07/06/2020 - 06:50

Nỗi lo sạt lở 

Những vụ sạt lở bờ sông xảy ra liên tiếp đã và đang gây thiệt hại lớn tại An Giang. Khắc phục nhanh các điểm nóng, đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản cho vấn đề sạt lở đang là yêu cầu cấp bách.

Sạt lở khắp nơi

Vị trí sạt lở ngày 27-5 trên quốc lộ 91.

Tuyến quốc lộ 91 (QL91) đoạn qua huyện Châu Phú (An Giang) luôn là điểm nóng về sạt lở và vụ gần nhất vừa xảy ra hơn 10 ngày trước. Theo đó, từ ngày 23-5, trên tuyến quốc lộ này đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, bắt đầu xuất hiện vết nứt cách nơi sạt lở năm 2019 khoảng 137m về hạ nguồn, chiều dài đoạn nứt khoảng 21m, vết nứt cách bờ sông Hậu khoảng 7,5m.

Khoảng 5 giờ 30 ngày 27-5, hơn 1/3 mặt đường nhựa QL91 dài hơn 40m sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, hiện đang tiếp tục sạt lở mở rộng ở 2 phía và lấn vào trong bờ sát nhà dân. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 29 hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm; UBND tỉnh An Giang cũng đã ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng QL91 đoạn qua xã Bình Mỹ. Trong năm 2019, trên đoạn quốc lộ này cũng xảy ra sạt lở dài 85m, chiều rộng vào sâu nhất khoảng 22m, phải di dời 16 căn nhà, thiệt hại hơn 25 tỉ đồng.

Ngoài điểm nóng QL91, lúc 9 giờ ngày 28-5, tại ấp Phú Thượng 2, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, cũng xảy ra sụp lún, sạt lở đất bờ sông một đoạn dài gần 100m. Trong đó, hơn 45m bị sụp lún sâu hơn 1m, còn lại sụp lún sâu gần 1m. Điểm sụp lún xảy ra sát mép đường nhựa liên xã Kiến An và Kiến Thành - khu vực nằm trong cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Trước đó, khu vực này đã có dấu hiệu sụp lún, chính quyền địa phương đã vận động di dời dân đến nơi an toàn.

Bên cạnh các điểm nóng sạt lở, tại một số bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang đang xảy ra hiện tượng răn nứt có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Bờ đất cặp rạch Cái Sắn đoạn đi qua chợ Cái Sắn, thuộc khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, từ ngày 23-5 đến nay liên tục xuất hiện các vết răn nứt, với chiều dài hơn 70m, vết răn nứt ăn sâu vào hơn 1/3 mặt đường liên khóm Hòa Thạnh, ảnh hưởng đến 14 hộ dân sống trong khu vực, buộc các hộ dân này phải di dời.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Những năm qua tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sạt lở dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, Vàm Nao, Bình Di... gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố, gồm: 13 vụ sông Hậu, 3 vụ sông Tiền, 29 vụ các kênh rạch lớn và 13 vụ trong kênh rạch nhỏ nội đồng, với tổng chiều dài sạt lở 3,4km, làm mất 1,8ha đất, ảnh hưởng đến 146 căn nhà, ước thiệt hại về đất và tài sản khoảng 32,6 tỉ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài 410m, làm mất 1.907m2 đất, cần di dời 56 căn nhà, thiệt hại về đất và tài sản bước đầu khoảng hơn 2 tỉ đồng.

Xã hội hóa để giải quyết vấn đề sạt lở

Theo kết quả quan trắc, cảnh báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 52 đoạn sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 169km. Trong đó, 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại; 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm; 5 đoạn ở mức độ bình thường.

Nguyên nhân bước đầu được xác định do diễn biến bất thường của thời tiết, mùa khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa đầu mùa cường độ lớn bắt đầu, khi mực nước trên sông còn hạ thấp, nước trong đất bị mất cân bằng nên mặt đất thấm nước nhanh làm cho kết cấu đất mềm, yếu dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng. Ngoài ra, khi dòng chảy bắt đầu mạnh do nước từ thượng nguồn đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái taluy và khả năng xảy ra sạt lở, đổ ụp xuống sông là rất cao....

Riêng về các điểm sạt lở trên QL91, ông Trần Anh Thư cho rằng, nguyên nhân là do vị trí sạt lở nằm phía bờ lõm của đoạn sông cong, chiều rộng lòng sông Hậu qua khu vực bị thắt hẹp còn khoảng 300m, trong khi đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng 600m, làm gia tăng dòng chảy về phía bờ QL91. “Khoảng 20 năm trước, tại khu vực này xuất hiện bãi cát ngầm phía bờ huyện Phú Tân. Do không nạo vét nên đã dần hình thành bãi bồi, ép nước về phía QL91, dưới lòng sông xuất hiện nhiều hố xoáy, tạo áp lực nước vào bờ gây sạt lở” - ông Thư nói.

Theo ông Thư, việc xây dựng tuyến tránh QL91 mới và xử lý khẩn cấp vị trí sạt lở chỉ là giải pháp trước mắt. Hiện vẫn còn khoảng 2.500 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở. Do vậy, cần giải quyết triệt để nguyên nhân gây sạt lở để ổn định lâu dài. Tỉnh đã có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Khu vực chỉnh trị có chiều dài khoảng 3km, sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng lòng sông bị thắt hẹp, giảm áp lực dòng chảy gây xói lở đường bờ. Nguồn cát từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy này được tận dụng để làm vật liệu thả bao tải cát tạo mái lấp lạch sâu của Dự án xử lý sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ QL91 đoạn qua huyện Châu Phú.

Ngày 3-6, sau khi trực tiếp khảo sát tình trạng sạt lở QL91, ông Trần Quốc Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ủng hộ đề xuất xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 của tỉnh An Giang. Tuy nhiên, theo ông Hoài, việc chỉnh trị dòng chảy là vấn đề phức tạp, tỉnh cần tìm đơn vị tư vấn đủ năng lực để có phương án triển khai hợp lý, bảo vệ an toàn cho cả 2 bờ sông.

“Chúng tôi đang mời các cơ quan khoa học và một số chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm để theo dõi, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu sâu để triển khai đánh giá một cách bài bản, căn cơ và đưa ra các giải pháp để không còn xảy ra tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm như hiện nay. Trong đó, có các giải pháp xã hội hóa, điều chỉnh, nắn lại vị trí co thắt cục bộ trên các đoạn sông, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống sạt lở, vừa phát huy sức mạnh xã hội hóa để giải quyết vấn đề sạt lở thực sự căn cơ và bài bản” - ông Hoài nhấn mạnh.

Bình Nguyên - Minh Anh

Chia sẻ bài viết