24/09/2014 - 15:18

DỰ ÁN CHẾ TẠO PHƯƠNG TIỆN THỦY CHUYÊN DỤNG XỬ LÝ CỎ DẠI, LỤC BÌNH TRÊN SÔNG, KÊNH RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Nhiều lợi ích thiết thực...

Hiện nay, hầu hết các tuyến kênh rạch và sông nội đồng của tỉnh Tiền Giang đều bị lục bình che phủ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Để giải quyết tình trạng này, Trường Đại học Tiền Giang đã chủ trì thực hiện Dự án chế tạo phương tiện thủy chuyên dụng xử lý cỏ dại, lục bình trên sông, kênh rạch. Theo chủ nhiệm dự án, tiến độ dự án đến nay đã đạt trên 90%, khi hoàn thành đưa vào vận hành sẽ sớm khắc phục tình trạng nêu trên.

Ông Lương Văn Trong, ở ấp 5A, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, cho biết: Lục bình ở đây đầy nghẹt mặt sông, ruộng lúa của gia đình chỉ cách nhà 500 m, vậy mà mỗi lần đi thăm ruộng phải mất rất nhiều thời gian. Cứ mỗi lần xuống xuồng chạy máy đi thăm ruộng là vướng phải lục bình, phải tốn xăng gấp đôi so với trước đây. Không những vậy, hơn 1 năm nay lục bình tấp lại nhiều vô số, không thể lưu thông được. Bọc ni-lông, xác động vật chết dưới sông không trôi đi được gây ô nhiễm nguồn nước…".

Vấn đề xử lý lục bình và cỏ dại trên sông, kênh rạch đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tại tỉnh Tiền Giang, với hơn 1.000 km đường sông, kênh rạch đang bị lục bình và cỏ dại che phủ, sự phát triển rất nhanh của lục bình cản trở dòng nước lưu thông làm cho tốc độ dòng chảy giảm mạnh. Không những vậy, lục bình còn gây tắc nghẽn các miệng cống, làm lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đầu nguồn dư nước tưới trong khi cuối nguồn thiếu nước tưới. Sau khi chiếm giữ mặt nước, lục bình bắt đầu gây ô nhiễm nguồn nước do quá trình chết đi của lá và thân lục bình. Điều này ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho nuôi trồng thủy sản. Do đó, việc xử lý lục bình và cỏ dại đang đòi hỏi phải được sự giúp sức của các phương tiện cơ giới nhằm nâng cao hiệu quả xử lý.

Phương tiện thủy chuyên dùng xử lý lục bình trên sông, kênh, rạch của Dự án dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2014.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang, Chủ nhiệm Dự án chế tạo phương tiện thủy chuyên dụng xử lý cỏ dại, lục bình trên sông, kênh rạch tỉnh Tiền Giang (gọi tắt Dự án), cho biết: Nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến tình trạng lục bình dày đặc trên sông và đã có tạo ra nhiều phương tiện xử lý lục bình hiệu quả, điển hình như ở Mỹ và Hà Lan. Tuy nhiên, giá thành của các phương tiện này rất cao so với điều kiện kinh tế còn khó khăn của nước ta. Mặt khác, do địa hình nhỏ hẹp, sự cộng sinh của lục bình và cỏ dại bản địa cũng là một trở ngại lớn trong việc xem xét tính khả thi của việc ứng dụng và hiệu quả hoạt động của phương tiện ngoại nhập. Gần đây, tại Việt Nam, phương tiện xử lý lục bình đã được các nhà khoa học nghiên cứu và cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, các phương tiện này có kích thước tổng thể khá lớn (dài 12m rộng 4,2m cao 2,8m) chủ yếu hoạt động trong không gian rộng rãi, ít hoặc không có chướng ngại vật và đều không có khả năng di chuyển đường dài, làm cho chi phí vận hành tăng cao. Với địa hình Tiền Giang đa phần là sông, kênh có chiều ngang tương đối nhỏ hẹp, đặc biệt là có nhiều cầu dân sinh bắc ngang, đòi hỏi phương tiện chuyên dụng phải có tính cơ động cao trong di chuyển, và có kích thước nhỏ gọn. Ngoài ra, nhằm tăng hiệu suất xử lý lục bình, khả năng chứa lục bình, cỏ dại của phương tiện chuyên dụng phải được nâng cao…

"Qua nghiên cứu chúng tôi đã chọn được công nghệ chế tạo phù hợp. Sản phẩm của Dự án chế tạo phương tiện thủy chuyên dụng xử lý cỏ dại, lục bình trên sông, kênh rạch sẽ khắc phục được các nhược điểm này. Cụ thể, trên phương tiện được trang bị một thiết bị xay và nén lục bình, cỏ dại. Trong dự án này, phương tiện thủy chuyên dụng sẽ được trang bị khả năng tự vận hành trong di chuyển đường dài bằng hệ thống chân vịt. Các thiết bị trên phương tiện chuyên dụng được sắp xếp một cách khoa học nhằm giúp phương tiện có chiều cao thấp: 10m x 3m x 1,6m. Do đó phương tiện chuyên dụng sẽ có khả năng di chuyển một cách dễ dàng trên các sông, kênh rạch, đặc biệt khi di chuyển qua các cầu dân sinh nhỏ hẹp đáp ứng nhu cầu thị trường không chỉ ở địa bàn tỉnh Tiền Giang mà còn các tỉnh lân cận. Không những vậy, phương tiện thủy chuyên dụng của dự án được sản xuất bằng nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương hoặc được chế tạo tại chỗ. Các thiết bị như động cơ, bơm thủy lực, xylanh thủy lực… là các loại được bán rộng rãi trên thị trường nhằm tạo sự dễ dàng trong việc duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị. Đối với các thiết bị được chế tạo sẽ có các thông số kỹ thuật đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Vì vậy giá thành của phương tiện cạnh tranh tốt với phương tiện ngoại nhập. Ngoài ra, phương tiện chuyên dụng này có tính cơ động cao và có khả năng tự vận hành, không cần phương tiện cơ giới hỗ trợ trong di chuyển đường dài, nên tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển trong khai thác và sử dụng thiết bị. Từ đó tính kinh tế của phương tiện được nâng cao"- Tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng phân tích.

Tổng kinh phí triển khai Dự án trên 2 tỉ đồng (trong đó 50% vốn ngân sách lấy từ ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh và 50% là vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang). Mục tiêu của dự án là chế tạo một phương tiện chuyên dụng xử lý lục bình, cỏ dại nhằm nâng cao khả năng dự trữ và cung cấp nước cho hệ thống tưới tiêu trong ngành thủy lợi, tăng khí O2 cho nguồn nước; kích thước nhỏ gọn, phù hợp với đặc điểm địa lý kênh rạch của tỉnh Tiền Giang. Hoạt động có hiệu quả bền vững trên môi trường sông, kênh rạch. Hiệu suất xử lý lục bình và cỏ dại cao hơn các loại phương tiện hiện có trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng vui mừng chia sẻ: "Qua gần 2 năm triển khai, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, chúng tôi chạy thử nghiệm máy vận hành rất tốt, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2014. Sau khi hoàn thành sản phẩm của dự án sẽ được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và sẽ tiếp tục sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ nhằm giải quyết tình trạng của lục bình dày đặc không chỉ của Tiền Giang mà nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL".

Hy vọng rằng, với dự án này, không lâu nữa tình trạng lục bình dày đặc sẽ được giải quyết, sớm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, còn cải thiện rất nhiều cho giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho người dân vận chuyển nông sản bằng đường thủy dễ dàng hơn...

Bài, ảnh: Tùng Thư

Chia sẻ bài viết