01/07/2016 - 15:41

Những người kết nối văn hóa- lịch sử với cuộc sống

Nhiều người vẫn ví von thuyết minh viên (TMV) tại các di tích và công trình lịch sử- văn hóa là cầu nối giữa các giá trị truyền thống với cuộc sống hiện đại. Nhiều năm qua, ngành văn hóa Cần Thơ luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ TMV nhằm góp phần quảng bá nét đẹp của đất và người Cần Thơ với du khách trong và ngoài nước.

"Sứ giả" văn hóa

Tại Lễ giỗ lần thứ 106 của nhà thơ yêu nước, cử nhân Phan Văn Trị vào cuối tháng 6 vừa qua, nhiều khách tham quan xúc động khi cùng TMV tham quan di tích, đồng thời nghe kể về cuộc đời và tài đức của cụ Phan. Chất giọng êm ái, nhẹ nhàng, cảm xúc cùng gương mặt biểu cảm, chân thành đã khiến chuyện về cụ Cử Trị trở nên gần gũi với du khách. Đó là buổi hướng dẫn khách tham quan của TMV Nguyễn Thị Lan Hương, cán bộ Ban Quản lý các di tích huyện Phong Điền. Chị Lan Hương cho biết, bắt đầu công việc thuyết minh từ gần 3 năm qua, giờ chị đã tự tin giới thiệu về các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện Phong Điền. Hiện Phong Điền có 2 TMV túc trực ở 2 di tích có cơ sở vật chất là Di tích quốc gia mộ nhà thơ Phan Văn Trị và di tích cấp thành phố Chiến thắng Ông Hào.

TMV Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ khá năng động với những kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn tham quan, quản trò... Trong ảnh: Một buổi tham quan và tìm hiểu di tích Giàn Gừa do Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ tổ chức.

Quận Bình Thủy có 3 TMV đảm trách việc thuyết minh 7 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp thành phố trên địa bàn các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và Chủ nhật. Ông Bì Minh Trường, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin quận Bình Thủy, cho biết, 3 TMV này đều có thể hướng dẫn và giới thiệu chi tiết về 8 di tích trên địa bàn quận. Nếu như ở Khu tưởng niệm cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, TMV luôn trong chiếc áo dài truyền thống thì ở Căn cứ Vườn Mận, nam TMV mặc đồ bộ đội, nữ TMV mặc áo bà ba vắt khăn rằn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ cho biết, thành lập từ tháng 10-2014, một trong những mục tiêu trọng tâm của đơn vị là thu hút và tạo ấn tượng cho khách tham quan các di tích. 5 TMV của Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ được đào tạo khá bài bản và có thể đảm trách việc thuyết minh các di tích đã xếp hạng khi khách có yêu cầu. Ngoài ra, TMV của Ban quản lý di tích thành phố còn túc trực tại di tích quốc gia Khám Lớn Cần Thơ và tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Còn ở Bảo tàng Cần Thơ, nhiều năm qua, công tác phục vụ và đón tiếp khách tham quan của các TMV chuyên nghiệp, kinh nghiệm luôn đảm bảo các giờ trực và hướng dẫn khách tham quan các chuyên đề. Hoạt động này giúp du khách trải nghiệm không gian văn hóa, lịch sử của Cần Thơ xưa và nay.

Xác định TMV không chỉ là người giới thiệu cho khách tham quan một cách sách vở mà còn là những "sứ giả" văn hóa, thổi hồn vào các di tích, hiện vật, lay động xúc cảm với người xem- người nghe; nên ngành văn hóa thành phố và các quận, huyện đã gầy dựng đội ngũ TMV chuyên nghiệp. Cá biệt, ngành văn hóa quận Bình Thủy còn thành lập đội ngũ cộng tác viên thuyết minh, với hơn mười thành viên là sinh viên giỏi ngoại ngữ, rành văn hóa địa phương, sẵn sàng hướng dẫn khách du lịch tham quan di tích. Ngoài ra, cán bộ phòng truyền thống, tuyên truyền viên về di sản- di tích cũng là "cánh tay nối dài" giúp di tích lịch sử- văn hóa Cần Thơ đến gần hơn với du khách.

Lấy nụ cười và cả nước mắt

Khi tham quan Bảo tàng, di tích, người đầu tiên khách tiếp xúc và có ấn tượng ban đầu chính là TMV. Vì vậy, vai trò truyền cảm hứng và tình cảm cho du khách của TMV là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi họ cần phải có kỹ năng, kinh nghiệm được trau dồi thường xuyên. Giữa tháng 6-2016, Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan di tích với các kỹ năng như lễ tân ngoại giao, cách lấy hơi, giữ giọng phát âm khi thuyết minh, hoạt náo viên, kiến thức về di tích ở Cần Thơ… Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, TMV tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: "Lớp tập huấn rất thiết thực, mang đến những kiến thức gần gũi với công việc hằng ngày của tôi".

Nói về vai trò của TMV trong quảng bá di tích tại địa phương, ông Bì Minh Trường chia sẻ: "Với chúng tôi, TMV ngoài sự hòa nhã vui tươi khi đón tiếp khách, còn phải tạo cảm xúc cho khách qua bài thuyết minh của mình. Nói cách khác, họ không chỉ lấy được nụ cười mà còn cả nước mắt của khách tham quan". Trong số các di tích ở Bình Thủy, phần thuyết minh ở Căn cứ Vườn Mận thường lấy nước mắt khách tham quan vì những câu chuyện cảm động qua phần chia sẻ của các TMV.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, cho rằng: Công việc thuyết minh ngoài bài nói soạn sẵn còn đòi hỏi nhiều yếu tố như kỹ năng giao tiếp với đám đông, nắm bắt được tâm lý người nghe, khả năng giải quyết linh động tình huống, hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương… và nhất là phải có lòng đam mê nghề nghiệp. Để hướng dẫn TMV ở các quận, huyện, Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ thường xuyên góp ý các bài thuyết minh và đi cơ sở "cầm tay chỉ việc". Còn ở Bảo tàng TP Cần Thơ, việc thuyết minh được trau dồi thông qua những lớp đào tạo, tập huấn. Gần đây nhất, Bảo tàng đã tổ chức thành công chương trình "Em tập làm thuyết minh bảo tàng" cho học sinh THCS. Chương trình không chỉ giúp hình thành đội ngũ tuyên truyền viên di sản trong trường học mà còn khơi dậy tình yêu trong giới trẻ về công việc thuyết minh. Ngoài ra, các đơn vị như Bảo tàng TP Cần Thơ, Ban Quản lý di tích… còn tổ chức các chương trình giới thiệu di sản văn hóa trong trường học, đưa học sinh tham quan di sản, làng nghề… Những chương trình này càng đòi hỏi các TMV phải có kỹ năng mềm để thu hút và tạo hứng thú cho học sinh tham gia.

Có thực tế cần nhìn nhận là đa số TMV di tích lịch sử, văn hóa ở Cần Thơ đều trái ngành và chưa qua đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ thuyết minh, phần lớn chỉ là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Vì vậy, các TMV đều phải tự học, tự tìm hiểu và nâng cao trình độ chuyên môn về công tác hướng dẫn từ những người công tác lâu năm hơn. Ông Võ Văn Trung, Trưởng Ban Quản lý các di tích huyện Phong Điền, nói rằng, điểm yếu của các TMV hiện nay là ngoại ngữ. Còn ông Bì Minh Trường, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin quận Bình Thủy, chia sẻ, các TMV cần được đi thực tế nhiều hơn, ở những di tích nổi tiếng và có TMV chuyên nghiệp để học hỏi, rút kinh nghiệm. Nhưng để tổ chức cho TMV tham quan, học tập ở những di tích như Ngã Ba Đồng Lộc, Điện Biên Phủ… thì khả năng của quận chưa thể làm được.

* * *

Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, những người làm công tác thuyết minh di tích, di sản ở Cần Thơ đã và đang trở thành cầu nối gửi gắm những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Tây Đô đến với khách tham quan trong ngoài nước. Đó cũng là một trong những bước đệm trên chặng đường quảng bá và hội nhập văn hóa của Cần Thơ.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết