22/11/2009 - 09:39

Những điểm tựa cho học sinh nghèo

Có nhiều nhà giáo dù đang công tác hay đã về hưu, vẫn tiếp tục cố gắng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục. Lặng lẽ, cần cù, những nhà giáo này đóng góp sức mình để cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường...

1- Hai năm học gần đây, tuổi càng cao, sức khỏe ông Lê Văn Ánh (Ba Ánh), Chủ tịch Hội đồng quỹ Khuyến học, Hội Khuyến học TP Cần Thơ, càng giảm sút, nhưng vẫn cố gắng vì thế hệ trẻ. Ông nói: “Có hôm sức khỏe kém, chú mệt lả người nhưng nhớ còn cơ quan, nhớ cơ man nào là việc lại phải. Phải cố gắng thôi cháu ạ, vì chú nghĩ mình ráng một chút thì sẽ có thêm học sinh, sinh viên được tiếp tục đến trường”.

Ông Ba Ánh luôn trăn trở vì học sinh, sinh viên nghèo.
Ảnh: L. G 

Ông quê ở tỉnh Hải Dương, năm 1960, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, ông được phân công dạy tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Dạy học được 5 năm, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt, cần chi viện. Lúc ấy, ông được lựa chọn: du học Tiệp Khắc và vào Nam. Ông chọn vào Nam. Vào chiến trường miền Nam, về khu Tây Nam Bộ, ông Ba Ánh được phân công về Tiểu ban giáo dục Khu. Thời gian sau, ông được chuyển dạy học tại Trường Lý Tự Trọng của Khu đặt tại huyện Trần Văn thời, Cà Mau. Sau ngày giải phóng, ông là Phó Ty giáo dục Hậu Giang rồi tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cần Thơ cho đến năm 1993. Do yêu cầu, ông Lê Văn Ánh được chuyển sang Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em đến năm 2003 về hưu.

Thường thì khi về hưu, nhiều người coi như đã hoàn thành nhiệm vụ với xã hội, với cách mạng, sẽ thảnh thơi. Nhưng: “Có thời gian đi lại nhiều, tôi thấy nhiều học sinh cần giúp đỡ. Tôi xin vào làm ở Hội Khuyến học thành phố.Vì làm ở đây giống như trở lại với nghề dạy học của mình vậy”- ông tâm sự. Những người quen, những người tâm huyết với giáo dục lần lượt được ông “nhớ lại” và gặp để vận động quỹ giúp đỡ những học sinh nghèo. Thông qua những mối quan hệ trong quá trình làm việc, việc vận động quỹ khuyến học của ông Ba Ánh khá hiệu quả. Trong 5 năm qua, nhiều học sinh nghèo đã được quỹ khuyến học giúp đỡ vượt qua khó khăn đã có thể tiếp tục đến trường. Có một số chuyện vẫn lưu lại ấn tượng trong lòng ông Ba Ánh, nhất là trường hợp những em học sinh, sinh viên được giúp đỡ vươn lên. Sơn Thủy Linh, sinh viên năm thứ ba, khoa Quản lý đất đai, Trường Đại học Cần Thơ, là một trong những trường hợp như thế. Sơn Thủy Linh, nói: “Khi đậu đại học, tôi không có tiền đóng học phí. Ông Ba và các cô chú biết hoàn cảnh khó khăn và sự ham học của tôi nên vận động cấp cho tôi học bổng 3 triệu đồng. Nhờ đó, tôi đóng học phí và trang trải đầu năm học. Có thể cánh cửa đại học đã khép lại với tôi nếu không có khoản tương trợ của Hội khuyến học”. Ông Ba Ánh tâm sự: “Ngày xưa tôi đi học, nhà nghèo cũng vất vả, khó khăn lắm nên hiểu được những sự giúp đỡ cho học sinh nghèo quí như thế nào. Tôi sẽ tiếp tục làm công tác vận động giúp học sinh nghèo đến khi nào hết sức...”.

2- Cô Võ Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nguyên là giáo viên Trường Tiểu học An Bình 1, quận Ninh Kiều, nói: “Khi nhận quyết định về hưu, nhiều đêm cô không ngủ được cứ giật mình nghe học sinh gọi cô ơi. Tiếng gọi thân thương đó mình đã nghe suốt 37 năm rồi”. Không còn đứng trên bục giảng, không gặp học sinh, cô Hương lúc đầu thấy hụt hẫng, thấy một ngày dài và trống trải quá. Thế là cô đi làm công tác khuyến học với suy nghĩ: giúp đỡ học sinh nghèo cũng là làm giáo dục.

Năm 2007, sau khi phường An Khánh được thành lập, phong trào khuyến học chưa phát triển mạnh. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường An Khánh, cô Hương đã kết hợp các đoàn thể, đồng nghiệp, tham mưu cùng Đảng ủy, chính quyền phường “xốc” dậy phong trào khuyến học tại địa phương. Chỉ sau 2 năm, phong trào khuyến học ở phường An Khánh đã phát triển. Mạng lưới khuyến học cơ sở được mở rộng xuống đến tận các tổ dân phố và phong trào vận động chăm lo cho học sinh nghèo cũng được quan tâm và có kết quả. Cô Võ Thị Hương kể: “Đi vận động giúp đỡ học sinh nghèo tiếp tục đến trường ý nghĩa lắm”.

Cô Võ Thị Hương (phải) trao đổi với đồng sự việc hỗ trợ các học sinh nghèo ở địa phương. Ảnh: L. G 

Cô Hương nói rằng niềm vui của một giáo viên chính là sự thành đạt của học sinh. Hơn 37 năm đứng lớp biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, cô không nhớ họ nhưng đến khi gặp lại học trò cũ tràn đầy những tình cảm. Cô Hương nhớ lại: “Hôm rồi, cô khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương. Một bác sĩ nam mời cô uống nước rất trân trọng và khám bệnh thật chu đáo. Sau khi khám xong, người bác sĩ này nói: “Con là học trò cũ của cô nè!”. Cô xúc động: “Được học sinh nhớ đến ngay cả khi về hưu càng xúc động hơn nữa!”.

Khi tôi ra về, trời đã khá trưa, nhưng cô Hương vẫn nán lại trao đổi với đồng sự về những trường hợp học sinh, sinh viên trong phường cần giúp đỡ. Nào là mua cho em Duyên- sinh viên quần áo, tập sách để em có điều kiện hơn khi đến trường; nào là đến xem hai bà cháu em Kiệt trong phường có đủ gạo, tập vở học không để mà hỗ trợ... Tôi nghĩ, tấm lòng của nhà giáo về hưu vẫn đang tiếp tục rộng mở với những học sinh, sinh viên nghèo.

3- Tại Trường Cao đẳng Cần Thơ, nhiều sinh viên biết và yêu quí cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giảng viên Khoa Kinh tế- Luật không chỉ vì cô dạy tốt, hoạt động phong trào năng nổ mà còn vì cô là một người rất quan tâm đến học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Cách đây 3 năm, Phạm Hà Minh Thư, sinh viên lớp cao đẳng Kế toán A32, bị tai nạn giao thông, cánh tay trái bị mổ nhiều lần. Mặc cảm về thương tật, có lúc Minh Thư không muốn đến lớp học. Cô Hạnh đã vận động trong lớp hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần Minh Thư. Cô Hạnh thường xuyên đến thăm, động viên Minh Thư. Nhờ vậy, Minh Thư khắc phục khó khăn, vượt qua mặc cảm tiếp tục đi học, không chỉ trường hợp Minh Thư, Nguyễn Thị Đẹp, một bạn học của Thư, kể: “Em phải mổ và nằm viện một thời gian. Thấy em nghỉ học, cô Hạnh đã tìm hiểu và đến tận nhà. Cô Hạnh không biết chỗ em ở, đi vào buổi tối nhưng cô vẫn cất công tìm kiếm để thăm em. Cô Hạnh không chỉ là người thầy mà còn là người bạn mà em có thể tâm sự, sẻ chia...”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh , giảng viên Khoa Kinh tế - Luật, Trường Cao đẳng Cần Thơ luôn học hỏi vươn lên, hết lòng vì học trò. Ảnh: B. NG

Tốt nghiệp đại học ngành Kế toán năm 2000, nhưng năm 2007 cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh nộp đơn xin vào Trường Cao đẳng Cần Thơ. Cô Hạnh giải thích: “Tôi đã yêu thích nghề giáo từ lâu nên tôi chấp nhận xin đi dạy học”. Sự lựa chọn của cô Hạnh không phải dễ dàng: làm ở doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi, đúng với ngành đào tạo; chuyển qua nghề giáo thay đổi môi trường làm việc cô phải khắc phục nhiều khó khăn từ công việc, từ tâm lý. Khi mới đi dạy học, cô Hạnh rất lo lắng bởi giảng viên không chỉ vững chuyên môn mà còn phải có kỹ năng sư phạm. Cô Hạnh đã học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm, thêm kiến thức chuyên môn. Khi bắt đầu định giảng dạy, cô Hạnh tìm tòi nghiên cứu giáo trình, bài giảng và học tập học kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của các đồng nghiệp đi trước. Để có tiết học đạt hiệu quả, giảng viên phải đưa ra tình huống, chia sinh viên theo nhóm thảo luận. Giảng viên sẽ tập hợp các ý kiến của sinh viên, phân tích, kết luận bài giảng.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ nói: “Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh vừa được đề bạt Phó trưởng Khoa Kinh tế- Luật, cô là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2008-2009... Đó là một cán bộ giảng dạy có năng lực, cầu tiến, yêu nghề, yêu trò. Cô đã phấn đấu để trong thời gian ngắn trở thành một cán bộ giảng dạy vững vàng của nhà trường”. Hiện nay, cô Hạnh đang theo học cao học ngành Quản trị kinh doanh. Hầu như cô ít có ngày nghỉ cuối tuần. Hằng ngày, cô Hạnh phải đưa con đi học, chăm sóc gia đình, đến lên lớp dạy, tối về đi học... ngày nghỉ cuối tuần đối với cô Hạnh thật hiếm hoi. Cô Hạnh tâm sự: “Nghề giáo đòi hỏi giáo viên phải học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để không bị tụt hậu. Nếu có điều kiện, tôi sẽ cố gắng học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn”.

* * *

Mỗi người đều một hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người thầy, người cô đã gặp, cũng như rất nhiều người chúng tôi không có dịp nêu lên đều có chung một lý tưởng: Sống hết lòng vì học trò thân yêu...

HÀ THANH - B.KIÊN

Chia sẻ bài viết