07/04/2008 - 09:32

Hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4”

Những giọt máu ấm tình người

Mỗi năm, Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Cần Thơ nhận được trên 18.000 đơn vị máu do cán bộ công chức, học sinh, sinh viên, nhân dân hiến tặng, nhưng nhiều lúc nguồn máu dự trữ vẫn không đủ cung ứng cho các bệnh viện để cứu người. Ở từng nơi, từng lúc vẫn còn những ca mổ cấp cứu, những sản phụ bị băng huyết, nhiều trường hợp bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo đang khắc khoải chờ... máu. “Hãy cho thêm sự sống, tiếng cười và vòng tay yêu thương” - Đó không chỉ là thông điệp mà còn là tâm tình của Lý Quốc Ánh, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ, cô Nguyễn Thị Lài, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ cùng hàng ngàn người tình nguyện đang kêu gọi triệu tấm lòng hãy cùng chia sẻ những giọt máu để cứu người.

KHẮC KHOẢI CHỜ... MÁU

Ở phòng bệnh huyết học, khoa Nội tiêu hóa, huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ bệnh nhân rất đông. Gương mặt của bệnh nhân và người nuôi bệnh đều lộ vẻ buồn và mệt mỏi. Không khí trong phòng thật yên ắng, không ai nói chuyện với ai. Hầu hết bệnh nhân trong phòng này mắc các bệnh liên quan đến máu: đa u tủy, ung thư máu, suy tủy... Mỗi tháng họ đều phải nhập viện để truyền máu và bệnh viện gần như là ngôi nhà thứ hai của họ.

Đa số bệnh nhân đều có hoàn cảnh đáng thương. Có những gia đình trước đây từng khá giả, êm ấm nay phải lâm vào cảnh nợ nần, khốn khó do người thân mắc bệnh hiểm nghèo phải truyền máu trong thời gian dài. Như trường hợp chị Lâm Thị Phượng Liên, 34 tuổi, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, trước đây cuộc sống của vợ chồng chị và 2 con khá ổn định nhờ cả hai vợ chồng vừa trồng mía, đi làm thuê và anh chạy xe honda chở khách. Tháng 9-2007, chị Liên phát bệnh suy tủy và trở thành bệnh nhân quen thuộc của BVĐKTƯ Cần Thơ. Bình quân một tháng, chị phải tốn gần 4 triệu đồng chi phí điều trị. Để có tiền trị bệnh, những đồ đạc có giá trị trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi. Thậm chí, chiếc xe honda là phương tiện kiếm sống lúc nông nhàn, chị cũng phải gạt nước mắt bán rẻ cho người ta. Chị Liên nghẹn ngào nói: “Lúc mới phát bệnh, cha mẹ, anh chị em, lối xóm thương tình gom góp mỗi người một ít cho tôi đi chữa bệnh. Nhưng tháng nào cũng vô bệnh viện nên mọi người cũng không còn tiền mà giúp nữa”. Chồng chị đưa chị đến bệnh viện rồi quay về nhà đi làm mướn kiếm tiền nuôi hai con (đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ mới 5 tuổi). Chị Liên cúi mặt, che dòng nước mắt, nói: “Nhiều lúc đến đợt vô máu nhưng trong nhà không còn tiền, cũng không còn chỗ nào để vay mượn nên tôi ráng làm. Tính làm nhiều để lướt qua bệnh luôn, ai dè càng làm càng mệt, không vô máu là nhức đầu, chóng mặt, khó thở... vô máu là khỏe liền”.

 Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tình nguyện hiến máu nhân đạo. Ảnh: B.N

Bà Trần Thị Gia, bệnh đa u tủy nằm đối diện với chị Liên cũng cùng cảnh ngộ. Bà nằm quay mặt vào vách tường, lặng lẽ khóc. Bà thương thân mình thì ít mà thương cho chồng, con khổ vì mình thì nhiều. Bà mới phát bệnh 10 tháng và tháng nào cũng phải vô viện để được truyền máu. Từ khi bà mắc bệnh, bao nhiêu tiền ông bà và các con dành dụm dồn hết để cứu bà. Cuối cùng, chồng bà phải cầm cố ruộng đất và vay mượn hơn 20 triệu đồng tiếp tục giúp vợ duy trì sự sống.

Từ những gia đình khá giả, đủ ăn, chỉ trong vòng mấy tháng, chị Liên, bà Gia trở thành những bệnh nhân nghèo. Sau khi hết tiền, hết gia sản, họ được chính quyền xã cấp sổ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo. Bây giờ, dù không còn tốn tiền điều trị bệnh, nhưng tiền ăn uống, đi lại... cũng tốn vài trăm ngàn đến một triệu đồng một tháng, trong khi nợ nần bủa vây. Ở phòng bệnh này, từng có nhiều bệnh nhân khá giả, giàu có sau vài năm trị bệnh, cũng lâm cảnh nghèo khó như họ. Bác sĩ Trương Thị Quỳnh An, khoa Nội tiêu hóa, huyết học lâm sàng, BVĐKTƯ Cần Thơ, nói: “Bệnh nhân mắc bệnh này, đa phần là những người nghèo. Có khi bệnh nhân vào viện, không còn máu để truyền, họ phải nằm chờ máu từ 3-5 ngày, có lúc cả nửa tháng”.

Theo lãnh đạo Trung tâm Huyết học-Truyền máu(TTHHTM) khu vực Cần Thơ, hàng năm Trung tâm nhận được trên 18.000 đơn vị máu do cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, người dân hiến... Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông phức tạp, đa số là các đa chấn thương, các bệnh lý huyết học cũng gia tăng... nên nhu cầu truyền máu ngày càng tăng. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm nay, nhu cầu máu tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm 2007. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy, khoa Huyết học, BVĐKTƯ Cần Thơ cho biết: “Vào các ngày lễ, Tết thường xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm chờ máu. Do không có máu để truyền nên một số bệnh nhân cần phẫu thuật ngay phải chuyển lên TP Hồ Chí Minh điều trị. Trong những năm gần đây, lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến máu tăng đột biến, nhu cầu truyền máu tăng nhanh. Vì thế chúng tôi thường thiếu các chế phẩm về máu như tiểu cầu đậm đặc, huyết tương tươi giàu tiểu cầu để truyền cho bệnh nhân”. Thực tế trên cho thấy, hiện nay vẫn còn rất nhiều người bệnh cần được sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng.

TRIỆU TẤM LÒNG NHÂN ÁI...

Hiện nay tại TP Cần Thơ, bên cạnh nguồn máu thu gom được trong cộng đồng, còn có 9 câu lạc bộ hiến máu nhân đạo (HMNĐ) sẵn sàng hiến máu cứu người bất cứ lúc nào. Trong đó, có rất nhiều người tình nguyện dù bận việc cơ quan, bận lao động kiếm sống hay đang học tập nhưng hễ có nghe tin có người cần tiếp máu là họ lập tức có mặt và hiến máu rất nhiều lần. Trường hợp chị Nguyễn Thị Lài, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Cần Thơ, là một điển hình. Chị tham gia hiến máu từ năm 2002, nhưng chị mới thật sự tình nguyện và hết lòng với công việc này trong 3 năm qua - Khi chị đưa mẹ bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại bệnh viện và tận mắt chứng kiến những trường hợp phải lìa bỏ cuộc sống vì thiếu máu để truyền. Chị kể: “Tôi còn nhớ lúc đó khoảng nửa đêm, có một sản phụ là giáo viên, quê ở Vĩnh Long, bị băng huyết sau khi sinh cần phải truyền gần 20 bịch máu nhưng lượng máu ở bệnh viện không đủ... nên không cứu được. Nhìn cảnh người thân của cô giáo ấy chạy theo xe cứu thương, kêu khóc thảm thiết, tôi nghe như ai xé ruột gan mình...”.

Chỉ có vài ngày trong BV nuôi mẹ, chị Lài rất đau lòng khi chứng kiến nhiều ca bệnh khó bị tử vong vì mất máu, thiếu máu. Trường hợp của mẹ chị cũng may mắn thoát khỏi nguy hiểm nhờ những giọt máu của người thân và ngân hàng máu trong bệnh viện. Từ đó, chị không chỉ tích cực tham gia hiến máu mà còn vận động các đồng nghiệp cùng tham gia vận động, đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện trong sinh viên, học sinh ở Trường CĐYT Cần Thơ. Vào những buổi chào cờ đầu tháng, chị thường thông báo, vận động học sinh, sinh viên tham gia hiến máu, giúp các em hiểu được ý nghĩa của giọt máu cứu người. Ở tuổi 54, tuy sức khỏe không còn như trước nhưng chị Lài vẫn tình nguyện hiến máu 2 lần trong năm. Chị tâm sự: “Mới đây, tôi đòi tham gia hiến máu nhưng cán bộ lấy máu không cho, vì thời gian hiến máu đợt trước của tôi chưa đủ. Song, tôi nghĩ mình còn khỏe, máu còn tốt thì sẵn sàng hiến tặng. Ngày nào còn công tác, tôi sẽ còn sát cánh cùng các em sinh viên để đẩy mạnh phong trào hiến máu nhân đạo. Bởi hồng cầu trong máu chỉ sống trong một thời gian nhất định. Nó sẽ tự chết đi để tạo hồng cầu mới, trong khi đó máu có thể cứu được nhiều người. Chúng ta không nên phí phạm...”.

Tấm lòng của cô Lài làm tôi nhớ đến tâm tình của những sinh viên trong câu lạc bộ HMNĐ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYD CT). Sáng 26-9-2007, điện thoại của Lý Quốc Ánh, sinh viên Y khóa 29, Trường ĐHYD CT, phụ trách Câu lạc bộ HMNĐ, cứ rung liên hồi. Tin BVĐKTƯ Cần Thơ cần lượng máu lớn để cấp cứu các công nhân bị tai nạn do sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ lan nhanh. Quốc Ánh tức tốc liên hệ các bạn cùng lớp, trong ký túc xá để vận động tham gia cấp cứu nạn nhân và hiến máu ở bệnh viện. Chạy quần quật từ sáng đến giữa trưa tại hiện trường xảy ra tai nạn để cấp cứu các nạn nhân, Ánh lại chạy về bệnh viện hiến một lúc 450 ml máu để cứu người - dù Ánh mới hiến máu 2 tháng trước đó. Ánh bộc bạch: “Gần 8 tháng trôi qua nhưng thảm họa xảy ra ở cầu Cần Thơ nhưng tôi và các bạn trong CLB không sao quên được, có rất nhiều người chết do chấn thương, mất máu. Chứng kiến cảnh đó mới thấy máu cứu người cần kíp như thế nào”. Không riêng Ánh mà còn rất nhiều sinh viên khác trong CLB đã hành động như Ánh. Thạc sĩ bác sĩ Hồ Thị Tuyết, Điều phối viên Dự án Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực Cần Thơ, bộc bạch: “Gần đây, phong trào HMNĐ trên địa bàn thành phố nói chung, trong sinh viên nói riêng, ngày càng phát triển sâu rộng và mang tính chuyên nghiệp hơn. Trong số đó có Câu lạc bộ HMNĐ ở Trường ĐHYD Cần Thơ do Ánh phụ trách”.

Hơn 10 năm hoạt động, CLB HMNĐ của sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ luôn “đồng hành” cùng với các y, bác sĩ trong “cuộc chiến” giành lại sự sống cho bệnh nhân. Khi có ca bệnh cần máu tươi, bác sĩ ở bệnh viện chỉ cần gọi cho Ban chủ nhiệm CLB. Không bao lâu sau, Ban Chủ nhiệm đã có mặt cùng những thành viên nhiệt tình đến bệnh viện để hiến máu cứu người. Dù vất vả, mệt mỏi nhưng họ vui nhất là khi biết một sinh mạng nữa đã được cứu sống nhờ những giọt máu của mình. Ánh và các bạn trong nhóm không sao quên có lần đã gần nửa đêm, nhận được điện thoại, các bạn tức tốc đi xe ôm vào BVĐKTƯ Cần Thơ để tiếp máu cho một sản phụ bị băng huyết sau khi sanh, đang trong tình trạng nguy kịch. Nhìn những người nhà của bệnh nhân đang hoảng loạn, kêu khóc và chứng kiến cảnh người chồng cứ nức nở gọi: “Các bác sĩ ơi, ráng cứu vợ con tui”, Ánh và các bạn không nén được xúc động. Một, hai, ba... đơn vị máu của Ánh và các bạn mới đủ máu truyền cho sản phụ. Khi biết sản phụ đã qua cơn nguy kịch, các bạn lặng lẽ về trong niềm hạnh phúc khó tả...

* * *

Trong cuộc sống, còn rất nhiều những người tình nguyện thầm lặng, rất đổi bình dị và giàu lòng nhân ái như cô Lài, Ánh... Họ sát cánh cùng đội ngũ những người thầy thuốc tâm huyết với một tâm nguyện: cứu người. Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Thị Tuyết, người nhiều năm gắn bó với công tác vận động hiến máu nhân đạo, tâm sự: “Nhiều lúc, gặp những trường hợp bệnh nguy cấp cần tiếp máu, chúng tôi phải điện thoại khắp nơi để tìm người cùng nhóm máu với bệnh nhân. Tôi xin thay mặt những bệnh nhân tri ân tấm lòng của người hiến máu. Từng ngày, từng giờ, từng phút, bệnh nhân trong các bệnh viện đang chờ đợi máu của các bạn để vượt qua cơn bệnh nguy hiểm. Vì thế, nếu khỏe mạnh bạn hãy tham gia hiến máu. Vì hiến máu là bạn đã cho thêm sự sống, cho thêm tiếng cười và vòng tay yêu thương”.

HUỆ HOA - BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết