07/02/2017 - 09:25

Ninh Kiều hướng đến chiếu sáng công cộng tiết kiệm điện năng

Là trung tâm của TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều có 13 phường, diện tích tự nhiên 2.922,57ha, địa bàn có hàng trăm km đường giao thông nội thị (đường trục chính và ngõ hẻm). Với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh "sáng- xanh- sạch - đẹp", bằng nhiều giải pháp đầu tư, đến nay đã đáp ứng trên 80% điện chiếu sáng công cộng và đang tiến đến chiếu sáng đạt 100% gắn với tiết kiệm điện năng.

Vận động xã hội hóa

Phường An Bình có 8 khu vực, trước đây chiếu sáng đô thị chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu ở đoạn đường từ cầu Đầu Sấu đến cầu Cái Răng và một phần tuyến đường tỉnh 923. Bước ngoặt về điện chiếu sáng của phường An Bình được tăng dần từ sau năm 2004 (Cần Thơ chia tách và trở thành đô thị trực thuộc Trung ương), điện lưới phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt được cải tạo hoàn chỉnh, các ngõ hẻm giao thông dần được mở rộng lên 3- 4m, nhờ vậy thúc đẩy nhu cầu trang bị điện chiếu sáng như là một phần không thể thiếu.

Đèn Led tại Vincom Plaza Hùng Vương Cần Thơ tôn thêm vẻ đẹp cho nội ô quận Ninh Kiều.

Ông Nguyễn Ngọc Nuôi, Chủ tịch UBND phường An Bình, cho biết: Tiền thân của phường An Bình ngày nay là xã ven của thành phố thuộc tỉnh, hạ tầng điện chiếu sáng rất thấp, khó để tính theo tỷ lệ %. Nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, chiếu sáng công cộng trở thành nhu cầu của người dân và xã hội, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước chỉ đáp ứng cho các tuyến đường chính, các ngõ hẻm và khu dân cư phải dựa vào nguồn lực xã hội hóa (người dân đóng góp kinh phí mua trụ, kéo dây và bóng đèn), quận hỗ trợ tiền điện và duy tu sửa chữa. Với cách làm này và làm cuốn chiếu nay trên 70% đường giao thông và khu dân cư trên địa bàn đã có điện chiếu sáng. Nhờ tỷ lệ điện chiếu sáng công cộng ngày càng tăng, nên hoạt động giao thông vào ban đêm được an toàn, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm…

Ông Dương Văn Mến, Trưởng khu vực 7, phường An Bình, phấn khởi: Nhờ phát triển mở rộng lưới điện chiếu sáng công cộng nên an ninh trật tự xã hội trong khu vực của chúng tôi khá tốt, trộm cắp giảm dần. Người dân đi lại thuận tiện dễ dàng… Ông Nguyễn Văn Chính, ngụ tại Khu tái định cư 923, chia sẻ: Khu dân cư chúng tôi có gần 500 hộ, khi mới vào ở đã có điện chiếu sáng, nhưng lúc đầu dân cư còn thưa nên bọn trộm cắt mất dây điện chiếu sáng. Để tái lập lại lưới điện chiếu sáng, theo chủ trương xã hội hóa, bà con góp tiền khôi phục, nên mấy năm nay tình hình chiếu sáng trong Khu tái định cư 923 không thua các phường trung tâm của quận như Tân An, An Cư…

Tiếp tục phương châm xã hội hóa, từ tổ 10 đến tổ 14, với 250 hộ dân thuộc khu vực 7 vừa có điện chiếu sáng công cộng, thoát được cảnh ban đêm đi ra ngõ phải mang theo đèn. Lần này để tiết kiệm điện, giảm hư hỏng và tăng độ chiếu sáng, từ tổ 10 đến tổ 14 được lắp đèn chiếu sáng bằng bóng đèn Led công suất 9W, kinh phí mỗi hộ chỉ phải đóng góp hơn 100.000 đồng nên dễ vận động và sớm hoàn thành. Hiện tại khu dân cư tự phát 923 có gần 100 hộ dân chưa có điện chiếu sáng công cộng, nhưng Tết Nguyên đán vừa rồi cũng đã lắp đặt xong hệ thống điện chiếu sáng công cộng.

Hướng đến tiết kiệm điện năng

Quy hoạch chiếu sáng đô thị TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Nhưng với vị trí là quận trung tâm đô thị, hiện đã đạt tỷ lệ chiếu sáng công cộng cao nhất (phủ kín 100% tuyến trục đường chính, khu dân cư và công viên; trục phụ và ngõ hẻm từ 80-90%), quận Ninh Kiều đang hướng đến giải pháp tiết kiệm điện năng và đồng bộ hóa đèn chiếu sáng, chuyển từ đèn cao áp 250W, đèn huỳnh quang 1,2 mét 20-25W, Compac sang đèn Led.

Duy tu hệ thống chiếu sáng công cộng ở quận Ninh Kiều.

Ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng Phòng đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: Kinh phí thanh toán điện năng phục vụ cho điện chiếu sáng trên địa bàn quận ngày càng tăng, dù đã thực hiện các giải pháp tiết giảm 50% đèn chiếu sáng sau 22 giờ ở các tuyến đường chính và công viên; các tuyến còn lại giảm 50% lượng bóng theo hình thức xen kẽ, bóng bật sáng - bóng tắt. Với cách này, năm 2015 ngân sách chi trả tiền điện hơn 8 tỉ đồng, năm 2016 tăng lên 9,2 tỉ đồng, khả năng vẫn thiếu nguồn thanh toán. Nguyên nhân tăng kinh phí, ngoài vấn đề mở rộng độ phủ chiếu sáng công cộng theo nhu cầu đô thị hóa, còn do tỷ lệ đèn cao áp công suất lớn 250W đang chiếm ưu thế, đèn Led công suất 120W và thấp hơn mới chiếm tỷ lệ 10%.

Về giải pháp kỹ thuật, theo ông Bảo, hạ tầng điện chiếu sáng của quận Ninh Kiều được thừa hưởng từ nhiều chương trình khác nhau nên thiếu sự đồng nhất. Nhưng để thực hiện tiết kiệm điện năng, quận đã thực hiện giải pháp tắt mở bán tự động, theo từng khu vực và tuyến đường phố. Thông thường mở điện chiếu sáng từ 18 giờ đến 5 giờ 30 phút, tùy theo diễn biết thời tiết và theo mùa nắng – mưa, việc tắt mở được cộng trừ sớm hơn hoặc trễ hơn từ 15-20 phút. Giải pháp kỹ thuật này tuy thay thế được nhân viên kỹ thuật, nhưng chưa bao quát được tình trạng hư hỏng đèn chiếu sáng, do chưa có trung tâm điều hành kiểm soát chung. Để xử lý hư hỏng, phải đi kiểm tra trực tiếp và nhờ thông tin từ dưới lên dẫn đến việc sửa chữa không thể kịp thời.

Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng Phòng đô thị quận Ninh Kiều, thực hiện kế hoạch quy hoạch chiếu sáng đô thị TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, giải pháp ưu tiên là tiết kiệm điện năng, tăng chất lượng chiếu sáng đô thị. UBND quận Ninh Kiều đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập đề án "ứng dụng công nghệ Led vào chiếu sáng công cộng" trên địa bàn. Tổng khái toán đầu tư cho dự án hơn 77,66 tỉ đồng. Với đề án này, chỉ riêng việc tiêu thụ điện năng đã tiết kiệm cho ngân sách ước tính gần 9 tỉ đồng/năm...

Bài, ảnh: Trường Ca

Chia sẻ bài viết