22/07/2020 - 21:49

Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch 

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành Ủy Cần Thơ và đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ. ảnh: M.H

(CT)- Ngày 22-7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam năm 2020 và triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị về “Ðịnh hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” (Nghị quyết 55).

Tại điểm cầu TP Cần Thơ, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự hội nghị.  

Những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh. Song, để phục vụ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42GW lên 60GW năm 2020 và 100GW vào năm 2030. Ðể đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5GW công suất mới và mỗi năm ngành điện cần đầu tư mới 8-12 tỉ USD. Ðiều này, đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính... cho ngành năng lượng.

Nghị quyết 55 được ban hành với định hướng phát triển năng lượng phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xu thế hội nhập; ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, năng lượng mới; từng bước hình thành thị trường năng lượng, khuyến khích tư nhân tham gia… Ðồng thời, đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước và đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2030; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20%. Ðến năm 2045 nguồn năng lượng sơ cấp đạt khoảng 320-350 triệu TOE (tấn dầu tương đương); tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 25-30%...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Năng lượng là ngành giữ vai trò trọng yếu, quyết định tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển năng lượng và trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55 với quan điểm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn tới, cần nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; chú trọng những hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường; phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh,…

M.HOA

Chia sẻ bài viết