27/04/2014 - 21:06

Những huyền thoại Mẹ

Trong đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký vào tháng 3-2014, thành phố Cần Thơ có 61 Mẹ được phong tặng và 237 Mẹ được truy tặng danh hiệu này. Những cống hiến, hy sinh của các Mẹ cho đất nước thúc giục chúng tôi tìm đến với những người Mẹ đã ở tuổi thượng thọ, đại thọ để được nghe kể về năm tháng hào hùng của hai cuộc chiến vệ quốc còn lưu trong ký ức các Mẹ. Những hy sinh mất mát, những năm tháng tù đày… khiến nước mắt cứ chực trào trong những đôi mắt đã chứng kiến bao thăng trầm. Nhưng nghe các Mẹ nói, nhìn vào những đôi mắt đó, vẫn là sự kiên trung, là niềm tin vững vàng vào cuộc đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc.

Bài 1: “Có nỗi sợ nào bằng sợ mất nước đâu con!”

Mẹ Lê Thị Nhân, ngụ tại phường Lê Bình, quận Cái Răng năm nay bước vào tuổi 80. Mắt mờ, giọng khản yếu ớt, hơi thở gấp do rất nhiều bệnh tật – di chứng của những năm tháng bị địch bắt tù đày ở Khám Lớn Cần Thơ. Nhưng, Mẹ vẫn rất minh mẫn, nhớ như in ngày chồng, con hy sinh, nhớ những câu nói đanh thép khi đối diện tù đày tra tấn của kẻ thù. Mẹ nói, bom đạn, chết chóc, đòn roi… không làm Mẹ chùn bước vì nỗi sợ lớn nhất cuộc đời Mẹ là “Miền Nam phải sống nô lệ”.

 Mẹ Lê Thị Nhân và cháu nội (con người con trai út), bên di ảnh anh Trần Hữu Gia.

Mẹ Lê Thị Nhân sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Phụng Hiệp, Hậu Giang (cũ). Gia đình Mẹ có đến 6 người, là cha mẹ, anh em ruột nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ tại Phụng Hiệp. Những người anh hoạt động cách mạng của Mẹ đã giới thiệu và làm cầu nối cho mối nhân duyên giữa Mẹ với người y tá cách mạng thời bấy giờ- ông Trần Hữu Phước (hay còn gọi Trần Văn Phước). Sống trong vùng căn cứ Phụng Hiệp, vợ chồng Mẹ mỗi người mỗi nhiệm vụ: ông thì chữa bệnh cho bộ đội, bà con nhân dân, làm trưởng Ban y tế của xã vùng căn cứ; Mẹ thì có vỏ bọc buôn bán cá tôm do gia đình giăng câu bắt lưới, thực chất là một mắt xích thông tin liên lạc trong và ngoài vùng căn cứ. Họ có với nhau 7 người con.

“Năm 1970, Mẹ vừa sanh thằng Út được tròn tháng thì chồng hy sinh trong một trận giặc càn”, Mẹ kể, đôi mắt mờ đục bất chợt như chững lại. Đó là lần thứ hai ông bị trúng càn của giặc. Lần thứ nhất năm 1967, ông bị thương ở tay, mãi đến 3 năm sau mới có thể cầm lại dụng cụ y khoa. Ông chưa kịp phục hồi hoàn toàn thì đã ra đi mãi mãi. Mẹ nhớ lại: “Sau trận càn, Mẹ tìm được ông vẫn còn chút hơi thở, nên cáng đưa ông lên tuyến trên chữa trị. Dọc đường đi, chứng kiến biết bao thân thể của anh em mình hy sinh bởi giặc đánh vào ngay khu chữa trị thương binh, bệnh binh. Và rồi cũng không kịp, ông nằm lại với đồng đội…”.

Giọng nói yếu ớt của Mẹ chợt im bặt khi nhìn lên bàn thờ. Một bên là chồng, một bên là gương mặt trẻ măng, kiên nghị và đẹp như tượng của người con thứ ba- anh Trần Hữu Gia. Nỗi đau nhấn chìm lời Mẹ, chỉ còn những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi nhớ về người con hy sinh ở tuổi 17. Mẹ Lê Thị Nhân không sao kể hết câu chuyện về anh, người đã không từ biệt Mẹ, âm thầm đi bộ đội để trả thù cho cha và ông bà, cậu, dượng đã hy sinh. Anh bị thương trong một lần bộ đội ta công đồn. Giặc bắt được, chúng cột chân anh vào xe, kéo quanh vùng Phụng Hiệp cho đến chết. Mẹ vì bảo vệ những người con nhỏ dại còn lại, không thể ra mặt. Chỉ có bà con chòm xóm kéo lên đồn giặc biểu tình đòi xác anh về. “Chúng nó nhốt luôn những người đi biểu tình. Rồi quăng xác con tôi xuống một cái hố sau đồn. Không manh chiếu. Hôm đó chỉ còn 16 ngày nữa là giải phóng, là đến 30-4-1975”- giọng Mẹ bàng hoàng như đang chứng kiến mọi chuyện diễn ra trước mắt. Mười mấy ngày sau, khi cách mạng thắng lợi, Mẹ cùng các chị các em của anh Gia đi tìm xác anh về. “Mẹ đã không còn nước mắt để khóc khi gỡ từng cọng cỏ, mảng sình bám trên người thằng Gia…”- giọng Mẹ một lần nữa lạc mất. Nay thì chồng và con của Mẹ nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Cần Thơ.

Trước khi anh Trần Hữu Gia hy sinh năm 1975, Mẹ đã trải qua gần 2 năm tù đày tại Khám Lớn Cần Thơ. Lúc mẹ bị bắt năm 1972, người con Út chưa đầy 3 tuổi và đang chống chọi với căn bệnh viêm phổi. Mẹ, với chút kiến thức y học do chồng truyền dạy, chỉ kịp tiêm cho con một ống thuốc kháng sinh trước khi trải qua những ngày tháng bị đánh đập, tra tấn trong tù. Mẹ kể: “Chúng đánh Mẹ bằng roi điện và dùng cây gõ vô đầu liên hồi, biểu khai ra cơ sở, biểu hãy ra chiêu hồi. Mẹ chỉ nói, tui có theo Việt Cộng đâu mà biết cơ sở. Có theo Việt Cộng mới ra chiêu hồi, còn như tui không theo thì chiêu hồi làm gì”. Trong xà lim, bị giam cùng Mẹ có rất nhiều Mẹ, nhiều Chị cũng bị bắt, bỏ lại con nhỏ. Và đó là điểm duy nhất khiến các Mẹ, các Chị chùng lòng, khi nghĩ đến những đứa con bơ vơ. Giặc cũng không ít lần ngon ngọt khuyên mẹ hãy nghĩ đến những đứa con mà đầu hàng. Mẹ đã vượt qua điểm yếu đó bằng niềm tin, rằng còn có tổ chức, có cách mạng lo cho những đứa trẻ. Nhờ niềm tin đó, Mẹ đã kiên cường chịu đựng những trận đòn mà dấu tích để lại là thương tật vĩnh viễn, khiến Mẹ sau này trở thành thương binh hạng 4/4. Khi Mẹ được thả ra vào năm 1973, người con út mà Mẹ nghĩ đã không qua khỏi cơn bạo bệnh vẫn sống cùng các con của Mẹ trong sự bảo bọc của tổ chức, của bà con, đồng đội.

Chiến tranh đã khiến Mẹ Nhân không giữ được kỷ vật nào của chồng, của con đã hy sinh. Mẹ tâm sự: “Thằng Gia hy sinh khi còn quá trẻ, còn chồng Mẹ khi mất có để lại thùng dụng cụ nghề y. Đó là những y cụ rất quý, rất cần cho anh em nên Mẹ tặng ngay cho cách mạng”. Vì vậy, sau này khi con cháu có lúc tiếc vì không giữ được kỷ vật nào của cha ông, Mẹ vẫn cảm thấy hành động năm xưa là xác đáng. Mẹ tin đó cũng là tâm nguyện của chồng.

Từ khoảng những năm 1986, Mẹ Lê Thị Nhân chuyển từ Phụng Hiệp về Cần Thơ sinh sống. Hiện, Mẹ sống cùng vợ chồng người con út. Ngôi nhà của Mẹ treo đầy Huân chương Kháng chiến, Kỷ niệm chương, Bằng Tổ quốc ghi công… Bây giờ, nỗi sợ lớn nhất đời Mẹ- sợ miền Nam phải sống trong cảnh nô lệ- đã không còn. Mẹ sống trong niềm vui rằng cuộc kháng chiến trường kỳ đã thắng lợi, các cháu của mẹ được sinh trưởng trên một đất nước thống nhất, độc lập, yên bình.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết