05/03/2008 - 09:44

Nông dân ta đi Tây diễn thuyết

Ông Năm Châu tại hội thảo. Ảnh: T.T.B.

Đây là lần thứ ba, người nông dân này xuất ngoại. Hai lần trước, ông đi Malaysia, Thái Lan (vào năm 2004). Lần này, ông đi Ý tham dự hội nghị về đa dạng sinh học (ĐDSH), do Ban thư ký Hiệp ước Đa dạng sinh học (S-CBD) tổ chức, từ ngày 16 đến 22-2-2008. Chuyến đi đã để lại trong ông nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhất là ông đã thay mặt cho nông dân mình tham gia diễn thuyết sôi nổi tại một hội nghị quốc tế. Ông là nông dân Dương Văn Châu, được nhiều người biết đến với biệt danh “Vua lúa giống” Năm Châu.

1. Lần này, duy nhất có ông Năm Châu cùng đi với Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Trường Đại học Cần Thơ, tiến sĩ Trần Thanh Bé, với tư cách thành viên CBDC (dự án “Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học cộng đồng” - nay là chương trình CBDC-BUCAP tại ĐBSCL, do SEARICE tài trợ từ năm 2000 đến nay).

Qua điện thoại, ông Năm Châu hào hứng kể, trong chuyến đi này, ông được “nói” về 2 vấn đề. Một là, nông dân Việt Nam có “chịu” hay “không chịu” sử dụng hạt giống lai F1, có chấp nhận chuyện “chuyển nạp gien”? Hai là, những việc làm, thành tựu và kinh nghiệm của nông dân thuộc mạng lưới CBDC ở ĐBSCL trong những năm qua. Về hạt giống lai F1, ông bày tỏ quan điểm: không chấp nhận. Lý do, giá thành quá mắc, phải lệ thuộc công ty cung cấp giống. “Trong khi nông dân chúng tôi có thể làm ra hạt giống, tại sao phải chịu lệ thuộc sự độc quyền của công ty...?”- giọng ông Năm Châu chắc nịch. Có thể đời mình chưa thấy ảnh hưởng gì khi sử dụng lương thực thực phẩm “chuyển nạp gien”, nhưng đến đời con, cháu mình, rủi có tác hại gì thì sao? Nghĩ vậy nên ông không chấp nhận!

“Được đại diện cho nông dân Việt Nam mình phát biểu tại hội thảo, tui thấy hãnh diện lắm...”. Qua giọng nói, tôi cảm nhận được niềm vui sướng, hả hê của ông - người nông dân quyết “sống chết” cùng cây lúa. Về thành quả của nông dân mạng lưới CBDC ở ĐBSCL những năm qua, ông khẳng định: hiện nay, thay vì phải đi tìm mua lúa giống, nông dân có thể lai tạo được giống lúa, cung cấp lúa giống cho cộng đồng; đồng thời, tư vấn cho người khác sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và thị trường nội địa... giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập.

“Người ta cũng “chất vấn” mình dữ lắm. Như một “ông Trung Quốc” hỏi lúa lai F1 “ngon lành” vậy, sao mình không chịu? Còn về “đa dạng sinh học”, tại sao chỉ nói có cây lúa, không nghe nói đến các cây khác?... Cũng nhờ có thầy Bé (tiến sĩ Trần Thanh Bé). Chuẩn bị vào hội thảo, thầy Bé đã đặt vấn đề cho tui thoải mái trình bày suy nghĩ của mình. Rồi, thầy phản biện, cho tui tranh luận, cuối cùng “gút” lại quan điểm... Do đó, qua sự thông dịch của thầy Bé, tui trả lời trót lọt hết các câu hỏi của đại biểu” - ông Năm Châu hồ hởi khoe thêm.

2. Thú vị nhất là ông cùng tiến sĩ Trần Thanh Bé đã tự “bỏ tiền túi” ngồi xe lửa tốc hành đi tham quan một nông trại canh tác hữu cơ – đa canh ở Ancona, cách Roma 300 km.

Nông trại này rộng 13 ha của một gia đình gồm 2 vợ chồng có 4 con, đứa lớn nhất 14 tuổi. Trước đây, họ chuyên canh lúa mì. Từ năm 2000, khi bắt đầu chuyển một phần diện tích sang đa canh (trồng nhiều loại hoa màu, mỗi loại lại trồng nhiều giống) theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Chủ nông trại đã trồng “vành đai” cây cao, dầy mịt, bao bọc hết khuôn viên nông trại nhằm cách ly với các nông trại chuyên canh khác, để không bị ảnh hưởng bởi các loại sâu bệnh và thuốc bảo vệ thực vật từ những nông trại ấy. Không sử dụng phân hóa học, cũng không phải phân hữu cơ sinh học hay phân bò, heo, gà... như ở Việt Nam, phân hữu cơ của họ chỉ gồm có cỏ (mọc tự nhiên hoặc trồng) cộng với lá, thân, rễ... còn lại sau thu hoạch rau màu và trộn với một ít đất, tất cả được ủ hoai trong một năm rồi bón trả lại cho đất. Ngoài ra, cứ mỗi liếp hoa màu rộng khoảng 5m, ho trồng một hàng cây cao, trước hết để che mát, tạo độ ẩm và vi khí hậu cho cây trồng, và sau nữa là cho thu hoạch trái.

***

Từ Ý “bay” về Việt Nam vào chiều 25-2-2008, tối hôm ấy, ông Năm Châu đã có mặt tại nhà. Sáng hôm sau ông lại ra ruộng (cách đó mười mấy cây số, ở xã Thanh Mỹ, Châu Thành, Trà Vinh) để coi sóc, chuẩn bị cho việc hội thảo đánh giá giống lúa của mình. Vụ đông xuân này, ngoài 15 công sản xuất lúa giống TM4, ông vẫn giữ vài khoảnh đất để làm các thí nghiệm: so sánh giống; lai tạo, chọn dòng - một công việc mà ông say mê đến như đã trở thành máu thịt, hơi thở của mình...

Ông Năm Châu cho biết, TM4 được ông lai tạo trong vụ đông xuân 2002-2003. Bắt đầu từ vụ hè thu 2007, ông đã cung cấp hơn 10 tấn lúa giống này cho bà con tỉnh nhà sản xuất; sang vu thu đông, hơn 30 tấn. Vụ đông xuân 2007-2008 này, với nhu cầu cung ứng 100 tấn, ông phải hợp đồng vệ tinh sản xuất trên diện tích hơn 30 ha (chưa kể phần của ông và họ hàng thân tộc, thông gia, cộng chung hơn 10 ha).

Khi nghe tin ông Năm Châu được đi Ý dự hội nghị quốc tế, tôi có hỏi Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL “vì sao...”, tiến sĩ Trần Thanh Bé cho biết ngay, vì ông Năm Châu là một trong những nông dân tiêu biểu của mạng lưới CBDC ở ĐBSCL, hoạt động đa dạng, được địa phương ghi nhận. Đặc biệt, ngày 17-1-2007, ông Năm Châu đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng 3, về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất giỏi.

Về hội nghị quốc tế ông Năm Châu đã tham dự, tiến sĩ Trần Thanh Bé cho biết thêm: Đây là Hội nghị lần thứ 13 Ban Tư vấn Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (SBSTTA-13) về ĐDSH trong nông nghiệp, rừng và các vấn đề liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Hội nghị qui tụ gần 300 người từ 190 quốc gia thành viên Hiệp ước Đa dạng sinh học (CBD), mà Việt Nam là thành viên từ tháng 11-1994. Song song nội dung chính của hội thảo, như: đánh giá việc thực hiện chương trình hành động về ĐDSH trong nông nghiệp, ĐDSH rừng; các vấn đề liên quan và mới nảy sinh về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH – phương cách hành xử... còn có 55 cuộc hội thảo khác, gọi là “sự kiện bên lề”. Ông Năm Châu và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã phát biểu tại 2 hội thảo như vậy. Phần trình bày của ông Năm Châu và Viện được cử tọa quan tâm và đánh giá rất cao...

Sau những thông tin khá khô khan ấy, tiến sĩ Trần Thanh Bé khoe: “Lúc nghe nói ông Năm Châu là nông dân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, người ta ngưỡng mộ, vỗ tay quá chừng”.

• NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết