23/04/2012 - 20:43

DU HỌC Ở ĐỨC

Nhiều cơ hội dành cho ứng viên Việt Nam

Với chính sách giáo dục ưu việt, môi trường học tập luôn khuyến khích khả năng học tập, nghiên cứu, nước Đức đã trở thành nơi lý tưởng cho học sinh sinh viên nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng mơ ước đến du học. Trong chương trình giới thiệu học bổng của Đức tại Trường Đại học Cần Thơ, thạc sĩ Trần Thế Bình, cán bộ tư vấn Trung tâm thông tin DAAD (Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức) tại TP Hồ Chí Minh đánh giá về cơ hội, năng lực cạnh tranh để đạt được học bổng của ứng viên ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Hằng năm, có khoảng 500 suất học bổng ngắn hạn, dài hạn của DAAD dành cho ứng viên Việt Nam thông qua các chương trình học bổng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dành cho các nước đang phát triển. Các bậc học dành cho ứng viên Việt Nam là thạc sĩ, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ, nhằm đào tạo nâng cao lượng lãnh đạo kế cận có khả năng điều hành tốt về chính trị, pháp luật, kinh tế, quản lý cũng như định hướng mang tính thực tiễn cho người học sau khi về công tác ở quê hương. Riêng học bổng dành cho bậc học thạc sĩ, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ, ứng viên Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam khi đạt được học bổng. Điều kiện ngoại ngữ dành cho ứng viên ở các bậc học có TOEFL (550 điểm trở lên) hay IELTS (6.0 điểm trở lên), hoặc văn bằng tiếng Đức theo quy định của chương trình học bổng. Học viên nhận được học bổng sẽ được hỗ trợ tài chính học tiếng Đức, sinh hoạt phí, học phí các khóa học trong quá trình học tập ở Đức.

Theo Thạc sĩ Trần Thế Bình, thời gian qua, có không ít ứng viên của Việt Nam đạt được những học bổng qua các chương trình học bổng của Đức. Tuy nhiên, những ứng viên tại các tỉnh, thành ĐBSCL tham gia chương trình học bổng này còn nhiều hạn chế trong quá trình thể hiện năng lực để đạt được học bổng. Vấn đề đầu tiên trong việc cạnh tranh đạt được học bổng tại Đức là các ứng viên thuộc khu vực ĐBSCL thiếu tự tin để đăng ký nộp hồ sơ xin học bổng. Ngay cả trong quá trình nhận đơn, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ ứng viên của ĐBSCL cũng thấp hơn so với các khu vực khác trên cả nước. Số lượng ứng viên đạt được các chương trình học bổng cũng chỉ chiếm 1/2, trong khi những ứng viên ở các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc lại chiếm 2/3. Phần lớn ứng viên chưa đủ tự tin, mạnh dạn tham gia các chương trình học bổng này. Đây là bước đầu tiên thể hiện khả năng cạnh tranh của ứng viên và cũng là yếu tố chủ quan có ý nghĩa để ứng viên tìm cơ hội đạt được học bổng.

Thạc sĩ Trần Thế Bình cho biết thêm, trong các đợt phỏng vấn, tuyển chọn hồ sơ ứng viên của Việt Nam, có rất nhiều ứng viên thật sự xuất sắc trên lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm công tác, có đề tài nghiên cứu đáp ứng với thực tiễn ngành, nghề phát triển của đất nước. Tuy nhiên, có nhiều ứng viên ở khu vực ĐBSCL vướng phải trình độ ngoại ngữ. Nhiều ứng viên sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp khá tốt, nhưng khi thể hiện khả năng, kinh nghiệm, chuyên môn hoặc để học tập, nghiên cứu ở nước ngoài thì chưa đáp ứng. Từ yếu tố này, trong quá trình thực hiện hồ sơ hoặc phỏng vấn, ứng viên không diễn đạt được khả năng, kỹ năng của bản thân để hội đồng tuyển chọn thấy được tiềm năng của ứng viên. Thêm vào đó, các chương trình học bổng tại Đức cũng có điều kiện ứng viên có thể có trình độ tiếng Anh, hoặc tiếng Đức theo quy định của chương trình học bổng, tuy nhiên, việc giảng dạy cùng nhu cầu học tiếng Đức tại khu vực ĐBSCL còn hạn chế.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác tư vấn, giới thiệu các chương trình học bổng tại Đức, Thạc sĩ Trần Thế Bình nhận định, để nâng cao khả năng cạnh tranh đạt học bổng của ứng viên tại khu vực ĐBSCL, ứng viên cần chủ động tiếp cận thông tin cũng như có nâng cao trình độ ngoại ngữ. Mặt khác, các trường, đơn vị cần có những chương trình hợp tác quốc tế về các lĩnh vực để ứng viên có thể tiếp cận được thông tin về các ngành nghề, chuyên môn của mình ở tầm quốc tế. Bên cạnh đó, tại thư viện trường cần có những tạp chí, sách chuyên ngành bằng tiếng Anh, khuyến khích để sinh viên có thể tham khảo, tìm hiểu. Bản thân các sinh viên, những ứng viên cũng cần phải cập nhật thông tin để có thể hiểu và biết rõ các quy trình, điều kiện để nộp đơn xin học bổng tại Đức qua các chương trình học bổng của DAAD, cũng như những học bổng khác của nước ngoài dành cho ứng viên Việt Nam. Vì đạt được học bổng không chỉ là cơ hội để ứng viên nâng cao khả năng chuyên môn, lĩnh vực nghiên cứu của bản thân, còn đóng góp vào nguồn nhân lực phát triển cho đất nước. Ứng viên Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng hiểu hơn về môi trường học tập, học bổng ở Đức, có thể truy cập vào website: www.daadvn.org .

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết