Ngay từ đầu năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các mặt đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP Cần Thơ. Nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 kết hợp phát triển KT-XH, TP Cần Thơ bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, tiếp tục phát triển bền vững, ổn định trong năm 2021…

Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ trao tặng khẩu trang, tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: HEAD Honda Hóa trao tặng khẩu trang phòng dịch cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn quận Ninh Kiều.
Khởi đầu khả quan
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) TP Cần Thơ, tháng 1-2021, sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ của toàn thành phố đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ; thị trường khá sôi động, nhu cầu mua sắm trong tháng 1 của người dân tăng mạnh, giá cả các mặt hàng tiêu dùng vẫn giữ mức ổn định. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể phát triển tương đối tốt, do nhu cầu mua sắm trước Tết tăng cao. Thu hút vốn FDI (thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài) cán mốc 2 tỉ USD, vốn đăng ký kinh doanh tăng mạnh (2,64 lần so với cùng kỳ). Sản xuất nông nghiệp đạt yêu cầu về tiến độ, các loại cây cảnh phục vụ trang trí Tết nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng. Hoạt động ngân hàng ổn định và an toàn, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, vốn huy động và dư nợ đều tăng so với tháng trước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường…
Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở KH&ÐT, cho biết: "Trong tháng 1, thành phố tích cực triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HÐND thành phố về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; Kế hoạch đầu tư công năm 2021… Nhờ đó, tình hình KT-XH của thành phố phát triển ổn định, đây là bước khởi đầu tích cực để thành phố phấn đấu hoàn thành kế hoạch KT-XH năm 2021…".
Tháng 1-2021, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp TP Cần Thơ tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 11,02% so với cùng kỳ. Tình hình lưu thông hàng hóa ổn định, giá cả các mặt hàng thiết yếu không biến động nhiều. Các loại hàng hóa phục vụ Tết có nguồn cung dồi dào, mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán. Trong tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện đạt 14.467,36 tỉ đồng, đạt 8,97% kế hoạch năm, tăng 9,17% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện 168,38 triệu USD, đạt 8,59% kế hoạch năm và đạt 92,62% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu thực hiện 45,55 triệu USD, đạt 9,3% kế hoạch, tăng 12,61% so với cùng kỳ. Tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn trên địa bàn năm 2020 đến ngày 31-1-2021 đạt 89,15%, mặc dù chưa đạt yêu cầu trên 90% nhưng đây là sự cố gắng tích cực của các ngành, các cấp. Tháng 1-2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 161,48 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong tháng, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5-1-2021, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công tác chăm lo cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chu đáo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, chăm lo cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán theo chế độ và đúng quy định…
Thực hiện mục tiêu kép
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn tồn tại một số khó khăn: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ, thu - chi ngân sách giảm so cùng kỳ 2020; một số hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn bị hạn chế hoặc tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ ở quy mô nhỏ, chưa thực hiện phổ biến, đa dạng trên các loại hàng hóa nông sản; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm 2020 chưa đáp ứng yêu cầu (đạt dưới 90%)…

Ðể khắc phục hạn chế, phát triển KT-XH theo kế hoạch đề ra, TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là Công điện ngày 5-1-2021 của Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 30-1-2021 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là và phải nâng cao mức cảnh báo, cảnh giác phòng, chống dịch, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo quy định; hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Thành phố khẩn trương triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, Chương trình hành động của Thành ủy và tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch triển khai thực hiện chủ đề năm 2021 của thành phố; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp điều hành thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021; kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 và có giải pháp xử lý sớm các trường hợp chậm triển khai giải ngân vốn kế hoạch đã phân bố, đảm bảo không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản và các trường hợp phát sinh hạng mục, tăng tổng mức đầu tư không đúng theo quy định; tăng cường kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của TP Cần Thơ…
Bài, ảnh: HÀ VĂN