04/10/2020 - 09:45

Nồng nàn của đất 

Truyện ngắn Hoàng Khánh Duy

Trà đã cạn, nhìn trăng treo ngọn cau, Tám Tần cao hứng ca vọng cổ, dứt câu nào là Sáu Thà vỗ đùi cái bốp khen "Ngọt như mía lùi". Tiếng ca của Tám Tần vang qua sông, vọng vào tuốt trong xóm. Tám Tần không thích ca vọng cổ trên chòi, chỉ thích ở dưới chiếc ghe này. Ðêm miệt này sương rơi, ngồi trong chiếc ghe cũ chứa ba, bốn người đã chật, không còn chỗ để cây đèn măng-sông. Nhưng lại thích. Trà quạu châm đến lợt. Nước sông dâng dâng. Không ca nữa thì gục xuống ghe ngủ, có sóng vỗ làm thành thanh âm ru giấc ngon lành. Trên chòi, thằng Cu Lì nghe Tám Tần dứt tiếng ca, thì kéo mềm trùm kín đầu ngủ yên...

Cu Lì theo Tám Tần về xứ này từ lúc còn con nít, chưa biết mắc cỡ, nên vẫn cởi truồng tắm sông. Chiều chiều, các bà các dì trong xóm hay bơi xuồng ra chòi, bưng cho nó tô cơm, cái trứng gà ta mới đẻ… sợ Tám Tần đi giẫy cỏ thuê bỏ thằng nhỏ đói bụng, sợ ban đêm Tám Tần đi câu, thằng nhỏ không ai coi chừng rớt xuống sông. Tám Tần cười hề hề nói: "Tui không coi chừng con nít kỹ bằng các bà các chị thiệt, nhưng có tệ dữ vậy đâu". Tám Tần không tệ thiệt, lúc quanh quẩn trong xóm thì thôi, chứ đi đâu xa là đem Cu Lì theo lên ghe, có mui che nắng mưa đàng hoàng, rồi Tám Tần mới vừa ca vọng cổ vừa chèo ghe đi.

Hỏi Tám Tần quê hương xứ sở ở đâu thì chỉ cười trả lời: "Tứ cố vô thân". Cu Lì buột miệng hỏi:

- "Tứ cố vô thân" là gì vậy chú Tám?

Tám Tần cười:

- Là như chúng ta vầy nè. Nay chỗ này mai chỗ nọ. Thấy cực không Cu Lì? Thấy xứ U Minh này có buồn đứt ruột không Cu Lì?

Thằng nhỏ trả lời câu gì không rõ bởi vừa hỏi xong Tám Tần lại hát. Người ta nói ông này phải đi theo đoàn cải lương mới đúng chứ không phải lênh đênh bấp bênh làm thuê làm mướn vậy đâu, bài nào cũng thuộc, thuộc rành rọt từng chữ, hát cũng "có chất giọng" chứ đâu phải bỏ đi. Vậy sao ổng chọn chênh vênh, lưu lạc chi vậy không biết.

Hỏi thêm thì Tám Tần không trả lời. Chỉ đôi mắt lóe lên điều gì sâu thẳm lắm…

***

Có hôm cùng đi đám giỗ trong xóm, nghe Tám Tần ca vài bản mùi mẫn, Sáu Thà cao hứng hỏi:

- Sao hồi đó không theo đoàn cải lương, đoàn lô tô vậy Tám? Biết đâu giờ thành nghệ sĩ rồi chứ không phải tha hương ở U Minh này đâu.

Tám Tần nghe nói đến đoàn cải lương, lập tức nhổm người dậy, mắt đỏ ậng nước, cảm xúc chợt bùng nổ:

- Cải lương! Tui ghét cay ghét đắng cái bọn đó... Cái bọn...

Nói tới đó, Tám Tần ngừng lại. Hoặc không biết nói thêm gì, hoặc nghẹn ngào thiệt. Mặt Tám Tần đỏ gay. Sự hung hăng bất chợt của Tám Tần khiến mọi người chưng hửng. Người tiếp xúc nhiều với Tám Tần biết hắn có vẻ ngoài bụi bặm, lang bạt, cộc cằn vậy thôi chứ Tám hiền lắm. Và ai cũng tưởng Tám Tần thích cải lương nên mới ca vọng cổ hoài. Chuyện Tám Tần ghét cải lương được khẳng định khi lần đầu tiên người trong xóm thấy Tám la nạt Cu Lì. Ðó là bữa có đoàn cải lương về xóm hát ở sân đình, Cu Lì đòi đi coi, Tám Tần không cho, thằng nhỏ lén đi. Tối đó, Tám Tần xém chút đã tần cho thằng nhỏ một trận đòn. Từ đó, Tám Tần ủ rủ, chiều chiều Tám xuống ghe, hát "Chuyện mai sau của chúng mình chỉ còn là mộng ảo. Thì đừng hoài vọng làm chi cho thêm buồn bã kiếp hoa sầu…".

Cái "chuyện chúng mình" mà Tám Tần nói tới là hồi xửa hồi xưa, hồi Tám còn trẻ, sống ở cái làng nhỏ nằm bên con sông Cái - chỗ đó xa nơi này lắm. Khi đó Tám phải lòng một người con gái tóc thề chấm lưng, cũng hát hay, chiều nào Tám cũng đậu ghe ngoài bến nước để nghe tiếng hò của cô ấy vấn vương những tán lá bần rung rinh. Tám hò lại, cô gái che miệng cười khúc khích.

Cô ấy tên Mơ. Chiều nào cô cũng giặt đồ, chải tóc ở bến nước và đó cũng là nơi hò hẹn của Tám với cô. Nhưng tình yêu ấy chỉ đẹp cho đến khi lúa trổ đòng đòng. Có đoàn cải lương về làng hát ngoài đình, Mơ ngày nào cũng lân la đến làm quen. Ði hát vốn là mơ ước của cô, được mẹ cô truyền lại bởi bà từng là đào nhì của một gánh hát lớn. Chiều hôm đó, cô đào trong đoàn tự nhiên bị ngất giữa sân khấu lúc dợt tuồng. Ông bầu tìm người thay thế bởi vé đã bán rồi. Vậy là Mơ được lên sân khấu. Trong khoảnh khắc Mơ bước ra sàn diễn, Tám Tần đậu ghe dưới sông nhìn lên, tự dưng thấy giữa mình và Mơ có một khoảng cách. Nó không rộng như đôi bờ, nhưng đủ để xóa mờ những tay nắm môi hôn mới chớm…

Tám Tần giận Mơ rồi ghét lây sang cải lương. Tám giận Mơ bước đi không nói một lời. Khi chiếc ghe chở đoàn hát rời bến sông thì Mơ cũng biến mất. Tám qua đình, thấy gánh hát đã dọn, mới hoảng hốt giong ghe đuổi theo, chỉ kịp thoáng thấy chiếc ghe mập mờ trong sóng khói. Bóng Mơ đứng trước mũi ghe ngoái lại, vẫy tay. Tám Tần đứt ruột. Phải mà Mơ ngoắc tay thì Tám đã đuổi theo đến cùng. Nhưng Mơ vẫy tay. Là từ biệt.

***

Tám Tần nói với Cu Lì:

- Ghe gánh hát đó mang má của con đi luôn. Chú ráng nương bên bờ đợi má con đi ngang chú ngoắc lại trả con, mà chờ hoài không thấy. Rồi cuộc sống xô đẩy, chú cháu mình mới về xứ này...

Cu Lì cúi mặt, buồn thiu:

- Chú Tám đừng buồn con nữa, từ nay con hứa không lén chú đi coi cải lương nữa. Chú đừng nhớ chi chuyện của má con nữa, mà buồn hoài...

Tám Tần nghe Cu Lì nói mà xót. Hồi Mơ trở về làng với cái bụng bầu, Tám Tần hỏi ai là cha thằng nhỏ, Mơ nín thinh. Tám Tần bên Mơ đến đêm trăng cô sinh Cu Lì. Tám Tần chạy còng còng trên đê vô làng tìm mụ đỡ đẻ cho Mơ. Ðứa nhỏ chào đời đúng ngay đêm Rằm, bởi vậy mặt Cu Lì sáng như trăng. Tám Tần ngồi nhìn Mơ, nhìn Cu Lì, tự nhiên có niềm hạnh phúc len lỏi. Ðứa nhỏ sẽ lớn lên trên ghe cùng Tám Tần với Mơ, sông nước cưu mang Tám Tần được thì cũng cưu mang mẹ con Mơ được. Miễn là có nhau.

Nhưng Mơ cắt đứt ước muốn đó của Tám Tần. Mơ bỏ con trên ghe, lấy gối tấn hai bên để thằng nhỏ không lăn, không bò được. Còn Mơ thì đi. Ðó cũng là lúc đoàn cải lương khác cất gánh rời bến sông xưa. Tám Tần đã dự cảm chuyện chẳng lành khi thấy Mơ ôm con ngồi ngoài mũi ghe, hát ngọt lịm mà mắt buồn xa xăm trong buổi chiều hôm trước. Nhưng Tám không nghĩ rằng Mơ bỏ con, bỏ Tám đi sớm vậy. Lòng Tám tan nát. Tám nhìn đứa con. Từ đó Tám ru con bằng những câu ca lỡ hẹn, lỡ tình...

***

Chiều nay mát rượi, bóng tràm đổ xuống mặt sông loáng thoáng mấy cái bông trắng ngà rụng, trôi lềnh bềnh, mà đẹp, mà buồn. Tám Tần thấy mình trong bóng dáng Cu Lì, cũng bị bỏ rơi. Ðột nhiên, thằng nhỏ đứng lên vạt, chỉ về phía sông:

- Chú Tám, lại có chiếc ghe hát đi ngang qua...

Tám Tần cũng đứng dậy nhìn theo hướng tay Cu Lì. Dẫu nói rằng ghét, nhưng mắt Tám vẫn nhìn theo hướng ghe hát, còn lòng đang nghĩ về những ngày xưa, người xưa. Tám chợt nắm tay Cu Lì, chạy theo ghe hát, hy vọng thằng nhỏ được một lần gặp lại mẹ...

Chia sẻ bài viết