16/03/2008 - 09:06

Tuyển sinh năm 2008:

Nhiều nét mới về ngành nghề

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP Cần Thơ đang sôi động với mùa tuyển sinh năm 2008. Mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh - đó là những nét chung của tất cả các trường. Tuy nhiên, qua phân tích thực tế cho thấy, những năm qua, một số ngành, chuyên ngành mới chưa thu hút được thí sinh mặc dù trước khi mở ngành, các trường đều nghiên cứu rất kỹ nhu cầu xã hội. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, tư vấn ngành nghề mới cần phải được thực hiện kỹ hơn, có chiều sâu hơn.

Nhiều ngành, chuyên ngành mới

Kỳ thi tuyển sinh năm 2008, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh và mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành mới. Với xu hướng đào tạo ngày càng chuyên sâu, năm nay, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) mở 5 chuyên ngành mới: Kỹ thuật máy tính, Công nghệ giống cây trồng, Nông nghiệp sạch, Công nghệ giống vật nuôi, Quản lý môi trường. Có thể nói, các chuyên ngành mới mở này đã “bấm” đúng nhu cầu nguồn nhân lực của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung khi sản xuất nông nghiệp sạch, giống cây trồng vật nuôi, phát triển bền vững... đang là vấn đề thời sự.

Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Để mở thêm ngành, chuyên ngành mới, trường căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực đào tạo của các đơn vị và chiến lược phát triển đào tạo của nhà trường”. Theo ông An, thực tế cho thấy nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực đòi hỏi đào tạo chuyên sâu ngày càng nhiều hơn. Đào tạo chuyên sâu giúp nhà tuyển dụng thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thị trường lao động quá hạn hẹp đối với ngành chuyên sâu đó thì sinh viên tốt nghiệp lại khó xin việc làm. Vì vậy, phần lớn những chuyên ngành mới mở của Trường ĐHCT đều thuộc lĩnh vực mà thị trường lao động không quá hạn hẹp, như: điện tử, môi trường, nông nghiệp.

Không chỉ riêng ĐHCT, các trường cao đẳng trên địa bàn cũng mở nhiều ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Năm 2008, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ mở thêm 2 ngành học ở bậc cao đẳng là: Công nghệ thực phẩm và Quản lý đất đai. Thạc sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, trường đang đào tạo hai khối ngành chính là kỹ thuật và kinh tế. Trước khi mở ngành mới, trường đều khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương. Thế mạnh vùng ĐBSCL là nông nghiệp, nhiều địa phương thiếu nguồn lực cán bộ nông nghiệp nên trường mở thêm ngành Công nghệ thực phẩm và Quản lý đất đai”.

Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị giảng dạy, nhất là cho các ngành học mới. Ảnh: B.NG 

Cũng xuất phát từ nhu cầu xã hội, Trường Cao đẳng Cần Thơ mở thêm 3 ngành mới ngoài sư phạm, là: Công nghệ May, Tài chính- Ngân hàng, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về cán bộ tài chính- ngân hàng, kỹ sư xây dựng... khá cao. Ngành may công nghiệp phát triển cũng cần một đội ngũ nhân viên may theo dây chuyền được đào tạo bài bản. Do đó, trường quyết định mở các ngành đào tạo này”. Ngoài ra, do chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo TP tăng cường đào tạo cán bộ giáo viên cho các trường phổ thông, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm của Trường Cao đẳng Cần Thơ lên đến 750 sinh viên, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.

Mặc dù được nâng cấp thành trường cao đẳng từ năm 2007 nhưng năm nay là năm đầu tiên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tuyển sinh bậc cao đẳng với duy nhất ngành Cử nhân Điều dưỡng. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này là 100 sinh viên. Theo thạc sĩ Tôn Thất Khải, Hiệu trưởng trường, hiện nay, các bệnh viện rất cần lực lượng điều dưỡng có trình độ, tay nghề để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Ngành Cử nhân Điều dưỡng bậc cao đẳng được mở cũng nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Ở bậc trung cấp, ngoài mở thêm ngành mới, các trường còn tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Trong tổng chỉ tiêu tuyển 1.400 học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ dành chỉ tiêu cho các ngành đào tạo bậc cao đẳng là 850 sinh viên, tăng 10% so với năm 2007. Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ cũng dành một lượng chỉ tiêu thỏa đáng cho các ngành mới ở bậc trung cấp. Cụ thể, các ngành: Y sĩ dành cho trường học và doanh nghiệp, Điều dưỡng Nha khoa, Y sĩ y học cổ truyền tuyển 290 học sinh. Còn Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Bộ dự kiến tuyển 150 học sinh cho 3 nghề mới: Cơ điện lạnh, Quản trị mạng, Điện tử công nghiệp.

Ngành nào sẽ vào nhóm dẫn đầu?

Thực tế cho thấy không phải ngành, chuyên ngành mới nào cũng có sức hút đối với thí sinh. Khảo sát số lượng thí sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành mới tại Trường ĐHCT năm 2007 cho thấy tỷ lệ chọi của các ngành mới mở chỉ ở mức trung bình. Cụ thể, năm 2007, ngành mới mở Sư phạm Vật lý- Công nghệ tuyển 50 sinh viên nhưng chỉ có 234 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ chọi là 1- 4,7 trong khi tỷ lệ chọi bình quân của toàn Trường ĐHCT là 1-12,4. Hay như ngành Cơ khí giao thông tuyển 70 sinh viên nhưng chỉ có 253 thí sinh đăng ký dự thi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thí sinh thiếu thông tin và e dè đối với các ngành, chuyên ngành mới.

Thống kê cho thấy, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành, chuyên ngành kinh tế luôn nhỉnh hơn các ngành khác. Kế đến là các ngành kỹ thuật, công nghệ. Chẳng hạn, ở năm 2007, với 4 chuyên ngành: Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông, Quản trị hệ thống thông tin, ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐHCT đã thu hút trên 4.400 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 900 thí sinh so với năm 2006. Ngành Công nghệ thực phẩm có tỷ lệ chọi lên đến 1-24 và tỷ lệ chọi của ngành Công nghệ sinh học là 1- 26,6. Chính vì vậy, có thể hy vọng, năm nay, các chuyên ngành mới mở: Kỹ thuật máy tính, Công nghệ giống cây trồng, Công nghệ giống vật nuôi sẽ thu hút lượng lớn thí sinh?

Qua tư vấn và lấy ý kiến của học sinh lớp 12 về việc chọn ngành nghề, thầy Lâm Điển, phụ trách tư vấn và nhận hồ sơ của Trường THPT Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Khảo sát ban đầu cho thấy, trong 440 học sinh của trường, có 104 học sinh chọn thi vào các ngành công nghệ, trên 240 học sinh chọn thi vào các ngành sư phạm, trên 100 học sinh thi vào các ngành kinh tế...”. Trường THPT Thới Lai cũng đã liên hệ mời Chi hội sinh viên Cờ Đỏ đến trường tư vấn ngành nghề cho học sinh lớp 12. Theo ông Nguyễn Như Ri, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, học sinh vùng ven còn thiệt thòi về thông tin so với học sinh ở trung tâm thành phố nên trường luôn tạo cơ hội để học sinh được tư vấn càng nhiều càng tốt. Sau khi Sở Giáo dục- Đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2008, trường cử 2 giáo viên phụ trách tư vấn, hướng dẫn học sinh về tuyển sinh.

Thông thường, thời gian từ lúc Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác tuyển sinh cho đến lúc thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi là khoảng 20 ngày. Đây cũng là thời gian mà hầu hết các đơn vị tư vấn chọn tư vấn ngành nghề cho học sinh. Bà Nguyễn Hoài Thi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Hiệu quả của các đợt tư vấn trực tiếp tại trường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do tập trung dồn dập vào một khoảng thời gian ngắn nên học sinh không có nhiều thời gian suy nghĩ, chọn lựa thật kỹ càng”.

* * *

Hầu hết các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp đều nỗ lực trong công tác tư vấn ngành nghề cho thí sinh. Tuy nhiên, để tư vấn có chiều sâu; đồng thời, các ngành nghề mới phát huy được thế mạnh, các trường vẫn còn nhiều việc phải làm.

NHÓM PV GIÁO DỤC

Chia sẻ bài viết