Thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, tuần này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát 16 nhà thi đấu đa năng trong các trường học. Được xây dựng nhằm phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần VIII do Cần Thơ đăng cai năm 2012, đến nay hầu hết các nhà thi đấu này đã xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa hoặc thay mới. Bên cạnh đó, cách sử dụng của nhà trường cũng đặt ra vấn đề về công năng của các công trình này: Là nhà thi đấu đa năng hay nhà đa năng?
Nhà thi đấu đa năng tại Trường THPT Thới Long (Ô Môn)...
Chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần VIII-2012, Cần Thơ đã xây dựng 19 nhà thi đấu tại các trường học và đưa vào sử dụng. Một số nhà thi đấu phát huy hiệu quả trong các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng của nhà trường, tạo tiền đề phát triển thể thao học đường. Đó là những nhà thi đấu tại các trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy như: THPT Bùi Hữu Nghĩa, THPT An Khánh, THPT Trần Đại Nghĩa, Tiểu học Võ Trường Toản... vốn có nhiều hoạt động ngoại khóa và liên kết với các CLB thể thao sinh hoạt ngoài giờ học.
Một số nhà thi đấu tại các trường ở quận, huyện cũng hoạt động khá tốt. Ví như từ khi có nhà thi đấu đa năng, Trường THCS Thới Thuận (Thốt Nốt) có sự tiến bộ đáng kể trong các hoạt động thể thao. Thầy Đoàn Phú Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Thuận, cho biết: “Trường có hợp đồng với CLB cầu lông hoạt động tại nhà thi đấu đa năng sau 5 giờ chiều, thu phí để trả tiền điện, nước và sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Học sinh của trường cũng có điều kiện tập luyện các môn thể thao và đạt thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng cấp quận. Đã có nhiều học sinh của trường được tuyển chọn vào đội năng khiếu karatedo của thành phố”.
Tương tự, Trường THPT Lưu Hữu Phước, THPT Thới Long của quận Ô Môn cũng tổ chức dạy nhiều môn thể thao trong nhà thi đấu đa năng như bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, đá cầu... Một vài đơn vị gặp khó khăn do địa bàn dân cư thưa thớt, nhưng đã nỗ lực duy trì hoạt động của nhà thi đấu. So với hơn 3 năm trước, Trường THCS Thạnh Mỹ (huyện Vĩnh Thạnh) đã có nhiều tiến bộ khi tổ chức được nhiều hoạt động trong nhà thi đấu đa năng, công tác vệ sinh, sắp xếp dụng cụ tập luyện cũng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người vào tập luyện. Ông Võ Hữu Lý, Trưởng phòng Quản lý thể thao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá: “Nhà thi đấu đa năng Trường THCS Thạnh Mỹ tổ chức nhiều hoạt động và bảo quản cơ sở vật chất tốt hơn nhiều so với trước đây”. Xã Thạnh Mỹ nằm cách khá xa trung tâm huyện Vĩnh Thạnh, dân cư chủ yếu làm nghề nông còn nhiều khó khăn trong việc vận động tập luyện.
... và Nhà đa năng tại Trường THPT Thốt Nốt. Ảnh: NGUYỄN MINH
Cố gắng duy trì hoạt động nhưng hầu hết nhà thi đấu đa năng đang trong tình trạng bị mưa dột, tạt, nền bị sụt lún, hệ thống chiếu sáng hư hỏng, thảm bị rách bong tróc và đặc biệt là lớp cách nhiệt bị hư hoàn toàn. Các trường học không có nguồn kinh phí duy tu sửa chữa hay thay mới cho các hạng mục lớn này, trong khi không thể tự tạo ra nguồn thu, hoặc nguồn thu không đáng kể.
Không thể thu hút các hoạt động từ bên ngoài, nên các nhà thi đấu đa năng chủ yếu dành cho các hoạt động của nhà trường. Ngoài các giờ dạy thể dục, sinh hoạt ngoại khóa, một số nhà thi đấu sử dụng để sinh hoạt dưới cờ vào các ngày mưa hay nắng gắt và tập luyện, thi diễn văn nghệ. Bên cạnh đó, các trường cũng tạo điều kiện cho địa phương sử dụng nhà thi đấu đa năng trong tổ chức thi đấu, tập luyện vào các dịp diễn ra các giải thể thao. Rất ít nhà thi đấu đa năng được xây dựng khán đài, thậm chí diện tích sàn thiếu chuẩn cho các môn phổ thông như bóng chuyền, bóng đá. Thế nên, các nhà chuyên môn cho rằng các công trình này là nhà đa năng, hoặc là nhà tập chứ không phải là nhà thi đấu đa năng như thiết kế ban đầu.
Tuy nhiên, dù là nhà thi đấu đa năng hay nhà đa năng, các công trình này vẫn đang xuống cấp cần được tu bổ để sử dụng hiệu quả hơn, nhằm tránh lãng phí kinh phí xây dựng.
NGUYỄN MINH