Những tỉ phú nông dân miền Tây
Con đường đi đến thành công, được vinh danh Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc 2018 của 3 nông dân Võ Văn Tước (tỉnh Vĩnh Long), Thiều Văn Hải (tỉnh Hậu Giang) và Huỳnh Thanh Bình (thành phố Cần Thơ) cũng lắm gian nan. Với xuất phát điểm không ít khó khăn, họ đã năng động tìm cho mình hướng đi mới và trở thành những tỉ phú nông dân ở miền Tây.
Thành quả của sự kiên trì
Với sự năng động, nhạy bén trong sản xuất ông Tước vinh dự được địa phương và Trung ương tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen về việc sản xuất kinh doanh giỏi. |
Khoai lang tím Nhật là một trong những cây màu chủ lực được nhiều nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, chọn sản xuất trong 10 năm qua vì lợi nhuận khá cao. Người tiên phong và gặt hái thành công với mô hình trồng khoai lang tím Nhật kết hợp với trồng lúa là ông Võ Văn Tước, ở ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân.
Để mỗi vụ khoai xuất bán được giá cao, ông Tước phải theo dõi thời tiết để xuống giống, đồng thời phải thăm dò giá cả thị trường, né thời điểm bà con trong vùng xuống giống đồng loạt dẫn đến tình trạng cung nhiều hơn cầu, trúng mùa mất giá. Với cách làm trên, nhiều năm liền ông Tước đều thắng đậm vì khoai cho năng suất ổn định và bán được giá cao. Với diện tích 5,3ha, mỗi năm ông Tước thu vào từ 1,4 đến 2 tỉ đồng. Riêng năm 2018, ông Tước thu trên 2 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Hơn 20 năm trồng khoai lang, ông Tước xen canh 1 vụ khoai, 1 vụ lúa để đất có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo chất hữu cơ. Nhờ đó, khi xuống giống khoai tiết kiệm được phân bón, ít bị dịch bệnh, côn trùng phá hại khoai. Ông Tước còn đầu tư hệ thống đê bao khép kín khu vực ruộng khoai để chủ động tưới tiêu và hạn chế ngập úng.
Theo ông Tước, ông thành công là nhờ kiên trì học hỏi, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp. Đồng thời, phải nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, tính toán vụ mùa sản xuất. Như nhiều nông dân khác, ông đã trải qua thời gian cơ cực, lao động vất vả trên miếng đất 16 công cha mẹ cho khi lập gia đình. Qua nhiều năm dành dụm, tích lũy, ông Tước mua đất mở rộng diện tích trồng khoai lang đến nay trên 6ha. Mô hình trồng khoai lang tím Nhật kết hợp trồng lúa thương phẩm của ông được nhiều nông dân học hỏi, nhân rộng, giúp nhiều hộ vươn lên khá, giàu.
Nỗ lực “biến đất thành vàng”
Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và liên kết trong sản xuất, lão nông Thiều Văn Hải, ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, thu tiền tỉ mỗi năm từ cây lúa.
Ông Hải (bìa trái) giới thiệu lúa giống do mình sản xuất đến các hội viên trên địa bàn xã. |
Trong căn nhà tường khang trang treo đầy Giấy khen, Bằng khen của Hội Nông dân các cấp, trong đó có nhiều bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông bồi hồi kể về quá trình lập nghiệp đầy gian nan, cơ cực của mình. Ông bảo, gia đình ông nghèo lắm, cha mẹ đều là nông dân, nhà lại đông con. Hơn 30 tuổi ông lập gia đình và được cha mẹ cho 1,5 công đất để canh tác. Khát vọng vươn lên thoát khỏi nghèo khó luôn thôi thúc ông. Hễ thấy những bờ liếp của bà con xung quanh bỏ trống, ông hỏi mượn hoặc thuê để trồng rau màu và dành dụm tiền thuê thêm đất để trồng lúa. Đến năm 1995, ông mua được 5 công đất đầu tiên. Xác định làm nghề nông muốn thành công phải biết ứng dụng KHKT vào sản xuất nên từ ngày đầu lập nghiệp ông luôn bám sát Hội Nông dân xã để được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, các hội thảo về cây lúa, các đợt tham quan…Khi nắm vững kỹ thuật, ông Hải thuê thêm đất canh tác, rồi dần tích lũy vốn, vay thêm vốn ngân hàng để mua thêm đất. Với cách làm đó, đến nay ông Hải đã có 6,6ha đất ruộng và hơn 1,5ha đất vườn.
Là người nhạy bén trong kinh doanh, từ năm 2010, nhận thấy nhu cầu cung cấp lúa giống ngày càng cao, ông Hải chuyển sang sản xuất lúa giống. Nhận thấy lúa giống do ông Hải sản xuất trồng đạt năng suất cao, bà con đặt mua ngày càng nhiều. Để việc sản xuất lúa giống bài bản, bán được giá cao, ông Hải ký hợp đồng bao tiêu với các công ty. Ông Hải cho biết: “Sản xuất lúa liên kết với công ty, tôi rất yên tâm đầu ra vì biết trước giá cả. Khi có bao tiêu, nông dân sẽ yên tâm chăm sóc, mạnh dạn đầu tư và mình có thể tính toán được lợi nhuận. Đặc biệt, sản xuất lúa giống giá sẽ cao hơn từ 1.000- 1.500 đồng/kg so với lúa hàng hóa”.
Với 6,6ha đất sản xuất lúa, nhiều năm liền gia đình ông Hải thu về mỗi năm gần 1 tỉ đồng. Ông Hải còn tận dụng các bờ bao ruộng, diện tích vườn tạp để trồng màu, nuôi gà, vịt. Từ năm 2016 đến nay, ông Hải ký hợp đồng sản xuất lúa giống cho các công ty và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên, mỗi năm thu về gần 2 tỉ đồng, lợi nhuận trên 1 tỉ đồng.
Muốn giàu, nuôi cá…
Sau hơn 30 năm phục vụ trong quân đội, năm 2004, ông Huỳnh Thanh Bình, nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Thốt Nốt, nghỉ hưu tại ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh. Ông Bình nhớ lại: “Lúc tôi nghỉ hưu cũng là thời điểm con cá tra đang phát triển rất mạnh. Với số vốn 60 triệu đồng dành dụm, tôi đầu tư cải tạo 8 công đất để nuôi cá tra. Vụ đầu tiên, tôi thu được trên 400 triệu đồng…”. 14 năm gắn bó với nghề nuôi cá tra, ông Bình tạo dựng cơ ngơi, nhà cửa khang trang với đủ tiện nghi, sắm cả ô tô. Với diện tích ao nuôi cá mở rộng lên 5ha, ông thu lợi nhuận hơn 3 tỉ đồng/năm. Ông Bình nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, Trung ương.
Ông Bình thu tiền tỉ mỗi năm nhờ nuôi cá tra theo hình thức gia công. |
Nói về kỹ thuật nuôi cá tra, ông Bình chia sẻ: “Ngoài tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá tra do các ngành tổ chức, tôi còn đi “tầm sư” học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh lân cận để đạt năng suất cao hơn. Tôi cũng liên kết và ký hợp đồng với một số công ty và bao tiêu sản phẩm nên không phải lo đầu ra”. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, ông Bình ký hợp đồng mua thức ăn từ đại lý cấp I, không qua nhiều trung gian nên giá thấp hơn so với thị trường. Nhờ chi phí sản xuất thấp nên ông luôn có lời trong mỗi vụ thu hoạch.
Theo ông Bình, nghề nuôi cá tra có lúc thăng trầm, giai đoạn từ 2004 -2007, nói đến nghề nuôi cá tra ngay cả những “đại gia” ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng lắc đầu ngao ngán vì thua lỗ, phải bán đất trả nợ. Thế nhưng gần đây nghề nuôi cá tra đã “lên ngôi” nhờ giá cao và liên kết với công ty, doanh nghiệp. Cũng từ năm 2010 đến nay, ông Bình chọn hình thức nuôi “gia công” cho công ty để hạn chế rủi ro. Từ năm 2017 đến nay, ông Bình còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp để phục vụ cho người dân theo hình thức trả chậm. Trung bình, mỗi năm thu vào trên 300 triệu đồng. Từ năm 2009, ông vận động người dân thành lập Hợp tác xã Thắng Lợi do ông làm Giám đốc. Đến nay, Hợp tác xã có 12 xã viên tham gia với diện tích khoảng 20ha. Trung bình, mỗi xã viên nuôi cá tra đều có lợi nhuận từ 400 triệu đồng đến hàng tỉ đồng/năm.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, từ năm 2010 đến 2016, mỗi năm gia đình ông Bình đóng góp quỹ an sinh xã hội địa phương trên 80 triệu đồng để xây cầu, sửa đường… Riêng năm 2016, ông tiếp tục hiến 600m2 đất cho UBND xã Vĩnh Bình xây dựng điểm cấp nước sạch cho người dân trong xã... Năm 2017, ông hiến 750m2 đất làm đường giao thông. Ông còn đóng góp quỹ khuyến học khuyến tài, giúp Hội Người cao tuổi, cất nhà tình thương và hỗ trợ người cao tuổi gặp khó khăn...
Bài, ảnh: Thanh Thư
Chia sẻ bài viết |
|