27/04/2017 - 21:37

Nông sản GAP gian nan đường ra thị trường lớn

Kỳ cuối: Dùng tư duy mới để sản xuất và tiếp cận thị trường

Theo nhận định của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN), nông sản GAP giá bán không khác biệt so với nông sản sản xuất thông thường do năng lực cung cấp của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hạn chế, sản xuất manh mún và thiếu liên kết với nhau giữa các HTX cùng ngành hàng. Quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại ĐBSCL đang đi vào quỹ đạo, nhiều địa phương đã tích cực và chủ động hơn trong hỗ trợ nông dân, HTX. Bởi đây là con đường tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững.

Để GAP bền vững

Các nhà khoa học cho rằng, muốn sản xuất GAP bền vững, giúp nông dân yên tâm đầu ra, phải mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Việc này Nhà nước phải làm, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kết nối thị trường với DN xuất khẩu. Nông dân sản xuất, nhà khoa học hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chọn giống. Theo nhiều nông dân, họ không ngại khó đi theo các tiêu chuẩn của DN, nhưng nông dân cần DN thực hiện đúng cam kết, phân biệt rạch ròi sản phẩm GAP và sản phẩm thông thường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nông dân trong vòng 3-5 năm đầu thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn GAP. Theo Giám đốc một DN chế biến trái cây ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, DN từng bỏ ra 2.300 USD để chứng nhận Global GAP cho 50ha nhãn vào năm 2007. Chứng nhận đã có, nhưng khi tiếp cận với thị trường châu Âu cũng không dễ dàng, vì không nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của mình. Nếu không có chiến lược quảng bá thì dù DN, nông dân cố gắng làm GAP cũng không có ý nghĩa gì.

Nông dân bán lúa cho thương lái tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: K.C

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang), cho biết: "Cần phải thay đổi rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ngành Nông nghiệp cần quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất theo hướng an toàn… để DN dễ dàng bao tiêu sản phẩm cho người dân". Cùng quan điểm, ông Phan Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (tỉnh Tiền Giang) cũng cho rằng: "Nhiều năm qua, các đối tác đến tìm hiểu về sản phẩm của công ty, muốn ký hợp đồng xuất khẩu ổn định. Nhưng khi nghe nói đến sản lượng ổn định là chúng tôi thấy sợ, bởi trái cây của chúng ta sản xuất theo mùa. Khi đến thu hoạch, sản phẩm ùn ứ, nhưng một thời gian ngắn thì lại không còn sản phẩm. Vì vậy, việc quy hoạch vùng, trồng tập trung vài sản phẩm chủ lực và có rải vụ… thì mới đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Có như vậy, giá trị nông sản của chúng ta mới nâng cao. Từ đó, thu nhập và lợi nhuận của nông dân, cũng như DN tiêu thụ sản phẩm mới được cải thiện". Song song đó, sản phẩm GAP phải có logo, xây dựng và áp dụng quy trình quản lý nhóm; các địa phương hỗ trợ đào tạo đội ngũ quản lý HTX, kỹ thuật sản xuất cho nông dân, xây dựng hệ thống giao thông tới các vùng sản xuất…

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: "Để kinh tế hợp tác phát triển bền vững, người nông dân không còn bơ vơ trong thị trường mua chung bán chung, đỏi hỏi người "đầu tàu" có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và uy tín. Từ đó, định hướng nông dân ứng dụng quy trình GAP theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho xã viên, đưa HTX phát triển ngày một lớn mạnh". Để giúp HTX thực hiện được các mục tiêu này, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các sở, ngành và các viện trường tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, năng lực quản trị; kỹ năng điều hành; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; cách thức tổ chức dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra; kỹ năng đàm phám và ký kết hợp đồng. Tổ chức cho cán bộ HTX tham quan và học tập các mô hình điển hình ở các địa phương… Hiện thành phố có nhiều mô hình liên kết hợp tác hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đạt doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm. Những mô hình này đang góp phần xóa tâm lý ngán ngại vào kinh tế hợp tác của nông dân.

Đối với ngành lúa gạo, cánh đồng lớn (CĐL) mà các địa phương đang xây dựng là mô hình lý tưởng để triển khai GAP. Tại Tiền Giang, giai đoạn 2015-2020, tổng diện tích CĐL mà UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt cho Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện là 66.200ha, sản lượng khoảng 400 ngàn tấn, với 2 dòng sản phẩm gạo trắng thông dụng và gạo thơm đặc sản; địa bàn triển khai tại 55 xã thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông; thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công. Kinh phí thực hiện khoảng 560 tỉ đồng từ vốn công ty, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ và vốn hợp pháp khác. Theo ông Nguyễn Quốc Trực, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, công ty đầu tư theo 3 phương thức: hợp đồng sản xuất có đầu tư đồng bộ đầu vào; hợp đồng sản xuất đầu tư một phần lúa giống xác nhận hoặc vật tư nông nghiệp cho nông dân tham gia mô hình. "CĐL mà công ty xây dựng sẽ dần hình thành chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giảm giá thành sản xuất 10%, giảm thất thoát sau thu hoạch còn 7%, tăng thu nhập cho nông dân 10-15%. CĐL là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất. Để mô hình thành công, công ty cần phối hợp với các sở, ngành liên quan; bởi trong quá trình thực hiện có thể vấp phải vấn đề không thống nhất về giá để có thể đặt hàng đầu tư sản xuất cho phù hợp"- ông Trực nói.

Dựa vào thực tế để có quyết sách đúng

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, các loại trái cây đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long, khóm… được quy hoạch vùng trồng, liên kết chuỗi. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện xây dựng cụ thể chương trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP, đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích canh tác đối với những loại cây có thế mạnh. Tỉnh cũng tiến hành khuyến khích các đơn vị mở rộng thị trường, DN xuất khẩu gắn liền với vùng nguyên liệu; hướng nông dân vào các tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, công ty nông nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá sản phẩm GAP đến người tiêu dùng. Có như thế mới mong phát huy được hiệu quả cho chương trình sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP.

Những DN bao tiêu nông sản cũng đề xuất phải thay đổi nhận thức về mô hình CĐL; sớm khắc phục những yếu tố có liên quan trực tiếp như: củng cố, xây dựng các HTX, THT; chính quyền địa phương cấp xã nên làm đầu mối, gắn kết mô hình với chương trình xây dựng nông thôn mới; DN tham gia bao tiêu phải khách quan, kịp thời trong việc xác định giá mua theo thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện nông dân còn gặp khó về nguồn kinh phí để được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo GAP. Chính phủ đã có Quyết định 01/2012/QĐ-TTg (ngày 9-1-2012) về việc hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu và hỗ trợ 50% kinh phí lần 2 cho nông dân trong việc chứng nhận sản xuất theo VietGAP và các GAP khác. Tuy nhiên, thiếu các văn bản hướng dẫn và nhiều nông dân cũng chưa có đầy đủ thông tin và các đầu mối hỗ trợ tiền nên chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này. Vấn đề này cần hướng giải quyết cụ thể hơn để nông dân an tâm về GAP. "Sở đang tích cực phối hợp các bên liên quan để giải quyết các vướng mắc về nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân chứng nhận sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn GAP. Tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối với các nhà tiêu thụ sản phẩm"- bà Kiều cho biết.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Giai đoạn 2017-2020, tỉnh sẽ triển khai 3 chuỗi thực phẩm lớn gồm: thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Các sở, ngành chức năng đang phối hợp để hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, quản lý mô hình, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản sạch. Tại tỉnh, nhóm nông sản đạt chứng nhận VietGAP như chanh không hạt, bưởi, khóm... đầu ra tương đối tốt; còn nhóm rau màu chưa tốt, do nông dân chưa kiểm soát tốt dư lượng thuốc sâu. Chi cục đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án sản xuất sản phẩm rau, củ, quả theo chuỗi thí điểm tại các phường 3, 4, 5, thành phố Vị Thanh. Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa không khó, DN, HTX muốn đăng ký thì Nhà nước sẽ hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất là tổ chức sản xuất, kế hoạch sản xuất, quy mô hàng hóa. Khi giải quyết tốt các rào cản này, thì việc tìm kiếm đối tác bao tiêu hàng hóa không phải là khó"…

Theo các nhà khoa học, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã thực hiện nhiều năm qua. Việt Nam có 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương và TP Cần Thơ) và 2 khu nông nghiệp công nghệ cao được Thủ tướng phê duyệt (Hậu Giang và Phú Yên) nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao cần tính đến việc chuyển giao công nghệ sao cho phù hợp, tương thích với trình độ của nông dân và phải lựa chọn mô hình, sản phẩm sản xuất. Tránh tình trạng địa phương có năng lực tài chính nhưng lựa chọn công nghệ sai lầm (công nghệ lạc hậu, hoặc công nghệ quá cao). Cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học độc lập tham gia công tác nghiên cứu. Đồng thời, sửa đổi cơ chế liên kết để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, có trọng tài kinh tế để giải quyết tình trạng phá vỡ hợp đồng, mới phát triển được chuỗi nông nghiệp công nghệ cao.

Nhóm PV Kinh tế

Chia sẻ bài viết