13/02/2011 - 21:23

Nhà nông trẻ Phạm Kim Ngân với
Giải thưởng Lương Định Của

Anh Phạm Kim Ngân đang chăm sóc
vườn hoa huệ.

Ở TP Cần Thơ, chuyện nông dân vươn lên thoát nghèo, dần khấm khá từ vườn cây ăn trái hay ruộng lúa chất lượng cao không hiếm. Thế nhưng, để có nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng cây huệ trắng, một loại hoa vốn được dùng để trang trí hay thờ cúng, thì ít người đạt được. Nổi bật trong số đó phải kể đến anh Phạm Kim Ngân (ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ), một trong những nhà nông trẻ xuất sắc vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2010...

Chuyển dịch cây trồng

Một ngày đầu năm mới, trong ánh nắng ban mai, anh Phạm Kim Ngân đã ra đồng tất bật chăm sóc những liếp hoa huệ trắng đang độ thu hoạch rộ. Cả cánh đồng trên 1ha trồng toàn huệ trắng trải dài như một bức tranh quê tuyệt đẹp. Bất chấp trời nắng hay mưa, loài hoa trắng tinh khiết này vẫn luôn phát triển xanh tốt và nở hoa đều đặn. Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Anh Kim Ngân cho biết: “Cây huệ trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2- 3 lần và kỹ thuật trồng cũng khá đơn giản so với cây lúa. Từ đất ruộng, tôi lên liếp, chiều ngang mỗi liếp khoảng 1m. Ươm củ huệ giống xuống lòng đất, mỗi gốc cách đều nhau khoảng 30cm, rồi chăm sóc, chỉ khoảng 3 tháng sau bắt đầu có hoa để thu hoạch. Số lượng hoa thu hoạch dần dần tăng lên, nếu được chăm sóc tốt. Đầu ra của sản phẩm cũng được ổn định, thương lái tìm đến tận nhà thu mua”.

Trước đây, gia đình anh Kim Ngân trồng 1 ha lúa, lợi nhuận không cao. Năm 2007, anh trồng thử nghiệm hoa huệ trắng trên diện tích 2.000m2 đất; sau đó, tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Anh Kim Ngân chia 1 ha đất trồng huệ thành 8 bờ, mỗi bờ có 640 liếp và mỗi liếp trồng 70 bụi. Giữa 2 liếp có 1 rãnh thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng, gây thối củ. Một công đất cần từ 10 đến 15 giạ giống đã được xử lý. Trước khi trồng phải lặt sạch rễ, tàn dư thực vật trên củ, trong vòng một tuần phải trồng ngay để củ khỏi mất sức. Có thể trồng cùng 1 loại củ để thu hoạch cùng lúc hoặc trồng 1 bụi có ba loại củ lớn nhỏ khác nhau để thu hoạch thành từng đợt. Đặt củ dưới đất và lấp đất 2- 3cm, nếu đặt củ cạn thì cây mau cho ra bông, đặt củ sâu bông ra chậm nhưng tốt hơn. Sau hai tháng trồng, cây huệ bắt đầu xây ngù (gù), từ xây ngù đến cắt bông khoảng 1 tháng. Thông thường, huệ được thu hoạch vào buổi sáng sớm hay chiều mát. Theo anh Kim Ngân, cách 2 đến 3 ngày thì thu hoạch hoa một lần, bán cho thương lái với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/cành...

Tết Nguyên đán Tân Mão vừa qua, anh Kim Ngân kiếm lời kha khá từ cây huệ trắng và là năm thứ 4 thắng lớn với loài hoa này. Anh càng tự tin với quyết định chuyển dịch từ làm ruộng sang trồng hoa huệ, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Trần Minh Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hưng, cho biết: “Gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương phát triển mạnh. Qua đó, nổi lên nhiều điển hình với các mô hình làm ăn có hiệu quả như mô hình trồng xoài ghép giống của nông dân Võ Quốc Vĩnh; trồng ớt của nông dân Nguyễn Anh Trường; trồng hoa huệ của nông dân Phạm Kim Ngân... Các mô hình này đều có mức thu nhập từ 180 đến 200 triệu đồng/năm, giúp đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh ruộng, thửa vườn”...

Cần mẫn, vượt khó

Hằng ngày, từ tờ mờ sáng đến xế chiều, anh Kim Ngân luôn có mặt ngoài ruộng hoa, vun phân, tưới nước, chăm sóc từng luống hoa... Anh kể lại quá trình khởi đầu đầy gian nan: “Lúc mới trồng, cây huệ thường bị bệnh đốm lá (người dân thường gọi là bị bệnh đọt chuối), xịt thuốc hoài mà bệnh vẫn không khỏi, khiến cây chậm phát triển, hoa không đạt năng suất theo yêu cầu, bán không được giá. Tức quá, tôi nhổ một bụi huệ đến Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, nhờ các kỹ sư ở đây hướng dẫn, tư vấn về cách phòng trị. Đến giờ, bệnh đốm lá trên cây huệ vẫn chưa có thuốc đặc trị, nhưng, vẫn có thể phòng ngừa bằng cách bón phân đúng thời điểm. Cây huệ không bệnh và lá ngả màu vàng thì nên bón phân; còn ngược lại, cây có bệnh và lá có màu xanh thì tốt nhất là không bón thêm phân”.

Một trong những yếu tố giúp anh Kim Ngân thành công là nhờ tiết kiệm chi phí trong sản xuất để tăng thu nhập. Trong sinh hoạt hàng ngày, anh Kim Ngân luôn chi tiêu hợp lý. Anh nói: “Tôi sử dụng màng phủ nông nghiệp, chi phí khoảng 10 triệu đồng/vụ trồng, giảm hơn 50% so với trước. Bởi trước đây, cứ cách hơn 1 tháng, tôi phải tốn từ 2 đến 3 triệu đồng thuê mướn nhân công làm cỏ. Mỗi vụ trồng, tiền làm cỏ tốn khoảng 30 triệu đồng”.

Năm nay, anh Kim Ngân bước sang tuổi 34. Với 4 năm gắn bó với cây huệ, cuộc sống gia đình anh không ngừng được cải thiện. Vợ chồng anh có 2 người con, con gái lớn học lớp 2 và con trai nhỏ 3 tuổi. Chị Huỳnh Thị Chín, vợ anh Kim Ngân, bộc bạch: “Tất bật với công việc ruộng vườn, nhưng anh luôn chu toàn việc nhà cũng như việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Chúng tôi thường chia sẻ khó khăn với nhau. Đồng vợ, đồng chồng từ chuyện sản xuất, kinh doanh đến sắp xếp việc gia đình, có lẽ vì thế không khí gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc, hiếm khi có chuyện rầy rà xảy ra”...

Thành quả mà anh Kim Ngân đạt được là cả quá trình nỗ lực vượt khó. Anh xứng đáng là một trong hai nhà nông trẻ xuất sắc của TP Cần Thơ vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2010...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết