13/10/2009 - 20:34

Những nông dân giàu ý chí

Họ - những nông dân đầu trần chân đất, cật lực cả đời để rẫy màu xanh tươi, những khu vườn oằn sai trái chín… Và cũng chính những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy đang thổi lửa cho phong trào nông dân sản xuất giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới…

Ông Nguyễn Văn Tời chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: P.L 

1. Chúng tôi đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền vào một buổi chiều mưa. Thế nhưng, mưa vừa dứt hạt, ông Nguyễn Văn Tời, Chi hội Phó Chi hội Nông dân ấp Nhơn Thành, đã vội vã ra vườn. Bưởi năm roi vườn nhà ông sai trái, da bóng loáng, đang độ chín vàng ươm. Gần đó là những hàng sầu riêng, măng cụt lá xanh mướt trải dài tít tắp. Ông nói vui: “Cán bộ Hội cũng phải sản xuất giỏi, nói có sách mách có chứng, có vậy hội viên mới tin”. Và ông đã chứng minh điều mình nói bằng cả một đời tần tảo.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, khi ra riêng, ông Tời được gia đình cho 15 công đất nhưng vì là đất lung bàu, mỗi năm chỉ làm một vụ, năng suất lại không cao, nên cuộc sống vẫn túng thiếu. Để có thêm thu nhập, ông Tời trồng thêm rẫy. Khắp vùng Nhơn Thành ai cũng biết từ một, hai giờ khuya vợ, chồng ông đã thức giấc, chuyển rau, cải xuống ghe, ròng rã chèo ra Phong Điền, có khi tới chợ Cái Răng để bán. Vất vả quanh năm vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. “Làm sao để vươn lên khấm khá từ mảnh đất lung bàu này?”- câu hỏi ấy luôn làm ông ray rứt. Từ sự trăn trở ấy, nghe nơi đâu có mô hình sản xuất hiệu quả là ông Tời tìm tới. Không một lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nào ông bỏ qua. Mỗi khi có cán bộ, kỹ sư nông nghiệp, giảng viên trường ĐHCT về, ông theo hỏi chuyện làm ăn và xin cho bằng được tài liệu để nghiên cứu.

Năm 1990, thấy nhiều nơi làm vườn có hiệu quả, ông Tời quyết định chuyển đất ruộng sang làm vườn. Sau 4 năm lao động cật lực, vườn quýt đã xanh mượt, ông Tời mở cờ trong bụng và tiếp tục đầu tư nuôi tôm. Đến khi quýt bắt đầu cho trái chiếng, tôm cũng gần thu hoạch, ông chắc mẻm phen này làm giàu. Vậy mà chỉ sau cơn lũ, tất cả đều mất trắng... Ông Tời nhớ lại: “Sau trận thất bại, tôi gần như ngã quỵ vì buồn chán, nợ nần chồng chất. Ban đầu, tôi cứ trách ông trời sao nỡ hại mình, nhưng khi nghĩ lại, thấy mình làm việc không có khoa học. Quýt chết, tôm đi là do không có đê bao ngăn lũ”. Sau bài học kinh nghiệm đó, vợ chồng ông quyết tâm làm lại từ đầu, ông kể : “Lúc khó khăn, ngoài sự động viên, giúp đỡ của anh em trong gia đình, thì Hội Nông dân cũng đã tư vấn, mời tôi tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn,...”. Từ nguồn vốn được vay, ông tìm đến xã Ngũ Hiệp, tỉnh Tiền Giang học tập kinh nghiệm, mua giống sầu riêng sữa hạt lép về trồng xen với bưởi năm roi. Để có vốn đầu tư cho vườn cây lâu năm, ông ứng dụng mô hình “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng xen chuối, đu đủ... Nhờ chuẩn bị chu đáo về bờ bao, cây giống và kỹ thuật, nên vườn sầu riêng và bưởi của ông Tời đạt hiệu quả rất cao. Những năm gần đây, ông tiếp tục trồng thêm măng cụt, một loại trái cây đang có giá trên thị trường, nuôi heo và cá. Chỉ tính tiêng trong năm 2008, lợi nhuận từ mô hình vườn ao chuồng của ông Tời lên đến 200 triệu đồng. Hiện ông Tời còn dự định đầu tư phát triển vườn cây ăn trái thành mô hình du lịch sinh thái để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, với vai trò là đảng viên, Chi hội Phó Chi hội Nông dân ấp Nhơn Thành, ông Tời thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tích cực vận động các hội viên tham gia, thành lập các tổ hùn vốn xoay vòng, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân. Ông còn tận tình hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ cây, con giống giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Mẫn, trước đây là nhân công làm cỏ cho gia đình ông Tời, thấy anh siêng năng, chất phác, ông Tời không những dạy cách trồng sầu riêng cho anh mà còn mua tặng anh cây giống. Đến nay, anh Mẫn đã vươn lên trở thành hộ khá trong vùng. Bên cạnh đó, ông Tời còn tích cực đóng góp vào các công trình phúc lợi của địa phương, như đóng góp xây cất nhà tình thương, tình nghĩa, làm cầu đường... góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Anh Trương Văn Tám đang thu hoạch rau muống. Ảnh: P.L 

2. Đến khu vực 7, phường Bình Thủy, chúng tôi nghe bà con rỉ tai nhau về mô hình trồng màu đạt hiệu quả cao của gia đình anh Trương Văn Tám. Tháp tùng cùng bà con địa phương, chúng tôi ghé tham quan mô hình trồng màu của anh Tám. Trước mắt chúng tôi, 11.000m2 đất của gia đình anh phủ một màu xanh mượt mà của những luống rau muống, khổ qua, bông cải...

Là con trai lớn trong gia đình nghèo khó, khi còn nhỏ, anh Tám ít được học hành, mà phải tần tảo làm thuê làm mướn kể kiếm sống. Anh kể: “Lúc nhỏ, tôi đi bẻ dừa mướn, bốc vác... Nhưng vốn xuất thân trong gia đình nông dân, tôi rất yêu ruộng rẫy, nên quyết định gắn bó đời mình với cái “nghiệp” tay lấm chân bùn...”. Không có đất sản xuất, ban đầu, anh thuê 2.000m2 đất để trồng hoa màu, nhưng do chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật trồng trọt, nên việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Có năm, hoa màu bị sâu bệnh, thời tiết xấu, lại phải trả tiền thuê đất, nên cuối mùa phải trắng tay... Anh tâm sự: “Những khi đối mặt với những thất bại, mình mới thấy tiếc rẻ vì không được học hành. Làm nghề nông thì cũng phải có kiến thức, để nắm vững khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất...”. Nghĩ vậy, anh Tám bắt đầu tham khảo, đọc nhiều sách, báo, tài liệu viết về kỹ thuật trồng trọt. Nhất là năm 1994, được sự động viên của Hội Nông dân phường, anh tham gia vào tổ chức Hội; được Hội bảo lãnh cho vay vốn, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan mô hình để ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên rẫy. Năm 1997, anh Tám bắt tay trồng dưa hấu. Từ việc tích lũy kinh nghiệm, nắm chắc kỹ thuật, rẫy dưa hấu của anh Tám đạt hiệu quả cao. Không bằng lòng với thành quả đạt được, anh Tám đi đến nhiều địa phương, tìm tòi, nghiên cứu học tập những mô hình mới, bởi theo anh phải sản xuất theo mô hình đa canh, canh tác theo nhu cầu của thị trường, thì việc sản xuất mới có hiệu quả cao. Từ những suy nghĩ đó, anh Tám chỉ trồng dưa hấu vào mùa Tết, còn lại anh liên tục luân canh trồng khổ qua, rau muống, bông cải... Từ những mô hình đa canh, năm 2008, anh Tám đã thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Ngoài việc xây dựng mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho gia đình mình, anh Tám còn là một cán bộ Hội gương mẫu. Hiện tại, anh Tám là Chi hội Phó Chi hội Nông dân khu vực 7. Trong những buổi họp lệ hằng tháng, anh đều chia sẻ với bà con và các hội viên kinh nghiệm sản xuất, cách phòng trừ dịch bệnh trên rau màu. Ngoài ra, anh thường vận động các hội viên tham gia các chuyến đi tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả để học tập, đúc kết hỏi kinh nghiệm. Mỗi khi phường tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh đều “rủ” các nông dân tham gia. Từ đó nhiều nông dân ở khu vực 7, phường Bình Thủy cũng đã ứng dụng được mô hình đa canh, vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình.

Bà con nông dân khu vực Phúc Lộc 3, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt lặt hẹ sạch sẽ trước khi đem bán. Ảnh: P.L 

3. Từ năm 2005, phong trào trồng hẹ của bà con nông dân khu vực Phúc Lộc 3, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, phát triển mạnh mẽ. Nhưng có lẽ, người đầu tiên được nhắc đến như là ông “vua hẹ” của vùng này là chú Võ Văn Lăng, với hơn 12.000 m2 trồng hẹ. Chú Lăng nói: “Năm 1984 khi tôi làm thuê ở An Giang thấy bà con trồng hẹ có hiệu quả, thu nhập cao, nên tôi về quê thuê đất để trồng hẹ. Những năm đầu trồng hẹ, tôi gặp không ít khó khăn. Tôi phải vay vốn, thường xuyên đi An Giang để học tập kinh nghiệm, mua giống...” Theo chú Lăng, cây hẹ vốn không kén đất, ít sử dụng phân hóa học, chỉ cần dùng phân hữu cơ và tưới nước đầy đủ là tốt, nên lợi nhuận thu về rất cao. Trung bình 1.000m2 trồng hẹ, trừ chi phí lời khoảng gần 60 triệu đồng/ năm. Từ hai bàn tay trắng, chú Lăng đã vươn lên thoát nghèo, dành dụm tiền mua đất 12.000m2 đất và hiện là một trong những hộ khá giàu trong khu vực. Nhìn những luống hẹ xanh tươi, hứa hẹn mùa bội thu, chú bùi ngùi: “Từ một người nghèo khó, tôi đã được Hội Nông dân cho đi học tập, tham quan những lớp tập huấn, những mô hình hiệu quả, hỗ trợ vốn, nên tôi mới có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi nguyện sẽ gắn bó với tổ chức Hội, đem hết những kinh nghiệm sản xuất của mình để hỗ trợ cho bà con, giúp mọi người vươn lên thoát nghèo”. Anh Tô Văn Nhường, người trồng hẹ cũng đã gần 4 năm nay, kể: “Chú Lăng rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hẹ cho bà con. Nhờ học tập kinh nghiệm của chú, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Hội, làng hẹ Thạnh Hòa ngày càng phát triển. Nhờ trồng hẹ, những lao động nhàn rỗi của địa phương giờ đều có công ăn việc làm, thu nhập ổn định”. Là hội viên Hội Nông dân, hiện nay, chú Lăng đang cùng các đồng chí trong BCH Hội Nông dân phường vận động những hộ nông dân trồng hẹ tham gia vào mô hình Hợp tác xã nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, qua đó giúp cho bà con nông dân ngày càng ổn định cuộc sống.

* * *

Những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả nêu trên tuy rất khác nhau về những nhọc nhằn, kỹ thuật, về vốn liếng đầu tư ban đầu, nhưng có cùng một điểm chung là được hình thành từ những người nông dân giàu ý chí và tâm huyết, với sự giúp đỡ, định hướng của tổ chức Hội Nông dân. Những người nông dân ấy đang siết chặt tay nhau, phát huy sức mạnh của tập thể, của tổ chức Hội để xây dựng phong trào, phát triển kinh tế gia đình và làm giàu cho xã hội.

Ghi chép: Phan Lãng

Chia sẻ bài viết