20/08/2019 - 10:01

Nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm MSM
Bài 2: Ngăn chặn HIV bùng phát 

Trước thực trạng báo động về tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, can thiệp... nhằm góp phần giảm lây nhiễm và ngăn chặn dịch HIV bùng phát.

Đưa dịch vụ đến đối tượng đích

Tại các quán cà phê, nhóm S đỏ thường tổ chức sự kiện truyền thông đến nhóm MSM thông qua hình thức như ca hát, múa, tiểu phẩm kết hợp tư vấn, xét nghiệm HIV, cấp phát bao cao su, gel bôi trơn. Khách hàng tham dự và các nhân viên tiếp cận cộng đồng của nhóm (người tư vấn, cung cấp dịch vụ) đều là các MSM. Do “cùng giới”, nên các tiết mục văn nghệ, tư vấn đều đánh trúng tâm lý, thu hút khách hàng tham gia rất đông. Khách hàng có nhu cầu được tư vấn, xét nghiệm HIV bằng lấy máu đầu ngón tay hay kiểm tra bằng dịch miệng. Sau 20 phút là có kết quả. Nếu khách hàng e ngại, có thể được hướng dẫn để tự xét nghiệm tại nhà. Các bạn cung cấp dịch vụ đều được tập huấn về truyền thông, tư vấn xét nghiệm, kỹ năng lấy máu, lấy dịch miệng, đọc kết quả...

Bạn Q. T.H., một khách hàng, kể: "Mình đọc một bài đăng trên Facebook của nhóm S đỏ, bản thân mình thấy có nguy cơ nhiễm HIV nên mới bắt đầu tìm hiểu. Khi đến với nhóm S đỏ, các bạn làm chuyên nghiệp, tư vấn cởi mở như gia đình, dần dần mình dám bộc lộ băn khoăn của bản thân. Mình sợ máu, sợ kim, bạn tư vấn thuyết phục nhiều lần, mình mới dám lấy máu ngón tay, chỉ như kiến cắn. Sau 20 phút có kết quả".

Ngoài kiểm tra HIV, nhóm cung cấp còn tiến hành xét nghiệm "3 trong 1": kiểm tra HIV và giang mai, viêm gan C. Đây là hoạt động nhằm thực hiện mô hình “Tự xét nghiệm và tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng” với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ. Theo bạn Đặng Quốc Phong, Nhóm S đỏ, nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm MSM, mô hình triển khai bắt đầu từ tháng 2-2017 đến nay. Mỗi tháng, nhóm tổ chức 10 cuộc truyền thông tại các quán cà phê.

Để tiếp cận khách hàng, trong nhóm, tùy thế mạnh từng nhân viên mà phân công tiếp cận trên mạng xã hội hay điểm nóng ở cộng đồng. Tiếp cận trên mạng xã hội có ưu điểm là có thể tiếp cận, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ẩn danh. Theo hướng dẫn của WHO, nhóm không quan trọng khách là ai mà  là họ muốn xét nghiệm HIV, họ quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Khi họ tự xét nghiệm có kết quả thì chụp hình kết quả test gởi qua. Từ kết quả này, nhân viên tiếp cận cộng đồng sẽ tư vấn tiếp tục.

Bạn Đặng Quốc Phong cho biết thêm: "Bằng sự quan tâm, chia sẻ, kiến thức, sự chuyên nghiệp..., nhân viên tiếp cận cộng đồng được các bạn MSM tin tưởng, chia sẻ thông tin về suy nghĩ của bản thân. Từ đó, nhóm giúp nhiều bạn biết tình trạng nhiễm, giúp các bạn ổn định trạng thái tâm lý, đăng ký điều trị nhanh chóng, đạt được hiệu quả điều trị và phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng".

Hoạt động tự xét nghiệm được linh động tổ chức ở các quán cà phê trong giờ nghỉ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện WHO tại Việt Nam, các bạn MSM được người trong cộng đồng mình cung cấp dịch vụ thì rất thoải mái, dễ tiếp cận hơn cán bộ y tế. Mô hình xét nghiệm rất linh hoạt, có thể tại quán cà phê, nơi ở của khách hàng vào buổi tối, ngày nghỉ hoặc hướng dẫn cho khách hàng về nhà tự làm. Nếu âm tính, thì tư vấn, cung cấp dịch vụ dự phòng như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm... Nếu kết quả dương tính, thì kết nối xét nghiệm khẳng định và hỗ trợ điều trị. Qua triển khai, xét nghiệm dựa vào cộng đồng có tính linh hoạt, hiệu quả cao trong phát hiện, kết nối điều trị, dự phòng. Một yếu tố nữa làm nên hiệu quả của mô hình là các tiếp cận viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng ở TP Cần Thơ tâm huyết, nhiệt tình.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, các trường đại học, cao đẳng cũng đang thực hiện mô hình xét nghiệm tại cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: Những năm gần đây, thành phố nỗ lực triển khai nhiều hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Theo đó, Trung tâm tăng cường công tác truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV cho nam sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng; phối hợp với Đoàn trường tổ chức truyền thông nhóm lồng ghép tư vấn, xét nghiệm HIV cho sinh viên có hành vi nguy cơ cao. Trung tâm cũng phối hợp với Đoàn trường thành lập mạng lưới tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học, cao đẳng. Qua mỗi năm, đội ngũ này được duy trì, phát triển và mở rộng. Năm 2017, thực hiện tại 6 trường với 21 bạn; năm 2018 với 37 bạn tại 8 trường; năm 2019 với 48 bạn tại 10 điểm trường. Những hoạt động này đã giúp tăng tỷ lệ sinh viên tiếp cận dịch vụ dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, dự phòng, điều trị… hiệu quả.

Cần sự thấu hiểu và chia sẻ

Trong nhóm MSM đa phần nhóm đối tượng đích nằm ở độ tuổi từ 18-25, chủ yếu là học sinh, sinh viên ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Trang mạng xã hội rộng, đa dạng,... nhiều khách hàng sử dụng “nick” (tài khoản) ảo, khi cần hỗ trợ tư vấn tiếp theo thì bị mất dấu; chưa can thiệp được nhiều trong nhóm khách hàng thuộc nhóm "VIP". Mặt khác, ảnh hưởng của kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng, nên một số MSM chưa tiếp nhận chương trình vì sợ bị lộ thông tin.

Thầy Nguyễn Phúc Hảo, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP Cần Thơ, cho rằng: So với những giai đoạn trước, ở thời điểm này, các bạn trẻ có quan hệ tình dục sớm hơn. Nhà trường, gia đình không thể quản lý hay cấm các em. Nhiều người cho rằng nói đến quan hệ tình dục là vẽ đường cho hươu chạy, nhưng thật ra, qua tư vấn, tâm sự với các em, mới thấy rằng “dù không vẽ đường thì hươu vẫn chạy” nên phải làm sao cho hươu chạy đúng đường, đừng sa vào bụi rậm, đó là phải gần gũi, làm bạn và tư vấn cho các em cách bảo vệ mình.

Từ thực trạng trên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ tiến hành thực hiện dự án “Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp phòng, chống HIV/STI trên nhóm MSM tại TP Cần Thơ”. Dự án được thực hiện từ tháng 1-2018 đến tháng 12-2019, mục tiêu nhằm xác định tỷ lệ nhiễm HIV/STI trên nhóm MSM tại TP Cần Thơ; tìm hiểu các hành vi nguy cơ, các yếu tố liên quan đến nhiễm HIV/STI và hiệu quả can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Các hoạt động gồm: phỏng vấn trực tiếp MSM tại cộng đồng về tiếp cận với các chương trình can thiệp như truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, Methadone. Từ đó, định hướng giải pháp và xây dựng mô hình can thiệp phù hợp, hạn chế lây truyền HIV trong nhóm MSM nói riêng và trong cộng đồng nói chung.

Dự án hiện đã kết thúc xong giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu đang tiến hành những hoạt động cuối của giai đoạn nhằm đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai trên nhóm MSM tại TP Cần Thơ. Một trong chuỗi hoạt động của giai đoạn 2 là đã triển khai tiếp cận truyền thông bằng hình thức sử dụng mạng xã hội kết hợp với thảo luận nhóm tại các tụ điểm và giới thiệu chuyển gửi sử dụng dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV/STI cho nhóm MSM. Trang Facebook Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã được thiết lập từ tháng 10-2018 (https://www.facebook.com/trungtamhivaidscantho/) nhằm tiếp cận đến nhóm nguy cơ cao, thu hút MSM truy cập tìm hiểu kiến thức HIV/STI, địa chỉ các dịch vụ, đăng ký sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV/STI tại địa bàn.

Những bài viết đăng tải liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS trên trang Facebook này hiện có số lượt người tiếp cận ổn định từ 1.100-1.300 người. Trung bình mỗi tháng, cán bộ tư vấn trực tuyến miễn phí từ 120-150 lượt về các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, hỗ trợ xét nghiệm HIV/STI... Hiệu quả tư vấn trực tuyến qua facebook đã nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng, nhiều trường hợp được tư vấn, giới thiệu dịch vụ xét nghiệm HIV và chuyển gửi điều trị ARV.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nhiễm HIV