16/03/2010 - 08:25

Phiên họp 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

Nhiều ý kiến về thu thuế đối với đất lấn chiếm

* Chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế
* Đề nghị đánh thuế một số sản phẩm khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường

Mở đầu phiên họp thứ 29, ngày 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án Luật thuế nhà, đất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN) 

UBTVQH đồng tình cao với đề nghị trước mắt không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế với những lý do như: Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế và trong quá trình xây dựng nhà ở, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công. Việc thu thuế sẽ dẫn đến thuế chồng lên thuế. Mặt khác, tại thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tác động đến đời sống và tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi luật có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ; số thu từ thuế nhà cho NSNN ước tính không đáng kể trong khi đó, chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ...

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, giá nhà ở Việt Nam thực chất là giá đất. Nhà ở là tài sản của cá nhân hoặc tổ chức, trong khi đó nước ta chưa có thuế tài sản, mà thay vào đó là thuế thu nhập cao, thuế trước bạ để “đánh vào” các tài sản lớn. Nếu đưa nhà vào đối tượng chịu thuế thì các tài sản khác có giá trị cao có phải là đối tượng chịu thuế không? Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng giá trị của nhà không phải là lớn. Thuế chỉ “đánh vào” giá trị xây dựng của nhà trong khi nhà xây dựng ở những vị trí khác nhau sẽ có giá trị khác nhau. Như thế, thực chất là thuế “đánh vào” đất. Giá trị của nhà thực chất là ở vị trí của đất. Do đó nếu nhằm mục đích để quản lý cũng như hạn chế đầu cơ là không hiệu quả.

Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận, còn có những ý kiến khác nhau là việc có hay không thu thuế đối với phần diện tích đất lấn chiếm? Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, dự thảo quy định mức thuế suất chung áp dụng với đất lấn chiếm là 0,15%, cao hơn so với thuế thu phần diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do lấn chiếm là hành vi bất hợp pháp nên cùng với áp dụng mức thuế suất cao nhất, cần tăng cường các biện pháp xử lý nhằm sớm ngăn chặn.

Một số ý kiến cho rằng, thu thuế phần diện tích chênh lệch cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận hành vi vi phạm. Nếu quy định như dự thảo sẽ phá vỡ quy định của Luật Đất đai (xử lý mọi hành vi lấn chiếm, thu hồi phần đất chiếm dụng). Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho rằng, chỉ thu thuế theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không nên đặt vấn đề thu thuế phần đất lấn chiếm, sẽ tạo kẽ hở vi phạm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, khái niệm đất lấn chiếm trong dự thảo là chưa rõ ràng. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cũng đồng tình quy định trong luật phải thu theo giấy chứng nhận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Về nguyên tắc, tất cả các loại đất có giấy hay không có giấy chứng nhận, đã sử dụng đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Đất ngoài phạm vi giấy chứng nhận nếu không thu thuế thì không thực tế, nhưng thu như thế nào để nêu cao trách nhiệm và ý thức thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của người dân. Quan điểm của Phó Chủ tịch là phải thu và coi đây là một hình thức phạt, cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Không phải vì thu mà thừa nhận đất đó là đất hợp pháp, thuộc quyền sử dụng của người lấn chiếm. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng đây là hiện tượng phổ biến, nhất là ở các đô thị, không chỉ ở các chung cư mà còn ở cả các ngõ phố. Nếu không thu sẽ không công bằng, còn tổ chức, cá nhân nào đứng ra hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận cho người dân thì không phải dễ. Tới đây, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để xác định như thế nào là đất lấn chiếm.

Chiều 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Thuế môi trường.

Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo, việc ban hành Luật Thuế môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Việc ban hành Luật giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn; động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời phải đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Thuế môi trường của Ủy ban Tài chính- Ngân sách tán thành việc cần thiết ban hành Luật. Quá trình phát triển nền kinh tế đã làm phát sinh những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển bền vững đứng trước những thách thức lớn.

Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thuế môi trường, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của tổ chức và cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất, tiêu dùng đến môi trường...

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn về vấn đề thuế môi trường và phí môi trường. Đại biểu nêu bản chất thu thuế và thu phí đều do Nhà nước thu để đầu tư lại nhưng trong dự thảo luật chưa làm rõ được sự khác nhau cơ bản giữa việc thu thuế và thu phí môi trường; tại sao bên cạnh việc thu thuế vẫn còn thu phí môi trường.

Đại biểu Hà Văn Hiền- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đã quy định thu thuế về môi trường thì không thu phí môi trường nữa để người sản xuất chỉ phải nộp 1 lần cho cùng một mục đích. Về vấn đề này, đại biểu Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành vừa quy định có phí môi trường vừa có thuế môi trường. Đại biểu phân tích: phí đánh vào quá trình sản xuất ra sản phẩm chứ không đánh vào sản phẩm; còn thuế là đánh vào sản phẩm khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm. Đại biểu kết luận: phải phân biệt được rõ nội hàm của thuế và phí sẽ thấy trường hợp nào chịu phí, trường hợp nào chịu thuế môi trường...

Đại biểu Trương Thị Mai nhận xét Ban soạn thảo cần phải làm rõ đối tượng chịu thuế môi trường; tại sao chỉ quy định 5 loại là đối tượng phải chịu thuế. Lập luận của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng cho rằng đối tượng chịu thuế được quy định trong Dự thảo luật rất hẹp nhưng lại không phân tích là tại sao hẹp... Cũng vấn đề này, đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng cần quy định tập trung một đầu mối là người sản xuất sẽ là đối tượng nộp thuế. Về việc tính thuế theo mức thuế suất tuyệt đối, đại biểu tán thành với dự thảo luật quy định căn cứ tính thuế môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế suất tuyệt đối, tạo sự đơn giản trong tổ chức thực hiện.

Về thẩm quyền xác định thuế suất trong khung thuế suất, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị không quy định khung thuế suất mà quy định mức thuế suất cụ thể ngay trong luật nhằm bảo đảm nguyên tắc thuế suất do Quốc hội quyết định để áp dụng ổn định...

NHÓM PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết