27/08/2012 - 20:51

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục

Nhiều chuyển biến, nhưng cũng lắm trăn trở

Giờ học của thầy trò Trường Tiểu học
Trung Thạnh 2 (huyện Cờ Đỏ).

Năm học 2011-2012 - với nhiều khó khăn, thử thách nhưng ngành giáo dục TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực để vượt qua, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, chất lượng giáo dục ở các bậc học tăng đáng kể; trong đó tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt trên 99,6%. Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2012-2013, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, ghi nhận công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của thành phố vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế...

* Đổi mới tư duy dạy và học

Có thể nói, năm học qua, ngành giáo dục thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục được mở rộng, toàn ngành đã xây mới 124 phòng học, 9 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia các bậc học là 74/407 trường. Toàn ngành có 14.060 thầy cô giáo (trong đó giáo viên mầm non đạt chuẩn trên 90%; giáo viên phổ thông đạt chuẩn trên 97%). Không chỉ thế, ngành giáo dục thành phố đã kịp thời xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đơn cử như, việc thực hiện đại trà chương trình giáo dục mầm non mới, chú trọng dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và đổi mới phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá ở các cơ sở giáo dục phổ thông; điều chỉnh một số chương trình theo hướng giảm tải...

Theo ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, các cơ sở giáo dục đã vận dụng sáng tạo nội dung các cuộc vận động như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Hai không"... Trong đó cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" tiếp tục được các thầy, cô giáo hưởng ứng tích cực. Các thầy cô đã đăng ký và thực hiện "một đổi mới" về quản lý giáo dục hoặc phương pháp dạy học từng bước được triển khai tích cực và đi vào nề nếp. Nổi bật là phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được các lực lượng xã hội chung tay phối hợp thực hiện giáo dục toàn diện học sinh. Ông Đôn nói: "Ngành giáo dục thành phố đã thực hiện đại trà chương trình giáo dục mầm non mới; chú trọng dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; giảm tải một số chương trình... để nâng cao chất lượng GD-ĐT". Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở các bậc học tăng đáng kể, như: học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,96%; học sinh tốt nghiệp THCS đạt trên 98% và học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,64% (tăng 1,89% so với năm học qua).

Trong số thành tựu năm học qua của ngành giáo dục thành phố đạt được phải kể đến công tác chăm lo "3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở) cho học sinh, góp phần chống lưu ban bỏ học ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của ngành giáo dục thành phố, so với đầu năm học, toàn ngành có 1.981 học sinh phổ thông bỏ học, chiếm 1,14% (giảm 0,12% so với năm qua). Đây là kết quả của sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các cơ quan khác để hạn chế mức thấp nhất tình trạng bỏ học của học sinh. Chẳng hạn như Hội Khuyến học TP Cần Thơ- "người bạn đồng hành" của ngành giáo dục. Ông Hồ Văn Ngộ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ, cho biết: "Chỉ tính riêng tháng 8-2012, Hội khuyến học các cấp đã trao 2.855 suất học bổng, 13.864 phần quà, 149 xe đạp cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học... Tổng trị giá hơn 8,6 tỉ đồng. Từ đó đã tạo ra một động lực mới, góp phần tích cực vào việc hạn chế học sinh nghèo bỏ học trong thời gian qua".

* Trăn trở về cơ sở vật chất...

Thực tế cho thấy, dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, tình trạng học sinh bỏ học tuy giảm nhưng vẫn còn là vấn đề đáng quan ngại. Bên cạnh đó, việc huy động học sinh ra lớp ở một số địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hoặc đã huy động ra lớp nhưng không duy trì được sĩ số, nhất là ở các địa phương vùng ven thành phố. Mặt khác, các điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Quí Đôn nhìn nhận: "Chủ trương chung của ngành phải thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông. Hằng năm, thành phố có từ 70%-80% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học lớp 10, số học sinh còn lại vào học các hệ khác. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế "luồng" chưa thực sự hấp dẫn học sinh, bởi tâm lý của học sinh, phụ huynh đều muốn con em mình tốt nghiệp THCS, sau đó vào học THPT, rồi đại học, chứ ít khi vào các trường nghề”. Giai đoạn 2006-2011, tỷ lệ người dân của TP Cần Thơ có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề và cao đẳng rất thấp (chiếm chưa đến 1%).

Một khía cạnh khác, khiến không ít cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên lo lắng là tình trạng thiếu trường lớp và đội ngũ giáo viên. Nhất là cơ sở vật chất, trường lớp vẫn còn phòng học bán kiên cố; số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (chiếm chưa đến 20% so với tổng số trường trên địa bàn thành phố). Chỉ tính riêng giáo dục mầm non, toàn thành phố có 136 trường (còn thiếu 350 phòng học, 431 phòng chức năng), điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng GD-ĐT, nhất là việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, năm học 2012-2013, quận Ô Môn đưa vào sử dụng một số phòng học mới ở 5 điểm trường mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, các điểm trường này đã xây dựng cách đó vài năm. Năm học qua (2011-2012), toàn quận không có thêm trường đạt chuẩn quốc gia. Ông Dũng nói: "Giáo viên thiếu, ngành có thể khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng cơ sở vật chất thì tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Do vậy, khó khăn nhất của quận vẫn là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp. Toàn quận hiện còn 21 công trình trường học đang chờ vốn để tiến hành thi công công trình".

Trong những mục tiêu mà ngành giáo dục đề ra tại hội nghị trong thời gian tới là tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ trang thiết bị giảng dạy phục vụ năm học mới. Trong đó, toàn ngành tập trung xây dựng và triển khai Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015; đầu tư phát triển trường THPT chuyên và phổ thông dân tộc nội trú, nhất là mở rộng mạng lưới trường, lớp theo hướng đầu tư tập trung, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô các bậc học. Phấn đấu đến năm 2015, thành phố có thêm 15 trường đạt chuẩn quốc gia như mục tiêu mà Nghị quyết HĐND thành phố đề ra. Thế nhưng, theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, chỉ tiêu này khó có thể đạt được nếu như không có sự đầu tư đột phá từ phía Trung ương, địa phương. Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Để năm học mới đạt kết quả cao hơn, toàn ngành cần tập trung triển khai có hiệu quả chương trình, mục tiêu GD-ĐT, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Lãnh đạo thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực, nhất là nguồn đầu tư từ xổ số kiến thiết để đầu tư cho giáo dục. Song, quan trọng vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các đơn vị hữu quan nhằm huy động toàn lực chăm lo cho GD-ĐT".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết