cấp xã. Qua đó, hoạt động liên kết thị trường tìm đầu ra cho hàng nông sản đã được dự án chọn là “điểm nhấn” trong chiến lược hỗ trợ các đối tượng người nghèo, tổ hợp tác, nhóm sản xuất cộng đồng trong tỉnh.

Bài, ảnh: PHÚC SƠN

Chia sẻ bài viết