10/12/2008 - 19:53

Nhiều bệnh viện đang cần máu cứu người

Nhân viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential tham gia hiến máu.
Ảnh: P.YẾN

Những ngày lễ, Tết Nguyên đán, Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực (TT HH-TM KV) Cần Thơ phải dự trữ ít nhất từ 1.000 đơn vị máu cung cấp cho các bệnh viện cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Nhưng năm nay, đến đầu tháng 12, lượng máu dự trữ tại Trung tâm chỉ còn rất ít. Hiện các bệnh viện đang thiếu hụt máu nghiêm trọng...

• VẮNG BÓNG NGƯỜI ĐI HIẾN MÁU

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy, Phó khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, băn khoăn cho biết: “Hiện nay, trong tủ dự trữ của khoa chỉ còn 120 đơn vị máu. Trong khi nhu cầu mỗi ngày cần khoảng 50 đơn vị máu để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay, chúng tôi đang liên hệ với TT HH-TM KV Cần Thơ để nhận thêm máu, nhưng Trung tâm đang cạn nguồn nên chỉ cung cấp được một lượng máu rất ít”. Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sử dụng trên 8.300 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân, nhưng trong năm 2008 lượng máu sử dụng tăng vọt. Tính đến tháng 9-2008, bệnh viện này đã sử dụng trên 10.500 đơn vị máu. Bác sĩ Thy cho biết thêm: “Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, trong dịp Tết Dương lịch, lễ Noel, Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông và ẩu đả tăng, nên nhu cầu máu sử dụng tăng gấp đôi so với bình thường”.

Nhu cầu sắp tới tăng nhưng nguồn máu đang cạn dần. Bác sĩ Phạm Văn Nghĩa, Phó khoa Đào tạo-tư vấn, TT HH-TM KV Cần Thơ, cho biết: “Trong tháng 11-2008, lượng máu lấy từ người hiến máu sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1.400 đơn vị máu/tháng (trong khi nhu cầu của các bệnh viện từ 2.000-2.500 đơn vị máu/tháng). Trong tuần đầu tháng 12, chúng tôi chỉ thu gom được 50 đơn vị máu. Số lượng các đơn vị đăng ký hiến máu cũng sụt giảm mạnh”.

Vì sao nhu cầu máu sử dụng cho cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện ngày càng tăng? Theo các bác sĩ, trước đây một số bệnh nặng tại các bệnh viện ở TP Cần Thơ chưa điều trị được, phải chuyển lên tuyến trên, nhu cầu máu sử dụng chưa nhiều. Hiện nay, nhiều bệnh viện trong thành phố trang bị hiện đại, tay nghề của các bác sĩ nâng cao, điều trị được nhiều ca bệnh khó. Chẳng hạn như bệnh nhân Tống Thiên Kim, 22 tuổi ở TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, nhập viện ngày 4-9 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bệnh nhân này bị vật sắc nhọn đâm, gây tổn thương đa cơ quan: Tĩnh mạch chủ dưới, gan, túi mật, tá tràng, động mạch và tĩnh mạch nách... Sau 37 ngày điều trị, với 2 lần phẫu thuật, các bác sĩ đã truyền 106 đơn vị máu để cứu sống bệnh nhân. Đây là bệnh nhân truyền máu nhiều nhất từ trước đến nay. Trong năm 2008, còn nhiều bệnh nhân mà lượng máu truyền cứu sống họ lên đến vài chục đơn vị máu/người. Chính vì thế nhu cầu dùng máu cấp cứu, điều trị ngày càng tăng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc TT HH-TM KV Cần Thơ, cho biết: “Lượng máu Trung tâm nhận từ người dân hiến tặng tính đến cuối tháng 11-2008 tăng 27% so với cùng kỳ 2007, nhưng vẫn không đủ máu để cung cấp cho các bệnh viện. Hiện nay, chúng tôi chỉ mới đáp ứng trên 80% nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Như vậy, vẫn còn nhiều bệnh nhân nằm bệnh viện chờ máu”.

Trước đây, đa số các bệnh viện sử dụng máu toàn phần truyền cho bệnh nhân gây lãng phí nguồn máu. Để tiết kiệm nguồn máu, từ giữa năm 2008 đến nay, TT HH-TM KV Cần Thơ trang bị 10 máy ly tâm để tách thành phần máu. Một đơn vị máu tách làm 3 thành phần: Tiểu cầu, hồng cầu và huyết tương. Bệnh nhân có nhu cầu truyền thành phần máu nào, bác sĩ truyền thành phần máu đó, vừa có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân mà một đơn vị máu có thể truyền cứu sống 3 bệnh nhân. Cách làm này giúp tiết kiệm được một lượng lớn máu. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng 100% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

• ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU

Trước thực trạng thiếu máu để phục vụ cho cấp cứu, điều trị, bác sĩ Phạm Văn Nghĩa cho biết: Trung tâm đang tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ đẩy mạnh vận động trong cộng đồng dân cư, gởi thư ngỏ đến khối cơ quan, đoàn thể, trường học kêu gọi mọi người tham gia hiến máu cứu người. Chúng tôi cũng dự kiến phát động ngày hiến máu tình nguyện”.

Ông Tống Xuân Thủy, Thường trực Ban vận động hiến máu nhân đạo TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Chúng tôi vận động các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bàn quận Ninh Kiều tham gia hiến máu. Đến nay đã có hơn 10 đơn vị đăng ký, mỗi đơn vị đăng ký trên 100 đơn vị máu. Trong tháng 12, chúng tôi tổ chức họp Ban vận động hiến máu nhân đạo của thành phố để kiện toàn và củng cố tổ chức của ban này. Dự kiến năm 2009, chỉ tiêu giao cho Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện là 1,2% dân số trên địa bàn tham gia hiến máu (tăng 0,2 % so với năm 2008); chỉ tiêu giao cho các xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể, trường học 20% số cán bộ, công nhân viên tham gia hiến máu nhân đạo (tăng 10% so với năm 2008). Hy vọng với số người hiến máu tăng lên trong năm 2009, số bệnh nhân nằm bệnh viện chờ máu sẽ giảm xuống”.

Các bệnh viện cũng không đứng ngoài đợt cao điểm vận động này, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy, Phó khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Khoa đang tham mưu ban giám đốc bệnh viện vận động người nhà bệnh nhân hiến máu. Trước đây, khi bệnh nhân cần truyền nhóm máu A mà người nhà hiến máu có nhóm máu khác thì bệnh viện không lấy. Nhưng lần này, trước tình hình thiếu máu như hiện nay, nhóm máu người nhà hiến khác với nhóm máu mà bệnh nhân cần truyền, chúng tôi vẫn lấy để tăng lượng máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh.

Hiện nay, nhiều bệnh nhân nằm ở bệnh viện đang rất cần máu để điều trị. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người cho máu. Sau khi hiến máu, một lượng máu mới sẽ được tạo ra thay thế. Vì vậy, tham gia hiếu máu cứu người là điều những người khỏe mạnh, có đủ điều kiện nên làm trong dịp năm mới, Tết đến.

HUỆ HOA

Theo Trung tâm Huyết học-truyền máu khu vực Cần Thơ, Trung tâm chỉ còn khoảng 300 đơn vị máu dự trữ trong tủ. Tất cả các nhóm máu đều thiếu nhưng thiếu nhất là nhóm máu A, chỉ còn hơn 50 đơn vị. Bệnh viện Đa khoa thành phố chỉ còn trên 30 đơn vị máu. Các bệnh viện khác, khi có nhu cầu mới liên hệ Trung tâm nhận máu, không dự trữ tại bệnh viện.

Chia sẻ bài viết