16/11/2010 - 20:55

BÁN ĐẢO CÀ MAU

Nhiều cánh đồng tôm, lúa chìm trong nước

Năm nay ĐBSCL lũ muộn, đến nửa tháng 11, lũ mới về. Vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM) liên tiếp đón nhận nhiều đợt triều cường, nước biển dâng cao, cộng với mưa lớn làm những cánh đồng lúa, tôm trắng xóa nước. Nhiều nông dân gặp khó khăn, vì nước trắng đồng khiến họ phải... trắng tay.

Triều cường dâng cao, cộng với đợt mưa lớn đã nhấn chìm hàng loạt đầm tôm, ao cá của người dân vùng BĐCM trong biển nước mênh mông. Dù người dân đã liên tiếp bồi trúc, nâng cao bờ bao vuông tôm của mình cũng không tránh khỏi thiệt hại do độ pH, độ mặn giảm đột ngột làm cho tôm nuôi đâm đầu vào bờ chết hàng loạt.

Mưa lớn, triều cường làm vỡ đoạn đê dài gần 200m tại cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu. 

Tại Cà Mau, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), trong tháng 10 và nửa tháng 11-2010 có đến 35.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, do trước đó người dân xả bùn sên vét ra sông rạch, gây ô nhiễm và sự thay đổi bất thường của thời tiết, thủy triều dâng cao. Ông Trần Thanh Hùng, huyện Đầm Dơi, thả nuôi 4 ao tôm theo mô hình công nghiệp- bán công nghiệp (CN-BCN) dù thường xuyên xử lý nước, nhưng tôm nuôi vẫn đâm đầu vào bờ chết hàng loạt, than vãn: “Vốn liếng tôi bỏ vào đây trên 300 triệu đồng rồi, bây giờ tôm chết gần hết”. Cà Mau chưa có con số thống kê chính thức diện tích lúa thiệt hại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Long Oai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện trên 3.600ha bị thiệt hại không khắc phục được và hầu hết diện tích sản xuất lúa tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước (khoảng 36.000ha) bị ảnh hưởng.

Còn ở Bạc Liêu, riêng đợt triều cường, mưa lớn đầu tháng 11 đã làm cho 1.400ha tôm nuôi bị thiệt hại gần như 100%, tổng mức thiệt hại ước tính trên 12 tỉ đồng. Ngoài ra, trên 10.000ha nuôi theo mô hình quảng canh, thâm canh nước tràn bờ bao, mức độ thiệt hại cũng trên 20%. Ở vùng nuôi cá lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu (huyện Hồng Dân), nước trắng xóa một màu, lênh đênh như những dòng sông lớn. Anh Phong, người dân ở xã Ninh Quới A, không biết 3 ao cá của mình còn lại bao nhiêu khi nước từ ao thông ra sông rạch. Còn ông Nguyễn Thành Tín, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, đang cố gắng be bờ tát nước cứu 3ha lúa của mình trong vô vọng. Bởi mực nước dưới sông đã cao hơn trên đồng, những bờ ranh nhỏ xíu không thể ngăn dòng nước. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 53.000ha lúa bị ảnh hưởng mưa và triều cường; trong đó, 8.448ha lúa đông xuân không thể cứu vì nằm trong vùng trũng, lại ngập sâu nhiều ngày qua.

Ông Trần Văn Lăng, Phó phòng NN& PTNT huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Thống kê mới nhất của chúng tôi có trên 16.420ha lúa bị ảnh hưởng do mưa và triều cường. Trong đó 3.600ha lúa khó mà khắc phục. Nếu tình hình mưa, triều cường tiếp tục không rút, sẽ có thêm 369ha nữa sẽ tiếp tục chết”. Nhiều nông dân tại huyện Hồng Dân không có thói quen sản xuất vụ hè thu, họ xem vụ sản xuất này là chính vụ trong năm. Theo nhiều người dân, mưa và triều cường năm nay lên cao so với nhiều năm trước đây nên họ không chủ động ứng phó kịp thời với thời tiết.

Tại vùng trồng hoa màu lớn nhất tỉnh, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu mưa và nước tràn bờ gần như nhấn chìm hoàn toàn 160ha tại nơi đây. Người dân đang nỗ lực cứu lúa, hoa màu và đầm tôm với hy vọng “còn nước còn tát”. Trước diễn biến xấu của thời tiết, Sở NN& PTNT tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng với các địa phương hướng dẫn bà con xây dựng quy trình bảo vệ lúa, hoa màu khi nước rút. Huyện Hồng Dân đã thành lập tổ bơm tát bước đầu đạt được hiệu quả thiết thực. Sau khi thống kê mức độ thiệt hại do tình hình mưa lớn và triều cường kéo dài, UBND tỉnh Bạc Liêu chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ cùng với bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho Bạc Liêu trên 26 tỉ đồng để kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Con số thống kê thiệt hại của người dân trên địa bàn tỉnh đã trên 50 tỉ đồng. Đó là chưa kể gần 6.000 căn nhà bị ngập nước, hàng chục km đường bị ngập sâu trong nước. Hiện tại để giảm bớt lượng nước trên đồng, chúng tôi cho mở tất cả các cống dọc theo QL1A để xả nước ra ngoài. Tuy nhiên, do mưa nhiều, nước từ sông rạch ở tỉnh Sóc Trăng đổ xuống nên việc tiêu úng chậm và gặp rất nhiều khó khăn”...

UBND tỉnh Cà Mau liên tiếp phát hành văn bản đề nghị Sở NN& PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn bà con nông dân kịp thời bồi trúc đê bao, bảo vệ mùa vụ.

Bài, ảnh: HOÀNG HUY

Chia sẻ bài viết