20/04/2017 - 17:22

Những điều cần biết về điện thoại camera kép

Điện thoại camera kép được dự báo sẽ phổ biến trong năm 2017. Tuy nhiên, điện thoại camera kép có phải là số một về chụp ảnh và liệu nó có đáng mua?

Hai camera thực chất để làm gì?

Khi nhìn vào mặt sau của một chiếc điện thoại, bạn sẽ bắt gặp một ống kính camera nhỏ. Sở dĩ như thế là vì điện thoại bị buộc phải ngày càng mỏng. Bên trong bộ phận camera nhỏ này, nhà sản xuất phải gắn vào nhiều thành phần ống kính, cảm biến hình ảnh và thậm chí một số động cơ nhỏ để ổn định ảnh quang.

Đối với camera kép đang và sắp phổ biến, bạn sẽ thấy hai ống kính, đặt cạnh nhau theo chiều ngang hay chiều dọc. Điều đó có nghĩa là chiếc điện thoại đó có tới hai bộ phận camera độc lập hoàn chỉnh. Cụ thể, một trong số đó là ống kính chính thực hiện tất cả công việc quan trọng, trong khi ống kính phụ làm nhiệm vụ thu thêm ánh sáng, tăng góc nhìn hay hỗ trợ làm mờ phông.

Camera kép xuất hiện đầu tiên vào năm 2011?

Đúng nhưng chưa chính xác, camera kép đã được giới thiệu lần đầu tiên trên điện thoại HTC Evo 3D hồi năm 2011. Tuy nhiên, lúc đó, camera kép được sử dụng để chụp ảnh 3D cho màn hình 3D của HTC. Sau đó, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục thử nghiệm công nghệ mới, nhưng nó không thực sự khởi sắc. Mãi cho đến năm 2014, camera kép mới thực sự thực dụng khi siêu phẩm HTC One M8 xuất hiện với camera kép cùng hiệu ứng độ sâu trường ảnh ấn tượng. Trong năm 2016, camera kép cũng có những bước tiến tuyệt vời là vượt qua "rào cản" khoảng trống trong các điện thoại mới.

Thế mạnh của camera kép là gì?

Tùy thuộc vào loại camera phụ, điện thoại có camera kép có thể giúp bạn chụp một tấm ảnh sắc nét hơn với nhiều chi tiết hơn, hỗ trợ chế độ góc cực rộng hay chỉ đơn giản giúp bạn chụp các tấm ảnh với độ sâu trường ảnh cạn để làm nổi bật đối tượng.

Đôi khi, camera kép cũng có thể giúp tăng 1x hay 2x zoom quang cho điện thoại, như trên điện thoại iPhone 7 Plus và Zenfone 3 Zoom.

Chất lượng hình ảnh tùy thuộc vào nhiều yếu tố

Trong khi camera kép thường chụp được những tấm ảnh chất lượng, song nhiều yếu tố khác như kích thước cảm biến, kích thước pixel, khẩu độ và thậm chí xử lý hậu kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng.

Các siêu phẩm như Samsung Galaxy S7/S7 Edge, Google Pixel, OnePlus 3, LG G5, HTC 10 và một số điện thoại cao cấp khác giúp bạn chụp được những tấm ảnh chất lượng hơn trong điều kiện thiếu sáng và nhiều chi tiết hơn so với nhiều điện thoại camera kép. Các điện thoại camera kép duy nhất có thể sánh ngang với những siêu phẩm vừa nêu là iPhone 7 Plus và Huawei P9.

Điện thoại đầu tiên có camera kép ở mặt trước

Hồi năm 2015, Lenovo đã ra mắt camera kép trên điện thoại Vibe S1, với một camera chính 8 Megapixel và một camera phụ 2 Megapixel để chụp ảnh "tự sướng" chất lượng hơn. Gần đây nhất, Vivo cũng đã giới thiệu điện thoại Vivo V5 Plus với camera kép ở mặt trước. Camera kép này có một camera chính 20 Megapixel và một camera phụ 8 Megapixel, cùng chế độ Bokeh đặc biệt cho phép người dùng điều chỉnh khẩu độ tùy ý để có hiệu ứng độ sâu trường ảnh tốt hơn.

Điện thoại camera kép không còn đắt giá

Loạt điện thoại đầu tiên trang bị camera kép ra mắt ở thị trường Ấn Độ hồi năm ngoái, như Huawei P9, LG G5 và iPhone 7 Plus, là những sản phẩm cao cấp có giá trên 542 USD. Tuy nhiên, công nghệ này đã dần phổ biến trên các điện thoại cấp thấp như Xolo Black. Đến cuối năm 2016, điện thoại Honor 8 được trình làng với camera kép cùng mức giá dưới 465 USD.

Đến tháng 1 năm nay, camera kép đã có mặt trên các điện thoại giá rẻ như Coolpad Cool 1 và Honor 6X.

Camera kép sẽ phát triển thế nào ?

Apple đã nhảy vào cuộc đua camera kép cùng với việc điện thoại Android có camera kép giá rẻ ngày càng nhiều, điện thoại camera kép được dự báo sẽ là một trong những xu hướng điện thoại lớn nhất trong năm 2017. Sắp tới, camera kép sẽ được phát triển để cải tiến chất lượng hình ảnh hơn nữa và sẽ được tăng cường nhiều hiệu ứng hình ảnh qua phần mềm, như các chế độ chụp chân dung Bokeh cải tiến cùng những hiệu ứng phơi sáng lâu. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng có thể kết hợp với phần cứng sẵn có như lấy nét tự động bằng laser, cảm biến RGB…

LÊ PHI (Theo Gadgetsnow)

Chia sẻ bài viết