Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách đúng đắn, phù hợp tình hình thực tế, được nông dân đồng tình. Thế nhưng, trong thực tế triển khai thực hiện, do nhiều nguyên nhân, nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn này.
Cán bộ quan liêu !
Sau 20 ngày nộp hồ sơ xin vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất, ông Phan Quốc Chính, ở ấp Thới Phước, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo & PTNT) huyện Thới Lai trả lại hồ sơ, từ chối cho vay. Lý do Chi nhánh NHNo & PTNT đưa ra để từ chối là: “Hộ ông Phan Quốc Chính có liên hệ xin vay vốn, với số tiền 700 triệu đồng để nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra của ngân hàng, phương án nuôi cá tra của hộ ông Chính đã được Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Cần Thơ đầu tư đủ vốn. Từ yếu tố trên, chi nhánh NHNo & PTNT huyện Thới Lai từ chối cho vay, vì không đủ điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng”.
|
Nông dân huyện Thới Lai tìm hiểu thông tin vay vốn hỗ trợ lãi suất tại chi nhánh NHNo & PTNT huyện. |
Khi nhận được thông báo từ chối vay vốn, ông Phan Quốc Chính rất bất ngờ. Ông Chính cho biết: “Phương án nuôi cá tra giống gia đình tôi chỉ gửi đến duy nhất Chi nhánh NHNo & PTNT huyện Thới Lai đề nghị xét vay vốn. Thế nhưng, không hiểu ngân hàng thu thập thông tin ở đâu, để khẳng định việc nuôi cá tra của tôi đã được Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex đầu tư đủ vốn”. Bức xúc trước lý do không đúng thực tế, ông Phan Quốc Chính đã đến Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Cần Thơ tìm hiểu, được bà Trương Thị Hoàng Diễm, Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Cần Thơ, xác nhận: “Ông Phan Quốc Chính hiện không đứng tên vay vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Cần Thơ”.
Khi đã có xác nhận này của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Cần Thơ, ông Phan Quốc Chính liên hệ trở lại với Chi nhánh NHNo & PTNT huyện Thới Lai để được xem xét giải quyết vay vốn, nhưng đến nay ông Phan Quốc Chính vẫn chưa được xem xét giải quyết cho vay vốn.
Ngày 19-6-2009, ông Phan Quốc Chính đã làm đơn đến NHNo & PTNT TP Cần Thơ phản ánh vụ việc này. Ngay sau khi nhận được đơn, NHNo & PTNT TP Cần Thơ đã tổ chức thanh tra, xác minh nội dung phản ánh của ông Chính. Kết quả kiểm tra khẳng định, lý do mà chi nhánh huyện Thới Lai từ chối cho vay là không có cơ sở, sai quy định tín dụng, gây phiền hà cho người dân. Hiện nay, NHNo & PTNT TP Cần Thơ đang hoàn tất hồ sơ để xử lý cán bộ có liên quan.
Ông Phùng Văn Banh, Giám đốc chi nhánh NHNo & PTNT huyện Thới Lai, thừa nhận: “Trong quá trình phê duyệt hồ sơ của ông Phan Quốc Chính, ngân hàng đã nóng vội, chủ quan, dẫn đến quyết định từ chối cho vay chưa đúng quy định”. Ông Phùng Văn Banh cũng cho biết, hồ sơ vay vốn của ông Phan Quốc Chính, ngân hàng giao cho bà Phạm Bích Thanh thẩm tra. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cán bộ này đã không thực thi nhiệm vụ tới nơi tới chốn, tham mưu cho chi nhánh ra quyết định từ chối cho vay với lý do không chính đáng, gây thiệt thòi cho hộ ông Phan Quốc Chính. Ông Banh cho biết: “Chi nhánh NHNo & PTNT huyện Thới Lai sẽ ra thông báo hủy việc từ chối cho vay, đồng thời thiết lập lại quan hệ tín dụng với hộ ông Phan Quốc Chính. Riêng việc xử lý cán bộ tín dụng có liên quan, sẽ do NHNo & PTNT TP Cần Thơ xem xét, quyết định theo đúng quy định hiện hành”. Trong khi đó, vì cần vốn để đầu tư nuôi cá tra, ông Phan Quốc Chính đã phải vay “nóng” bên ngoài một số tiền lớn, với lãi suất 3%/tháng.
Thủ tục nhiêu khê, lòng vòng
Tại kỳ họp thứ 16 Hội đồng Nhân dân TP Cần Thơ khóa VII diễn ra mới đây, ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ, đã thừa nhận: “Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc chứng minh về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì thế, nguồn vốn giải ngân theo chính sách hỗ trợ lãi suất này chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu vốn vay trong nông dân”.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền cho biết: “Hay tin được Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho vốn vay mua máy gặp đập liên hợp, tôi đã có kế hoạch mua máy để phục vụ bà con trong vùng, kiếm thêm thu nhập, nuôi con ăn học. Thế nhưng, nếu muốn được hỗ trợ lãi suất vốn vay, việc mua máy phải có hóa đơn, chứng từ và phải là máy do trong nước sản xuất. Trong khi đó, tôi lại muốn mua một máy ngoại nhập cũ còn chất lượng cao, giá cả phù hợp. Vì vậy, gia đình tôi không thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất”.
Tìm hiểu thực tế tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg, nhưng hầu hết những nông dân muốn vay vốn đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa “chạm” được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Ông Bùi Văn Tín, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Một số khái niệm về hàng hóa trong quy định về chất lượng thiết bị, vật tư nông nghiệp chưa rõ ràng; sản phẩm nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi suất thì có loại không có trên thị trường, có loại không đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân, nên dù có được hỗ trợ lãi suất chúng tôi cũng không dám vay”. Trong việc thực hiện chủ trương này, có một vài địa phương, vì nóng lòng muốn giúp nông dân thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, đã liên hệ với một số doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, giới thiệu chào hàng cho nông dân, nhưng doanh nghiệp cũng chưa mặn mà. Vì thế, nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi trong thực hiện gói kích cầu của Chính phủ.
Một số hộ nông dân khác, do việc giải quyết cấp giấy tờ đất còn chậm trễ, nhất là việc đổi “giấy đỏ” theo bản đồ địa chính chính quy tại một số địa bàn trên địa bàn thành phố, nên không có giấy tờ nhà đất để thế chấp vay vốn hỗ trợ lãi suất. Theo thống kê của một số địa phương, hiện tại thời gian giải quyết cấp giấy tờ nhà đất trên địa bàn kéo dài bình quân 70 ngày đến 100 ngày. Đặc biệt, việc đổi giấy đỏ, người dân phải mất nhiều tháng trời, vì qua nhiều khâu, nhiều tầng nấc, từ xã lên huyện, qua nhiều hội đồng xét duyệt. Thậm chí, nhiều trường hợp đổi giấy đỏ mà diện tích thực tế nhiều hơn diện tích ghi trong giấy thì phải lập thủ tục xác minh, đề nghị giao đất, chuyển qua cơ quan thuế để thu tiền sử dụng đất... Ông Đinh Văn Bảy, ở phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tôi nộp hồ sơ vay vốn tại Chi nhánh NHNo & PTNT quận Thốt Nốt, nhưng đến khâu đăng ký giao dịch bảo đảm, thì cán bộ yêu cầu đổi lại giấy đỏ. Khi đổi giấy, quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài tới hơn 2 tháng, đi lại hàng chục lần. Khi được vay vốn thì đã qua cơ hội làm ăn, đành phải “găm” vốn lại chờ đợi cơ hội khác”.
Vấn đề này, ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, khẳng định: “Đổi giấy đỏ theo hệ thống bản đồ địa chính chính quy là yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai hiện nay. Tuy nhiên, do quy trình, thời gian chưa thống nhất, đôi nơi cán bộ còn để chậm trễ, nên thời gian kéo dài. Sở đã chỉ đạo các địa phương phải tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình đổi giấy đỏ. Nếu trường hợp giao dịch nào không cần thiết, thì cho phép người dân chưa đổi giấy đỏ, để hạn chế ảnh hưởng đến giao dịch vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ”.
***
Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nông dân sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Thế nhưng, hiện tại thành phố vẫn còn rất nhiều nông dân chưa thể “chạm” tới nguồn vốn này, vì cán bộ chưa tận tâm và một số bất cập trong cơ chế. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần quan tâm giải quyết các vấn đề này, để nông dân sớm có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn của chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo đúng mục tiêu của gói kích cầu mà Chính phủ dành cho họ.
Bài, ảnh: NGUYỄN THANH