21/09/2017 - 21:17

Nông nghiệp TP Cần Thơ

Nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất 

Tập trung rà soát, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cụ thể đối với lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra; triển khai kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, lúa thu đông khi nước lũ về; xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2017-2018 đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt hiệu quả cao... là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ ngành nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2017.

Trạm bơm tại huyện Vĩnh Thạnh sẵn sàng cho công tác ứng cứu khi nước lũ về. 

Đẩy nhanh hiệu quả sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, những tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp thành phố gặp nhiều khó khăn như: thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa chủ động trong khâu tiêu thụ; nông sản địa phương đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt với thị trường trong và ngoài nước; đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế; kinh phí thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao... Từ đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp giảm.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Từ những khó khăn trên, Sở NN&PTNT chỉ đạo toàn ngành tập trung hỗ trợ, phát triển nông nghiệp và phòng chống dịch hại trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cung cầu hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trong 8 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực”.

8 tháng qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đạt thành tích khả quan. Trong đó, diện tích sản xuất lúa 3 vụ (đông xuân, hè thu, thu đông) là 240.125ha (vượt 11% so với kế hoạch), với tổng sản lượng đã thu hoạch trên 1,07 triệu tấn (thu hoạch với diện tích 179.032/240.125ha). Ngoài 2 vụ lúa đã thu hoạch, thành phố xuống giống 73.617ha vụ lúa thu đông, trong đó có trên 11.500ha đã thu hoạch với năng suất gần 5 tấn/ha. Diện tích còn lại được chăm sóc tốt, đảm bảo an toàn khi nước lũ về. Sản xuất rau màu trên 11.711ha, tăng 6,08% so với kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản cũng được tăng lên, với tổng diện tích thả nuôi đến đầu tháng 9-2017 là 11.083ha, vượt 5,55% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 643ha, đạt trên 83% theo kế hoạch (có 427ha đã được thu hoạch với sản lượng gần 124.000 tấn, đạt gần 77% kế hoạch)... Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết thêm: “Trong 8 tháng qua, các hoạt động tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được triển khai đồng bộ. Trong đó, ngành tích cực phối hợp các viện, trường nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật và hợp tác sản xuất, tạo giống cây trồng chất lượng cao, cung ứng cho nông dân sản xuất. Từ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên trong quý III này, góp phần khắc phục những hạn chế trong các tháng đầu năm”.

Nỗ lực cho những tháng cuối năm

 Hiện nay, thành phố còn khoảng 62.000ha lúa thu đông chưa thu hoạch, đang trong giai đoạn làm đòng và chắc hạt và khoảng 30 ngày tuổi (trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh). Diện tích này có khả năng bị ảnh hưởng khi nước lũ về. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện Vĩnh Thạnh sản xuất vụ lúa thu đông trên 18.400ha trong hệ thống đê bao, trong đó có trên 20% diện tích đã được thu hoạch. Để chủ động ứng phó khi lũ về sớm, tránh tình trạng ngập úng, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các trạm bơm tát bằng điện nhằm ứng cứu nếu nước lũ gây ngập úng lúa. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với bà con nông dân chủ động kiểm tra, gia cố, khắc phục những điểm bờ bao xung yếu, đảm bảo an toàn cho lúa thu đông...”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, những tháng cuối năm 2017, ngoài công tác bảo vệ, chăm sóc lúa thu đông, ngành nông nghiệp thành phố còn tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, thủy sản, gia súc, gia cầm... nhằm góp phần tăng năng suất, hoàn thành chỉ tiêu phát triển nông nghiệp đã đề ra. Đặc biệt, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề được ngành quan tâm thực hiện. Trong đó tái cơ cấu phải bám sát chủ yếu vào tín hiệu và tình hình thị trường, tình hình thực tiễn sản xuất cũng như phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu... Hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố phối hợp cùng các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch sản xuất lúa sạch, với diện tích trên 10.000ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, nhằm cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất lúa giống cung ứng cho thành phố và vùng ĐBSCL, như: lai tạo giống, tuyển chọn, phục tráng giống lúa chất lượng cao, đặc sản, phù hợp điều kiện sản xuất trong thời kỳ biến đổi khí hậu; xây dựng vùng sản xuất giống áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa vào sản xuất, tạo sản phẩm là giống chất lượng cao cung cấp cho thành phố và cả khu vực ĐBSCL; chuyển giao mô hình sản xuất kết hợp lúa và một số cây con có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, khắc phục điểm yếu sản xuất manh mún, phân tán, sản phẩm của nông dân làm ra không đồng đều, khó tiêu thụ...

Với những giải pháp này, những tháng cuối năm 2017, hy vọng rằng ngành nông nghiệp TP Cần Thơ không những bảo vệ an toàn sản xuất mà còn hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, chất lượng cao trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết