12/03/2021 - 08:13

Nhà cổ Ðức An 

Ðến phố cổ Hội An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, bên cạnh chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ dậm dấu ấn đô thị giao thoa văn hóa giữa người Việt, Nhật, Hoa... còn có một ngôi nhà cổ nổi tiếng không thể bỏ qua. Ðó là nhà cổ Ðức An, số 129 đường Trần Phú, được dựng vào năm 1830, thời vua Minh Mạng.

Hệ khung gỗ nhà trước của Ðức An có kết cấu kiểu “chồng rường - giả thủ” và “mái chồng trụ đội” trải đều độ chịu lực và mở rộng không gian. Ảnh: VOV.VN

Tại ngôi nhà này đã có 6 đời con cháu sinh được ra và lớn lên. Nhà do cụ Phan Hưng để lại. Ông Phan Ngọc Trâm, cháu đời thứ 6 của họ Phan, hiện nay đang chăm sóc nhà cổ Ðức An. 

Nhà kết cấu hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Bố cục theo kiểu hình ống, thông nhau bởi sân trời và hiên nối. Mái nhà lợp ngói âm dương. Nhà cổ Ðức An có chiều dài 39m, chiều ngang 7m; tường bao được xây bằng gạch, vữa vôi. Các cột cái, cột hàng nhì bằng gỗ kiền kiền đẽo tròn. Cột hàng hiên vuông. Vì kèo, xiên, xà, trính của ngôi nhà được chạy chỉ và chạm trổ thanh thoát, tinh xảo. Nền lát gạch đỏ vuông lớn. Chính diện có một cửa cái và hai cửa phụ. Phía trên đà thượng của cửa chính đặt khán thờ Quan Công. Bên phải là bàn thờ tổ tiên ông bà. Nội thất trang trí bằng những hoành phi liễn đối. Tại không gian sân trời, bên mé hiên bên trong nhà cổ Ðức An, chủ nhân trồng rải rác hoa cúc, hoa lan, cây đinh lăng. Trong ngôi nhà còn có một chiếc giếng cổ miệng tròn xây gạch thẻ lên cao, phía trên có bệ thờ nhỏ hình bán nguyệt che bớt 1/3 miệng giếng. Ông Phan Ngọc Trâm cho biết, nước giếng rất ngọt, trong vắt. Giếng đã được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước.

Những dãy phố, ngôi nhà ở phố cổ Hội An gợi nhớ cho du khách về một thời quá khứ xa xưa của Hoài Phố bên sông Hoài. Hồi ấy nơi đây là một thương cảng nhộn nhịp, mua bán sầm uất. Người Nhật, người Hoa từng đến đây và đã góp thêm những công trình đặc sắc. Riêng nhà cổ Ðức An lại có nét riêng, mang dấu ấn kiến trúc truyền thống Việt. Trong nhà vẫn cất giữ và bày những bát chén bằng sành sứ có từ thế kỷ XVI, các bộ liễn, trường kỷ, tủ thờ, giếng, sân trời rất gần gũi với đời sống người phố Hội xưa. Ðặc biệt trong nhà cổ Ðức An còn trưng bày những hiện vật như áo quần, giày... của nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh (tức ông Phan Thêm, hậu duệ đời thứ tư của chủ nhân nhà cổ), cùng với những bức ảnh chụp ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp...    

Theo ông Phan Ngọc Trâm, nhà cổ Ðức An xưa kia là một cửa hàng buôn bán trông ra sông Hoài. Ðến đời thứ ba, một người cháu trong gia đình mở một tiệm thuốc Bắc. Từ cuối thế kỷ XIX, Ðức An trở thành một hiệu sách - tên gọi Ðức An. Trong thời gian này, các nhà trí sĩ yêu nước kháng Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp thường lui tới để đặt mua những cuốn sách có nội dung, tư tưởng cách mạng. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước và kháng Pháp đã diễn ra rộng khắp tỉnh Quảng Nam và cả nước, Ðức An trở thành nơi phổ biến sách báo thơ văn tiến bộ nhằm truyền bá, cổ vũ chủ nghĩa yêu nước đến với các tầng lớp nhân dân, trí thức trong xã hội.

Tháng 10-1927, tại nhà Ðức An, ông Phan Thêm chủ trì cuộc họp thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội An. Ðầu năm 1930, Ðức An là nơi bàn bạc việc tuyên truyền, rải truyền đơn, bàn thảo thành lập Ðảng cộng sản Việt Nam tại Quảng Nam. Từ ngày 28-3-1930, Tỉnh ủy Ðảng Cộng sản Việt Nam Quảng Nam được thành lập ở Hội An, nhà cổ Ðức An tiếp tục trở thành nơi liên lạc và tổ chức hội họp. Trong những năm 1931-1934, thực dân Pháp và tay sai ráo riết đàn áp các phong trào cách mạng, hoạt động của Ðảng ở Hội An gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chi bộ tại nhà cổ Ðức An vẫn nhiều lần qua mắt được kẻ thù. Năm 1934, do sự chỉ dẫn của mật thám, lính Pháp đã đến lục soát ngôi nhà và tìm thấy một vài tài liệu tiếng nước ngoài. Vì không bắt được ông Phan Thêm, nên chúng kết án vắng mặt ông 15 năm tù giam. Từ đó Nhà Ðức An tạm đình chỉ làm nơi liên lạc của cách mạng. Ngôi nhà được ông Phan Nam (anh trai của ông Phan Thêm) quản lý.

Nhà cổ Ðức An là một địa chỉ đỏ giữa lòng phố cổ. Nơi đây cũng được xem là nhà lưu niệm về ông Cao Hồng Lãnh, một cán bộ ưu tú của Ðảng ta. Ông sinh năm 1906, mất năm 2008, thọ 102 tuổi. 

ÐẶNG HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết