18/05/2008 - 09:22

Nỗi khổ ở một công trình "rùa"!

Hơn 10 năm trước, nhiều hộ dân sinh sống trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, TP Cần Thơ rất phấn khởi khi được thông báo về việc qui hoạch nâng cấp, mở rộng mặt đường (Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ giai đoạn 2). Thế nhưng, đến nay, tuyến đường này vẫn chưa được khởi công. Nhiều hộ đã cất nhà từ 20-30 năm trước, hiện nhà cửa đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng không dám sửa chữa vì không biết lúc nào sẽ bị giải tỏa…

* Chậm khởi công, dân khổ!

Chỉ sau cơn mưa nhỏ, nhiều căn nhà trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (phía mương lộ) đã bị ngập nước. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua khiến cuộc sống người dân ở đây gặp không ít khó khăn. Thông tin về việc thực hiện dự án cứ thay đổi liên tục, nên nhiều căn nhà dù đã xuống cấp trầm trọng nhưng người dân vẫn không dám sửa chữa. Có nhiều căn nhà, mái nhà đã dột nát cũng chỉ được che chắn tạm bợ bằng mấy tấm bạt ni- lông, vì nếu có lợp lại, người dân cũng không được bồi hoàn.

Anh Trần Thanh Hùng, một cư dân địa phương, bức xúc nói: “Năm ngoái, khi nghe thông tin tháng 9-2007, con đường này sẽ được mở rộng từ hẻm 256 đến Trường Cao đẳng Y tế, ai cũng mừng. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhà nước cần thông báo rõ khi nào khởi công để dân còn biết đường mà liệu tính!”.

 Người dân phải lót gạch, cột gỗ để đi lại trong nhà vì bị nước ngập.

Nguyên nhân khiến tình trạng ngập nghẹt triền miên trên con đường này là do mương lộ phía sau dãy nhà-tuyến thoát nước duy nhất của khu vực này-đã bị lấn chiếm gần hết. Có đoạn mương chỉ còn rộng khoảng chừng 4 tấc nhưng bên dưới cũng toàn là rác thải nên không còn tiêu thoát nước được nữa. Mực nước ở mương lộ cao ngấp nghé với nền nhà dân, chỉ cần một cơn mưa kéo dài khoảng 20-30 phút là ngập. Mấy ngày sau nước mới rút hết để lại trên nền nhà một lớp đất đen hôi hám.

Căn nhà của chú Thuận (Tiệm may Thuận) trên nóc nhà thì mái tôn thủng lỗ chỗ, nền gạch tàu bong tróc gần hết gạch do ngấm nước nhiều ngày. Chú Thuận cho biết: “Mỗi khi trời mưa mà không có người ở nhà thì đồ đạc nhận may cho khách ướt sũng hết. Từ năm ngoái, cán bộ đến đo đạc xong, tôi tính đâu đã thoát cảnh khổ sở này rồi. Nếu Nhà nước chưa làm đường được năm nay mà quan tâm khai thông mương thoát nước phía sau thì dân cũng đỡ khổ!”.

Hộ bà Nguyễn Thị Minh Hải còn gặp nhiều khó khăn hơn. Gia đình bà phải dùng nhiều cột bê-tông ghép lại làm sàn, phía trên lót ván để làm chỗ ngủ, còn phía nhà trước nước ngập lênh láng phải bắt mấy cây gỗ để đi tới đi lui cho khỏi ướt. Trong nhà, mấy cái chân bàn, chân tủ đều mục nát vì thường xuyên ngấm nước. Bà Hải nói: “Nước ngập như vầy chiều tối muỗi lên dữ lắm, cả nhà tôi phải vô mùng sớm. Nhà kế bên có em nhỏ mới vừa xuất viện vì bệnh sốt xuất huyết. Sống ở trung tâm thành phố mà phải chịu như vầy thiệt khổ quá! Tôi chỉ mong nhận được tiền đền bù, có cái nền tái định cư là đi ngay để ổn định cuộc sống. Còn nếu Nhà nước không làm nữa, cũng phải cho dân biết để tôi còn vay tiền nâng nền nhà lên”.

* Bao giờ hết cảnh sống tạm!

Bà Phạm Hồng Thắm, Chủ tịch UBND phường An Hòa, cho biết: Người dân đã có tư thế chuẩn bị để di dời, có người đã mua đất ở những nơi khác rồi. Nhà nào quá xuống cấp thì phường khuyến cáo có thể sửa chữa nhưng không được làm kiên cố. Tuy nhiên, vấn đề giải tỏa, bồi hoàn cho các hộ dân sẽ gặp khó do giấy tờ về nhà đất của người dân trong vùng dự án rất phức tạp. Khó khăn nhất là khi xét tính pháp lý về nguồn gốc đất ở, nhà ở. Bởi lẽ, đa số người dân ở đây không có giấy tờ đất. Những người ở lâu năm (trước năm 1975) sẽ xét nguồn gốc đất như thế nào? Những người mua lại sẽ giải quyết ra sao? Có người thì lấn chiếm từ phía sau tới và ngược lại. Cũng có trường hợp hộ ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ lấn phía sau phía mương lộ rồi bán lại cho người khác. Cá biệt, có trường hợp hộ ở trong hẻm phía sau tuyến đường Nguyễn Văn Cừ cũng lấn chiếm mương lộ nhưng lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Dự án nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ (giai đoạn 1) đã hoàn thành vào đầu năm 2006. Giai đoạn 2 của dự án sẽ giải phóng mặt bằng và mở rộng từ tim đường cũ vào 30 m (hết phần mương lộ) thời gian thực hiện đến năm 2009. Theo ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, công trình đường Nguyễn Văn Cừ là công trình trọng điểm của quận trong năm 2008. Đây là tuyến đường huyết mạch của thành phố, vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo cảnh quan và quan trọng hơn là để di dời bến xe mới vào Quốc lộ 91B. Công trình này có chiều dài 1,3 km với 320 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 270 hộ thuộc diện tái định cư.

Năm 2008, công trình được cấp 20,5 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng và phấn đấu đến đầu năm 2009 sẽ khởi công xây dựng. Song song đó, dự án khu tái định cư Thới Nhựt 2 sẽ giải phóng mặt bằng xong vào tháng 7 này, đến tháng 8-2008 xây dựng hạ tầng. Cuối năm 2008 sẽ có lô nền tái định cư bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại đường Nguyễn Văn Cừ và một số dự án khác vào đây.

Như vậy, công trình này đã có “lối ra”. Tuy nhiên, chính quyền và người dân cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo bàn giao mặt bằng để thi công dự án này theo đúng kế hoạch.

Bài, ảnh: TRUNG DÂN

Chia sẻ bài viết