21/02/2011 - 10:51

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TP CẦN THƠ

Nỗ lực cấp cứu thành công nhiều ca bệnh khó

Thời gian gần đây, tập thể y, bác sĩ Khoa Cấp cứu tổng hợp (CCTH), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ đã nỗ lực cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, được đánh giá là một trong các khoa, phòng tiêu biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đợt trực Tết vừa qua.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu tổng hợp, BVĐK TP Cần Thơ đang khám bệnh cho bệnh nhân.  

Đến bệnh viện vào buổi sáng đầu tháng 2-2011, các y bác sĩ Khoa CCTH, BVĐK TP Cần Thơ, đang tất bật với hàng chục bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, như: bị tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp... Bác sĩ Đinh Thị Lệ Duyên vừa khám bệnh, vừa nhỏ nhẹ hỏi han, dặn dò người bệnh uống thuốc đúng giờ. Chị Trình Thị Phượng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi vừa lọc thận xong hồi 4 giờ sáng, giờ thấy khỏe nhiều. Tôi đang chờ để chuyển vào trại (khoa) theo dõi điều trị. Nhờ các bác sĩ ở đây tận tình điều trị nên tôi cũng an tâm”.

Khoa CCTH là một trong các khoa thường có lượng bệnh nhân đông nhất của BVĐK TP Cần Thơ. Những ngày Tết vừa qua, lượng bệnh tăng 10% so với ngày bình thường. Do đặc thù là đơn vị cấp cứu, tất cả bệnh nặng đều tập trung vào nơi đây nên y, bác sĩ chịu nhiều áp lực. Có nhiều trường hợp nhập viện đã chết lâm sàng (ngưng tim, ngưng thở), được các y, bác sĩ cứu sống. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thương Tín, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, nhập viện vào 20 giờ đêm 30 Tết, trong tình trạng vết thương thấu bụng, ngực (bị đâm 4 nhát) mất máu rất nhiều nhưng được y, bác sĩ nhanh chóng cấp cứu và tiến hành phẫu thuật. Nhờ tận tình cứu chữa mà bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tương tự, bệnh nhân Phạm Văn Hải, 46 tuổi, ở Trường Lạc, quận Ô Môn nhập viện vào sáng mùng 3 Tết, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, được cấp cứu thành công. Theo bác sĩ Trần Văn Thường, Trưởng Khoa CCTH, tuy khối công việc nhiều, liên tục, áp lực rất lớn nhưng tập thể y, bác sĩ ở khoa luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. 25 năm công tác cũng là ngần ấy năm ăn Tết trong bệnh viện, bác sĩ Trần Văn Thường tâm sự: “Đêm 30 Tết, tôi cùng các đồng nghiệp tất bật lo mổ cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thương Tín. Khi bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch thì mới hay đã qua giao thừa, bắt đầu một năm mới. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì cứu sống thêm một mạng người”.

Không riêng bác sĩ Thường mà phần lớn cán bộ của khoa đều có trực Tết tại bệnh viện. Chị Đinh Thị Lệ Duyên, bác sĩ Khoa CCTH, trực vào 29 và mùng 3 Tết, cho biết: “5 năm qua tôi đều tham gia trực Tết nên đã quen với việc ăn Tết xa nhà. Phần lớn trường hợp nhập viện là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông,... phải cấp cứu nhanh nên rất căng thẳng. Thường khi thấy người nhà nguy kịch thì thân nhân họ rất hốt hoảng, sốt ruột nên cũng dễ có thái độ không hài lòng. Nhưng chúng tôi rất thông cảm và cố gắng giải thích, động viên để họ an tâm”. Ca trực ở bệnh viện thường kéo dài từ hôm trước đến sáng hôm sau nên hầu như y, bác sĩ đều thức thâu đêm suốt sáng. Chị Duyên tâm sự: “Ban Giám đốc có bố trí phòng nghỉ cho cán bộ nhưng hầu như ai cũng không thể ngủ được, vì bệnh nhân ra vô thường xuyên. Vừa cấp cứu xong ca này thì đã có ca khác tới... nên khó có thể nằm nghỉ được”. Dù có 2 con nhỏ (cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi), y sĩ Nguyễn Kim Loan cũng đăng ký trực vào mùng 4 Tết và việc chăm sóc các con nhờ ông xã lo. Chị Loan cho biết: “Nhiều khi trực bệnh viện để 2 đứa nhỏ ở nhà cũng lo lắm nhưng riết rồi cũng quen. Các con tôi cũng hiểu công việc của mẹ nên rất ngoan, cháu nhỏ ít khóc khi vắng mẹ”. Theo chị Loan, ngày Tết có nhiều ca bệnh do tai nạn giao thông nhưng nhân sự lại ít, công việc rất vất vả, nhiều áp lực...

Theo thống kê của bệnh viện, từ ngày 1 đến 8-2 (tức từ 29 đến mùng 6 Tết), bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu gần 800 bệnh nhân, trong đó có đến 107 ca bị tai nạn giao thông, 159 ca do tai nạn khác... Lãnh đạo bệnh viện thường xuyên chỉ đạo, động viên cán bộ trực phải hết sức nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát lịch trực Tết, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, y cụ để phục vụ cấp cứu. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BVĐK TP Cần Thơ, lãnh đạo BV quy định, các y, bác sĩ trực phải mở máy điện thoại di động 24/24 giờ và phải kịp thời có mặt tại BV hoặc tại nơi xảy ra tai nạn khi được điều động... Nhờ vậy, dịp Tết vừa qua, cán bộ y, bác sĩ đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Tập thể cán bộ Khoa CCTH là một trong các khoa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sắp tới, bệnh viện sẽ tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả công việc ở từng bộ phận, để phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết