24/08/2014 - 17:18

Nông dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, để tiếp cận các chính sách này, nông dân và doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc…

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 80) về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Quyết định 80 đã mở hướng đi mới tích cực, khuyến khích nhiều DN tham gia liên kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai vào thực tế đã bộc lộ hạn chế khi chưa đảm bảo ổn định đầu ra các loại nông sản. Bởi Quyết định 80 có thiếu các quy định về chế tài cụ thể, khiến dễ xảy ra tình trạng "bẻ kèo" trong các hợp đồng được ký giữa nông dân và DN. Từ thực tế đó, ngày 25-10-2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 (gọi tắt là Quyết định 62) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Quyết định 62 ra đời cùng với Thông tư hướng dẫn được điều chỉnh, bổ sung thêm nhiều quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tế và cụ thể hơn so với Quyết định 80. Trong đó, có điều khoản quy định, các bên tham gia liên kết vi phạm hợp đồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. DN, hộ nông dân, tổ chức đại diện của nông dân đã nhận hỗ trợ của Nhà nước nhưng vi phạm hợp đồng liên kết đã ký với đối tác mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi và không được xét hỗ trợ ở năm tiếp theo.

Hiện TP Cần Thơ có gần 600 máy gặt đập liên hợp, giúp phần lớn các diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, vừa giảm chi phí vừa hạn chế được tổn thất sau thu hoạch.

Cùng với chính sách về liên kết tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ cũng kịp thời ban hành và đổi mới các chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch. Cụ thể, năm 2010 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 (gọi tắt là Quyết định 63) về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản, đến năm 2011 Chính phủ ban hành Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2-12-2011 về sửa đổi, bổ sung Quyết 63. Năm 2013, Chính phủ tiếp tục có sự điều chỉnh về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch khi ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 (gọi tắt là Quyết định 68) về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để thay thế Quyết định 63 và 65. Theo Quyết định 68 và Thông tư hướng dẫn, các loại máy được hỗ trợ vay vốn ưu đãi được mở rộng hơn trước chứ không chỉ dừng lại ở máy gặt đập liên hợp và không còn quy định máy phải đạt tỷ lệ nội địa trên 60%; có nhiều ngân hàng tham gia cho vay vốn, với đa dạng các loại khoản vay như: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Quyết định 68 có nhiều thay đổi lớn nhằm giúp khắc phục hạn chế của các Quyết định 63 và 65 trước đó. Đặc biệt, Quyết định 68 đã chú ý việc mua hỗ trợ DN mua máy móc nông nghiệp gắn với hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã để đạt hiệu quả cao. Cụ thể, muốn được hỗ trợ theo Quyết định 68, các DN phải có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân.

Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành, triển khai vào thực tế nhưng đến nay, đối tượng thụ hưởng chính từ chính sách (nông dân và DN) vẫn chưa được phổ rộng.

Nông dân, doanh nghiệp còn thiếu thông tin

Mới đây, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai các chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tại hội nghị, nhiều nông dân và DN nhìn nhận, các chính sách của Nhà nước ngày càng khuyến khích và hỗ trợ nhiều cho nông dân, DN và các đối tượng có liên quan (như hợp tác xã, tổ hợp tác…) trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hiện đại hóa sản xuất. Song, việc đưa các chính sách hỗ trợ nông nghiệp đi vào cuộc sống vẫn còn gặp khó, nhất là đối với Quyết định số 68 và Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định này được ban hành gần đây. Nhiều nông dân và DN vẫn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, nhất là các đầu mối để liên hệ và các quy trình, hồ sơ thủ tục cần thực hiện nhằm thụ hưởng chính sách.

Ông Phạm Chí Linh, ngụ ấp Trường Thọ 2, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: "Trước đây, tôi và một số bà con trong ấp liên kết thành lập Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, với 17 tổ viên, canh tác trên diện tích 30 ha. Để nâng cao hiệu quả liên kết, chúng tôi đang tiến hành mời gọi DN đến ký hợp đồng bao tiêu lúa; đồng thời xúc tiến thành lập hợp tác xã và có ý định đầu tư mua máy bơm điện nhưng chưa biết làm các hồ sơ thủ tục gì và liên hệ ngân hàng nào để được hưởng chính sách vay vốn theo Quyết định 68?". Theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi, khuyến khích DN liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển "cánh đồng lớn". Quyết định 68 ra đời, không chỉ nông dân vui mà các DN cũng phấn khởi. Tuy nhiên, để Quyết định này đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành chức năng, nhất là các ngân hàng. "Vừa qua, DN có liên hệ với chi nhánh các ngân hàng lớn trên địa bàn TP Cần Thơ đặt vấn đề vay vốn hỗ trợ theo Quyết định 68 thì được ngân hàng trả lời chưa thực hiện do hội sở chưa triển khai. Do vậy, DN muốn kịp thời đầu tư mua máy móc, thiết bị theo yêu cầu sản xuất kinh doanh của mình phải vay vốn với lãi suất như thông thường, chứ không thể chờ "- bà Lan cho biết.

Nhiều DN kiến nghị các cơ quan chức năng cần công bố các đầu mối ngân hàng có tham gia vay vốn theo Quyết định số 68 và tạo điều kiện thuận lợi hơn về hồ sơ thủ tục (công bố quy trình làm hồ sơ, thời hạn xét duyệt hồ sơ…) để các DN và người dân thuận lợi trong việc tiếp cận. Đồng thời, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Nhà nước. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho rằng: "Mô hình liên kết giữa nông dân và DN trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với hợp đồng bao tiêu vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra được xem là mô hình tối ưu nhất hiện nay. Để phát triển mô hình này, DN rất cần được tạo thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn vay với ưu đãi lãi suất để đầu tư lò sấy và kho dự trữ lúa gạo".

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tới đây ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời và đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và có đề xuất về trên để tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc. "Tuy nhiên, nông dân, DN và các bên có liên quan cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chủ động thực hiện các hồ sơ thủ tục và công việc cần thiết nhằm được thụ hưởng. Qua đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao và ổn định giá bán các loại nông sản"- Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết