10/08/2012 - 21:02

Nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp

Qua 7 tháng đầu năm 2012, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) để vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các DN vẫn chưa thể hồi phục “sức khỏe” nhanh chóng; những khó khăn về “đầu vào- đầu ra”, tiếp cận vốn, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa thể giải quyết tức thời. Vì vậy, ngoài những nỗ lực tự thân, các DN đang cần những hỗ trợ thiết thực, cụ thể từ phía địa phương…

DN loay hoay vượt khó...

Đoàn công tác thành phố đến tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp. 

Kinh doanh trong ngành may mặc, thời gian qua, Công ty Cổ phần May Tây Đô vấp phải không ít khó khăn khi nguyên phụ liệu, chi phí đầu vào, điện, xăng dầu thay phiên tăng giá. Việc điều chỉnh lương trong DN tăng 47% từ đầu quý IV/2011 đã tạo sức ép lớn cho công ty về chi phí bù lương cho lao động mới, lao động học việc, tay nghề chưa cao. Một khó khăn khác là nguồn lao động trong ngành dệt may luôn biến động, DN đối mặt với tình trạng thiếu lao động lành nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2012 tổng doanh thu của công ty là 50,420 tỉ đồng, đạt 47,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 2,5 tỉ đồng, chỉ đạt 31,3% kế hoạch năm và bằng 48,6% so với cùng kỳ 2011. Theo ông Phạm Đắc Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô trong khó khăn, DN đã tập trung nâng cao hiệu quả quản trị điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện công nghệ Lean của Nhật Bản nhằm tìm cách loại bỏ lãng phí để tăng năng suất lao động, thực hiện sắp xếp lại mặt bằng sản xuất theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Từ tháng 7, giá điện điều chỉnh tăng 5% so với trước khiến chi phí sản xuất cũng đội lên. DN rất mong Sở Công thương TP Cần Thơ, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố hỗ trợ cho DN về các giải pháp tiết kiệm năng lượng để làm tăng hiệu suất sử dụng điện, giảm các chi phí nhiên liệu đầu vào.

Ông Nguyễn Văn Ngày, Phó Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH sản xuất - xuất khẩu Giầy Tây Đô, KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ, hiện nay do các khách hàng nước ngoài chậm trả nợ đã dẫn đến tình trạng dòng vốn cho sản xuất đang bị “ách tắc”. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm tại thị trường chính là Mỹ và Tây Ban Nha đang gặp khó khăn. Trước mắt, công ty tạm dừng sản xuất để chờ đến lúc thị trường tiêu thụ khôi phục trở lại. Công ty ký hợp đồng với một đơn vị trong ngành sản xuất giày da ở thành phố Hồ Chí Minh cho thuê lại 1 dây chuyền sản xuất giày da để trang trải các chi phí quản trị. Phần lớn công nhân của công ty được đơn vị thuê nhà xưởng này nhận vào làm việc nên không phải rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. DN không thể trông chờ vào sự hỗ trợ mà để vực dậy hoạt động sản xuất, DN phải chủ động sắp xếp, quản trị lại bộ máy hoạt động, tăng năng suất, hiệu quả lao động. Song song đó, bất cứ hoàn cảnh nào DN cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiến độ giao hàng cho khách để tăng uy tín giữ chân khách hàng truyền thống và luôn tìm kiếm khách hàng mới. Bởi các chính sách hỗ trợ, giải cứu DN của Chính phủ, ngân hàng và các bộ, ngành Trung ương đều có độ trễ nhất định, không thể giải quyết rốt ráo khó khăn của DN ngay tức thời mà phải có thời gian.

Chia sẻ cùng DN

Xác định phải đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, thời gian qua lãnh đạo TP Cần Thơ cùng các ngành chức năng đã họp bàn nhiều biện pháp gỡ khó cho DN. Những động thái tích cực của thành phố đã phần nào tăng thêm niềm tin cho DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch TP Cần Thơ, thực hiện chương trình hỗ trợ DN theo chỉ đạo của UBND thành phố, cuối tháng 8-2012, trung tâm sẽ kết hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ. Trong khuôn khổ hoạt động của diễn đàn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch thành phố sẽ tổ chức đoàn khách là DN nước ngoài; đồng thời cũng là người mua hàng đến khảo sát trực tiếp cơ sở sản xuất của các DN xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của thành phố như gạo, may mặc để giới thiệu dây chuyền sản xuất, sản phẩm của DN TP Cần Thơ và giúp DN tìm kiếm thêm khách hàng mới. Ngoài ra, Trung tâm cũng xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn công tác với sự tham gia của các sở, ngành hữu quan và DN đến thăm, làm việc với Tổng Lãnh sự một số nước đặt tại TP Hồ Chí Minh như Mỹ, Canada, Australia, Đức, Hà Lan, Anh, Nga, Kuwait,... Hoạt động này nhằm trực tiếp giúp DN tìm kênh kết nối để xuất khẩu sản phẩm.

Trong các tháng đầu năm 2012, TP Cần Thơ đã triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, như: Tổ chức các hội thảo tư vấn cho DN xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, tìm các giải pháp mở rộng thị trường, xử lý hàng tồn kho, đảm bảo quay vòng vốn thông suốt tập trung vào sản xuất... Bên cạnh đó thành phố chủ trì tổ chức các cuộc đối thoại giữa ngân hàng với DN để tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho DN. Lãnh đạo thành phố đã giao Sở Công thương chịu trách nhiệm nắm bắt, cập nhật thông tin từ các DN thuộc lĩnh vực xuất khẩu, tập trung ở các ngành chế biến gạo, thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ... để báo cáo về UBND thành phố nhằm nắm sát tình hình để có những biện pháp hỗ trợ cụ thể cho DN.

Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Trung tuần tháng 8, thành phố sẽ kết hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị gắn kết ngân hàng với DN nhằm giải quyết các vấn đề liên quan việc tiếp cận vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thành phố đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các thông tin liên quan đến vấn đề này để hội nghị đạt kết quả thiết thực. Ngoài ra, hàng tháng UBND thành phố sẽ tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP (ngày 10-5-2012) của Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo và có giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho DN tùy vào tình hình thực tế nhằm giúp DN vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết