14/01/2024 - 23:26

Ô Rô truyền cảm hứng 

Câu chuyện của Lâm Quốc Nhựt, 29 tuổi, có sức thu hút ngay khi anh đặt câu hỏi đời sống trong vùng mặn, liệu có thể thay đổi được không? Câu trả lời của anh bắt đầu từ cây Ô rô, trùng tên cái xóm Ô Rô nặng tình anh bán chiếu ở Cà Mau.

Sản phẩm đặc trưng từ cây chịu mặn

Cà Mau được biết đến với nguồn lợi tôm, cua, cá gắn với những vùng nuôi nặng vốn đầu tư. Riêng nơi chôn nhau cắt rốn của Nhựt - ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau - thấm mặn từ đất, xa nước ngọt - ai nấy đã thấm đòn với kiểu trồng lúa, nuôi tôm "thuyền ai nấy lạo", mạnh ai nấy làm rồi.

Rà soát danh sách những sản phẩm đặc trưng của vùng mặn rất hiếm loại cây trồng, trừ chuối. Các sản phẩm sử dụng dược liệu từ vùng nước mặn lại càng hiếm. Quan sát nguồn tài nguyên từ vùng mặn, có vẻ như mọi thứ đang cần một cách nghĩ phi truyền thống, thậm chí ngược đời có khi lại hay. Nhưng vấn đề là phải biết mình muốn gì? Bắt đầu từ đâu?

Lâm Quốc Nhựt và sản phẩm do anh thiết kế. 

Nhựt nói việc anh đang làm thực ra đã có ý tưởng từ trước, tới năm 2000 - sau những thành công bất ngờ từ vuông tôm, bà con dòng họ và những chòm xóm bắt đầu hoang mang khi thất bại không rõ nguyên nhân, ý định tăng tốc rõ ràng hơn. Một năm kiếm được 30-40 triệu đồng 1ha, thậm chí cầm trong tay 10 triệu đồng/ha, cười như mếu, khóc không thành tiếng. Thu nhập xuống tới mức âm thì sự khủng hoảng tăng lên. Cha của Nhựt, chủ vựa tôm, cua, có 4ha nuôi thủy sản, ban đầu thất bại một lần coi như hụt chân, nhưng nhiều lần, lại gặp lúc suy thoái kinh tế (2008 và 2013) đẩy gia đình tới chỗ phá sản. Ðất nhà mênh mông, nuôi tôm không hiệu quả, trên thì lau sậy không biết làm gì! Trai tráng lo di cư tìm việc, con cái ăn học không tới nơi tới chốn, người ở lại dưới quê không có việc làm - rủ nhau nhậu giải sầu riết thành tật. Bức tranh liêu xiêu của ấp Tân Thành là vậy!

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí, học tiếp ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật ở Sài Gòn, làm khá nhiều việc, có lúc cũng lao vào thị trường bất động sản. Hình ảnh của Tân Thành và sự phá sản nặng nề tới mức không thể tìm con đường cứu rỗi là thách thức. Muốn tách khỏi con đường mà nhiều người đang phải trả giá, Nhựt muốn thiết kế một mô hình tích hợp, gồm nhiều lớp chắc chắn để thay đổi. Nhát cắt đầu tiên từ cây Ô rô, một loại cây không ai trồng, lớn lên trên vùng mặn - nhưng xin đừng nói đó là loài hoang dại. Bởi, từ xa xưa, tổ tiên của anh đã biết Ô rô là loại thuốc. Khi vợ Nhựt sinh bé đầu lòng thì mẹ đem bài thuốc dân gian ra cho con dâu uống từ Ô rô để có sữa. Bà nội thì nói hồi xưa cả xóm dùng Ô rô trị ghẻ.

Nhựt lọ mọ lên mạng tìm hiểu cho chắc, mới biết Ðông y gọi Ô rô là sơn ngưu bàng, Ô rô hoa trắng, dã hồng hoa… y học hiện đại định danh Acanthus ebracteatus - họ Ô rô danh pháp khoa học: Acanthaceae, có tác dụng trong chữa đau nhức xương khớp do phong thấp, chứng vàng da do gan, ứ huyết, rong huyết, trị hen suyễn… Các thầy thuốc còn ghi: Ở Cà Mau, người dân dùng rễ và lá trị thủy thũng, đái dắt, thấp khớp, tiểu buốt, đọt của cây được tận dụng chữa đau gan; lá và rễ được sử dụng để chữa trị các bệnh về đường ruột. Bên Trung Quốc, rễ Ô rô được dùng chữa bệnh hạch bạch huyết, đau dạ dày, gan lách sưng to, u ác tính, hen suyễn. Cây Ô rô thường sử dụng kết hợp với những cây thuốc khác như cây an xoa, cây xạ đen, xáo tam phân, nấm lim xanh, tam thất, bạch hoa xà, bán chi liên, những cây thuốc này đều có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư gan tốt có thể là cây bìm bịp tùy theo từng loại bệnh mà có thể sử dụng Ô rô kết hợp
hiệu quả.

Thực ra, lức mới là loại cây sinh sôi ở vùng mặn, tra cứu thấy công dụng dược liệu chủ trị: Ngoại cảm phong nhiệt phát sốt, hơi rét, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu. Sống đời tự nhiên vô lối thì dễ nhưng trồng theo hàng theo lối thì lức bông trắng "tự quyên sinh". Nhựt có vẻ đã thận trọng hơn khi trồng Ô rô, tạm thời để lức bông trắng nhiều thách thức qua một bên. Vấn đề là "chạy" mô hình như thế nào khi liên minh "chân ướt - chân ráo" trở về quê?

Nhập cuộc

Công ty TNHH Nông nghiệp mặn (HALOFAI), được thành lập từ tháng 10-2021, là Start up cung cấp giải pháp nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, coi trọng giá trị và làm ra sản phẩm từ các loại thực vật chịu mặn, sử dụng nước mặn và chất thải nuôi trồng thủy sản để tưới thảm thực vật chịu mặn, Nhựt cho biết.

Tháng 6-2022, Nhựt chính thức về Phú Tân, Cà Mau bắt đầu xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, trang thiết bị sau gần một năm hướng dẫn tạo dựng vùng nguyên liệu. Ðầu tiên là làm 5ha đất nhà. Rất may, cha mẹ ủng hộ làm mô hình đa tầng, sơ ri trồng trên bờ vuông (600 gốc), Ô rô trồng ven bờ dưới nước vẫn nuôi thủy sản. Lúc thực hành các giải pháp kỹ thuật, chòm xóm theo sát. Nhựt chỉ cho họ cách trồng đúng bài bản, mua Ô rô có sẵn ở trong vuông của họ để chế biến. Hiện nay, 16 hộ thấy hiệu quả đã chủ động tham gia dự án, giao kèo làm ăn với Nhựt. Ô rô mọc vô lối không còn là cây vô tích sự, phải phá bỏ mà đã là nguồn dược liệu tự nhiên. Nhựt giúp họ tổ chức lại vùng trồng Ô rô vuông tôm, xử lý bã dược liệu từ quy trình chế biến Ô rô bổ sung nguồn thức ăn cho tôm, cua hoặc giúp vệ sinh vuông tôm… Thu nhập của người nuôi tôm, cua có thể kéo thu nhập bình thường từ 45-60 triệu/năm/ha, nay có thể tăng gấp đôi theo mô hình đa tầng.

Cây Ô rô.

Làm sao bảo đảm? "Tới thời điểm hiện tại HALOFAI đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng, toàn bộ là tiền của Nhựt. Nhà xưởng gần 200m2 làm theo tiêu chuẩn ISO, đầu tư các máy móc chế biến, sử dụng công nghệ chân không, sấy lạnh, năng lượng mặt trời, máy đóng gói, máy nghiền, chiết rót… Mọi người chưa phải đầu tư tiền của, chỉ cần ngưng phá bỏ Ô rô, coi trọng nguồn nước và đất đai bao vuông tôm", Nhựt tự nhận xét: "Quy mô nhà xưởng không lớn, nhưng đủ phương cách để hoàn thiện 3 dòng sản phẩm: Viên uống ADOLI (thành phần: Cao Ô Rô nước mặn, cao lá Quao nước, cao Cà gai leo, cao Xạ đen và phụ liệu Gelatin, bột talc, lactose); Nước ép trái sơ ri và mật ong nguyên chất từ rừng U Minh kết hợp cao Ô rô. Tết tới sẽ có thêm sản phẩm muối chiết xuất từ Ô rô là sản phẩm liên kết với Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ. Công suất nước ép sơ ri và mật ong nguyên chất từ rừng U Minh kết hợp cao ô rô, 3.000 hộp/tháng; viên uống ADOLI gia công tại Long An - nhà xưởng đạt chuẩn GMP - là 5.000 hộp/tháng.

Từ đầu, để hiện thực hóa ý tưởng viên uống ADOLI, Nhựt tìm tới PGS.TS Xuân Trang, Ðại học Cần Thơ. Nghe Nhựt kể câu chuyện của mình và động lực để thay đổi sinh kế cho những chòm xóm đồng thuận theo mô hình mới, cô Xuân Trang đã đồng ý làm Mentor.

Hiện nay, đội ngũ Mentor gồm 5 người, chuyên về công nghệ sinh học, bào chế - công nghiệp dược, sinh học phân tử, công nghệ thực phẩm và phát triển thị trường. Nhân sự dưới quê 10 người, được gởi đi học. Nhựt ấp ủ ước mơ dành 2/3 lợi nhuận để tái đầu tư, lập quỹ học bổng khuyến khích lao động nghèo, hiếu học đi học nghề rồi về địa phương cùng phát triển mô hình. HALOFAI sẽ giúp các thành viên trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình khi mô hình chạy đều.

Ước ao - khát vọng không hề nhỏ, nhưng đầu tư trên 6 tỉ đồng chỉ mới thu vô được trên 100 triệu trong tháng đầu tiên đưa sản phẩm ra thị trường. "Không cần nôn nóng", Nhựt nói về nguồn tài nguyên rất lớn, chỉ cần hướng dẫn và có chính sách phù hợp, chòm xóm cùng làm là được.

Có hai tia hy vọng chiếu tới HALOFAI khi Ðề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ chọn công ty là 1 trong 18 dự án của Việt Nam làm thành viên chương trình khởi nghiệp bền vững toàn cầu. Mới đây, một nhà đầu tư ở Mỹ trao đổi với Nhựt sẽ đồng hành với mảng sản phẩm muối thực vật, không chỉ từ Ô rô. "Ðúng mong muốn trồng loại cây chịu mặn bản địa, ứng dụng công nghệ để làm ra nhiều sản phẩm đặc trưng, tăng thêm thu nhập, thay đổi sinh kế cho người dân của HALOFAI", Nhựt nói.

Cuối cùng hay bắt đầu?

Nhựt vừa nhận thêm nhiệm vụ Chủ nhiệm CLB khởi nghiệp tỉnh Cà Mau. Anh cười hiền nói trải qua nhiều lần lên bờ xuống ruộng, nhiều đêm thức trằn trọc, lây lất cuối cùng cũng đã nhìn thấy sản phẩm, có người lắng nghe câu chuyện, biết ý nghĩa dự án tác động xã hội và… tất nhiên coi kỹ kết quả kiểm định. Có người lại nói đó là sự bắt đầu. Xưa nay chưa có sản phẩm từ Ô rô, lúc đầu dùng thử, trải nghiệm một vài lần bây giờ thì tin rồi. "Ðó là tín hiệu đáng mừng. Ðúng hơn, đó là động lực để Nhựt đi tiếp", Nhựt chia sẻ: "Hệ sinh thái HALOFAI là sẵn sàng hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với các Startup, chuyển giao kỹ thuật trồng và gia công".

Tất cả là những gì anh học được sau lần tình cờ nói chuyện với một người cũng từng lên bờ xuống ruộng từ thanh long, sau này là Hội trưởng Hội Thanh Long ở Long An, nhờ đó có cách nghĩ khác, tự hiểu phải bắt đầu từ khả năng của chính mình, phải biết cách kiểm soát chi phí, dòng tiền và theo đuổi chiến lược.

Kinh nghiệm của Nhựt với Nicholas Tan Shell, người Mỹ gốc Việt, giám đốc một công ty Start Up, am hiểu về nước mặn, biến đổi khí hậu; cả hai hợp tác triển khai vùng trồng cây saliconia và mô hình nông nghiệp tuần hoàn, cùng khảo sát những giống cây chịu mặn. Saliconia là giống được chọn, mới trồng lên rất chậm, tới tháng thứ ba tự nhiên bùng lên một cách lạ kỳ. Nicholas Tan Shell khen Nhựt có tay trồng loại cây chứ nhiều người không làm cây lên được. Nhưng sau đó, dự án không có kinh phí làm tiếp. Nicholas về Hawaii còn Nhựt ở lại, anh tự hỏi sao không bắt đầu từ cây chịu mặn bản địa?

Tương tự, gác kèo ong là nghề truyền thống của dân U Minh, mật ong rừng U Minh nổi tiếng, nhưng lâu nay dân buôn đã làm gì? Ðể có mật ong rừng U Minh, người gác kèo lấy mật khó nhọc, nhưng kỹ năng leo cao và kinh nghiệm trong rừng rậm không giữ được tiếng cho mật ong rừng U Minh.

Khai thác Ô rô, xạ đen (liên kết Start up tại Cà Mau), sơ ri và mật ong rừng U Minh... làm ra sản phẩm có dược tính, bổ dưỡng và chân thật từ vùng mặn, Nhựt tính toán: cứ 1 mét tới (tính theo mét tới bờ cặp mé vuông) có thể thu hoạch được 15kg Ô rô cung cấp cho HALOFAI, cây Quao nước 1 năm tuổi có thể khai thác 4-5kg mỗi mét tới; sơ ri trồng 3 năm tuổi, 1 gốc có thể thu 3-5 kg/ngày/gốc.

Lâu nay trong hệ sinh thái tôm - lúa, tôm - rừng nhưng không có những cây này. HALOFAI xây dựng hệ sinh thái coi trọng cây dược liệu chịu mặn; mọi người từng nhìn thấy người thân đau yếu, bệnh tật, đã hiểu vì sao phải trồng cây dược liệu, kiểm soát chất lượng, kiểm mẫu đàng hoàng. HALOFAI hy vọng - dần dần mô hình sẽ định dạng như một phần di sản nông nghiệp quan trọng - không chỉ coi trọng tự nhiên mà còn làm rõ sắc thái văn hóa trong từng dòng sản phẩm. Ðoạn cuối của sự ra đi sẽ bắt đầu khi nguồn lao động tha hương trở về cùng làm - Nhựt tin như vậy.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết