Thời gian qua, nhiều trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những trường hợp này, khi đời sống hôn nhân không suôn sẻ, dẫn đến chia tay, sẽ phát sinh nhiều rắc rối, nhất là trong việc tranh chấp tài sản mà cả hai đã tạo lập được trong quá trình chung sống.

Phần đất mà vợ chồng bà D. tạo lập trong quá trình sống chung; đến giờ hai người chia tay, tài sản chưa biết phân chia ra sao.
4 năm trước, bà T.T.D. (ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) và ông K. quyết định về chung sống nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Gần đây, cả hai phát sinh mâu thuẫn trầm trọng, dẫn đến phải chia tay. Bà D. thắc mắc: “Trong thời gian chung sống, chúng tôi có tạo lập được một số tài sản. Giờ đường ai nấy đi thì số tài sản này sẽ được phân chia như thế nào? Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôi đã đeo đuổi theo vụ kiện, nhưng chưa biết hồi kết rồi sẽ ra sao?”.
Theo bà Võ Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Đây là cơ sở pháp lý rõ ràng, chứng minh mối quan hệ vợ chồng của nam và nữ. Theo đó, quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận và các vấn đề liên quan giữa vợ chồng được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình; trong đó, có việc phân chia tài sản của vợ chồng, khi hai người ly hôn. Ngược lại, những cặp nam nữ dù sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, sẽ không được pháp luật công nhận và việc phân chia tài sản hay xác định tài sản chung, tài sản riêng sẽ không được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình.
Hiện nay, những trường hợp như vợ chồng bà D. không hiếm. Đến khi cuộc sống vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, họ mới thấm thía và tự trách mình đã không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Theo quy định pháp luật, trường hợp nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì các tài sản được hình thành trong khoảng thời gian hai người sống chung có thể được xem là tài sản thuộc sở hữu chung. Nếu chia tay, việc phân chia tài sản chung có thể được giải quyết theo thỏa thuận của hai bên. Vì quan hệ vợ chồng không được công nhận, do không đăng ký kết hôn, cho nên mối quan hệ này chỉ được coi là sự kiện nam nữ sống chung với nhau. Trường hợp nam, nữ không còn muốn sống chung với nhau thì không cần phải thực hiện thủ tục ly hôn. Và nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản, thì sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chia tài sản thuộc sở hữu chung. Theo đó, mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia, có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác…
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG