21/11/2022 - 12:51

Nhiều giải pháp thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới 

Bài, ảnh: X.ĐÀO

Các cấp, ngành trên địa bàn TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Cần Thơ quyết tâm thực hiện tốt Tháng BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Cần Thơ quyết tâm thực hiện tốt Tháng BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. 

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP Cần Thơ, trong năm 2021, toàn thành phố xảy ra 4 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ); trong đó 2 vụ bạo lực tinh thần, 2 vụ bạo lực thân thể. Cả 4 vụ bạo lực đều được ngành chức năng xử lý bằng các hình thức: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư và xử phạt vi phạm hành chính. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố, số liệu thống kê này chỉ là những vụ BLGĐ mà ngành theo dõi, cập nhật được. Trên thực tế, có thể còn cao hơn. Đây là khó khăn, thử thách, buộc phải có những giải pháp thích hợp để giảm dần các vụ BLGĐ. Ngành VH-TT&DL sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình. Thực hiện lồng ghép công tác gia đình trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của sở, ban, ngành, đơn vị; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ.

Những năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về BĐG, giúp người dân nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, cách ứng xử, thay đổi tập tục được xem là không còn phù hợp... Tuy nhiên, để thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hành vi là cả một quá trình. Vì vậy, công tác truyền thông về xây dựng văn hóa tôn trọng, bình đẳng đối với tất cả các giới, trong mọi hoàn cảnh bao gồm tại nhà, nơi làm việc, tại trường học và trên môi trường trực tuyến, cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ là xây dựng các luật, chính sách về vấn đề giới một cách toàn diện; xây dựng các chương trình xã hội mang tính dài hạn, chống các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực giới đối với các nhóm khác nhau...  

Theo bà Nguyễn Thị Thu Lam, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em cho các thành viên gia đình, người làm công tác BĐG; hỗ trợ nâng cao quyền năng cho phụ nữ, giúp phụ nữ cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người trên không gian mạng; tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, tổ chức cuộc thi online tìm hiểu kiến thức pháp luật về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Phối hợp chính quyền địa phương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc trẻ em, vận động sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội để ngăn chặn hiệu quả những nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.  

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố, đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác BĐG; trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, nhất là các chính sách cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐG nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện BĐG thực chất, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ các trường hợp phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn, có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại...

 

Chia sẻ bài viết