18/06/2014 - 22:07

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

Nhiều “điểm sáng” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); phát triển lành mạnh thị trường bất động sản

* Thông qua Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng (sửa đổi)

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 18-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công; thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Với 88,35% số đại biểu tán thành, sáng 18-6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đầu tư công. Luật quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Theo Luật này, các lĩnh vực đầu tư công gồm các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trong nước và ở nước ngoài; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; đầu tư bằng vốn đầu tư công trong phần Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư.

Tiếp theo chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững; khắc phục những tồn tại vướng mắc không phù hợp với thực tiễn của Luật hiện hành, đồng thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và Nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững.

Song, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cho phù hợp hơn, kịp thời điều chỉnh những vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng của cơ chế bao cấp trong lĩnh vực nhà ở và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Nhận định trong 10 nhóm nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vấn đề bất cập, tồn tại của Luật Nhà ở hiện hành, những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội trong dự thảo Luật được nhiều chuyên gia đánh giá là “điểm sáng”, đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng Luật dành một chương riêng với những nội dung quy định khá cụ thể đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đã tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi với những quy định chặt chẽ, chính sách minh bạch, hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi, tham nhũng đối với thị trường nhà ở và bất động sản.

Còn theo đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng), mục tiêu phát triển nhà ở xã hội tại dự án Luật Nhà ở lần này cho thấy chính sách đúng đắn của Nhà nước trong việc quan tâm đến nhóm người yếu thế trong xã hội, mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở. Song, đại biểu khẳng định, nhiều vấn đề nếu quy định như dự án Luật, sẽ rất khó áp dụng vào thực tế. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo lược bỏ những quy định mang tính hình thức, cào bằng, chung chung; nhấn mạnh hơn trách nhiệm, vai trò của nhà nước cũng như trách nhiệm của các nhà đầu tư thương mại trong đầu tư nhà ở xã hội; đồng thời đề ra cơ chế áp dụng nghiêm túc, nếu không nhà ở xã hội sẽ chỉ là một chế định cho các nhà đầu tư và các đối tượng trung gian tìm kiếm ưu đãi trong khi người thực sự có nhu cầu lại không có cơ hội.

Tán thành với chủ trương mở rộng, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở, song các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị cần làm rõ tác động của việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở, nhất là đối với người nước ngoài đến quyền có nơi ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong nước.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 49, Điều 61 và toàn văn Luật xây dựng (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong buổi thảo luận, đã có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu.

Qua thảo luận, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các ý kiến cho rằng qua sửa đổi luật, phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng, để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản; qua đó tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế, trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.

Hôm nay, ngày 19-6-2014, Quốc hội làm việc tại Hội trường.

Chia sẻ bài viết