Trở về sau chiến tranh khi một phần cơ thể đã “gửi lại” chiến trường hoặc mang theo những thương tật nhưng những người thương binh, những người lính năm nào vẫn phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục vươn lên với tinh thần “tàn nhưng không phế”.
Ông Nam rửa máy xới.
Chúng tôi tìm đến nhà thương binh 1/4 Nguyễn Hồng Nam, ở ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Căn nhà có cửa nhìn ra kênh Bốn Tổng, gió từ bờ kênh thổi vào mát rượi. Trên bàn thờ tổ tiên, ông Nam đặt trang trọng chân dung Bác Hồ và di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vừa lau dọn bàn thờ, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian tham gia quân ngũ và những năm tháng khi trở về cuộc sống đời thường.
Năm 1983, ở tuổi 20, ông Nguyễn Hồng Nam tham gia bộ đội, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trong một trận đánh vào tháng 9-1987, ông bị thương do miểng bom nổ trúng và được đưa về Sóc Trăng điều trị. Năm 1989, ông giải ngũ…
Trở về cuộc sống đời thường, ông cưới vợ tạo lập gia đình riêng. Mặc dù là thương binh 1/4, mất sức lao động 96% nhưng bằng nghị lực và ý chí của người lính Cụ Hồ, vợ chồng ông đã nỗ lực, làm lụng vất vả để xây dựng cuộc sống gia đình.
Nhờ cần cù lao động, tích góp, hiện nay gia đình ông đã có cuộc sống ổn định và vươn lên khá giả. Ông mua được 2 chiếc máy xới hoạt động dịch vụ. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông còn lời khoảng 150 triệu đồng. 4 người con của ông đều được “dựng vợ gả chồng” và noi gương cha mẹ, chí thú làm ăn.
Ông nói: “Mình may mắn hơn những đồng đội khác đã ra đi mà không trở về, vì vậy tôi phải làm sao để cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa. Là người lính Cụ Hồ, trong chiến tranh thì anh dũng chiến đấu với kẻ thù, trong cuộc sống đời thường phải không ngừng nỗ lực chiến đấu và chiến thắng với đói nghèo để còn làm gương cho con cái noi theo”.
Rời nhà ông Nguyễn Hồng Nam chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Hoạch, 56 tuổi ở ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc. Năm 19 tuổi, anh thanh niên Hoạch tạm xa gia đình, gia nhập quân đội và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Tháng 1-1985, được trở về gia đình nhưng cơ thể không còn lành lặn khi chân trái đã “gửi” lại nơi chiến trường, chân phải và cánh tay phải bị gãy, tỷ lệ mất sức lao động 85%. Được sự chăm sóc, quan tâm của gia đình, sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương, người thương binh 1/4 này đã vượt qua nỗi đau về thể xác, dần hồi phục và đã có những việc làm thiết thực giúp ích cho xã hội.
Trong thời gian dưỡng bệnh, ông Hoạch đã tự nghiên cứu từ sách vở cách chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Hằng ngày, tại căn nhà tình nghĩa (xây dựng năm 2004 và sửa chữa lại năm 2016 vừa qua), ông Hoạch bốc thuốc nam chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo.
Hàng xóm và những người ở địa phương khác cảm mến tấm lòng của người thương binh nên đã tìm kiếm các loại thuốc nam và mang đến giúp ông thực hiện tâm nguyện của mình.
Hiện tại, cuộc sống của gia đình ông Hoạch rất ổn định. Con cái đều đã lớn và lập gia đình riêng, có công việc ổn định, trong đó có 2 người công tác ở quan nhà nước. Riêng 2 vợ chồng ông với mức lương thương binh và phụ cấp người nuôi dưỡng hơn 7 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống.
Ông Hoạch bày tỏ: “Giờ đây, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Tôi chỉ mong muốn làm sao mình có đủ sức khỏe để giúp ích cho đời, bốc thuốc chữa bệnh cho bà con gần xa và đóng góp nhiều hơn cho công việc từ thiện xã hội”.
Ngoài bốc thuốc chữa bệnh miễn phí, mặc dù đi đứng khó khăn, bất tiện nhưng thương binh Nguyễn Văn Hoạch luôn tích cực tham gia công tác vận động bà con đóng góp tiền xây dựng, sửa chữa cầu đường giao thông, xin cây cất nhà tình thương cho bà con nghèo…
Với những đóng góp của ông thời gian qua, ngoài những danh hiệu được trao tặng trong thời gian tham gia quân đội như: Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế và 2 Bằng khen của Bộ Quốc phòng, ông còn được tặng 3 kỷ niệm chương Vì Sức khỏe nhân dân, Vì Sự nghiệp Cựu Chiến binh Việt Nam và Vì Sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam.
Phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp của “bộ đội Cụ Hồ”, 2 ông Nguyễn Hồng Nam và Nguyễn Văn Hoạch đều có chung ý chí quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế” để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc và đóng góp tích cực cho xã hội.
Ông Đỗ Hồng Phúc, Phó Trưởng Phòng Lao động– Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thạnh nhận xét: “Ông Nguyễn Hồng Nam và ông Nguyễn Văn Hoạch là 2 trong những thương binh tiêu biểu ở huyện Vĩnh Thạnh. Mặc dù bị mất sức lao động do tỷ lệ thương tật cao nhưng vượt qua những đau đớn về thể xác, ông Nam và ông Hoạch đã tự lực, tự cường vươn lên, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.
Bài, ảnh: MINH HẢI