28/05/2018 - 22:45

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước do định giá thấp hơn giá trị thực tế 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 28-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 đánh giá, doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng.

Đại biểu thảo luận tại hội trường chiều 28-5. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 Đối với doanh nghiệp Nhà nước có một phần vốn góp, thực hiện thoái vốn, thu hồi vốn nhà nước đạt được một số kết quả nhất định. Trong giai đoạn 2011-2015, đã thoái vốn nhà nước 26.222 tỉ đồng, thu về 36.537 tỉ đồng, bằng 1,4 lần so với giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát cho rằng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản....

Tranh luận sôi nổi về miễn tiền thuê đất cho dự án trong các đặc khu

Chiều 28-5, không khí nghị trường sôi nổi với phần tranh luận về miễn tiền thuê đất cho các dự án trong các đặc khu. 

Một số đại biểu cho rằng trường hợp được miễn tiền thuê đất tới 30 năm là đối với những dự án thuộc danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao và môi trường. Thứ hai là miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm nhưng không quá nửa thời gian đầu tư của nhà đầu tư chiến lược, nhưng phải đảm bảo được các điều kiện cam kết như dự thảo luật đã nêu.

Ngược lại, có ý kiến e ngại, thời gian miễn thuế đất 30 năm là quá dài. Kỳ vọng khi hình thành đặc khu phải thu hút được nhiều nhà đầu tư, việc này sẽ xảy ra quy luật mất cân đối cung – cầu về đất đai. Vì vậy, phải sử dụng công cụ về đất đai để lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất chứ không phải nhà đầu tư nào nhanh chân nhất. Và như vậy, có thể ngày hôm nay, nhà đầu tư này là chiến lược, nhưng 10 năm sau, 20 năm sau, nhà đầu tư chiến lược khác sẽ thay thế nếu nhà đầu tư này sử dụng đất đai, các cơ hội không hiệu quả.

Ngoài ra, việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý, một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ. Cụ thể là: Vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; vi phạm nguyên tắc thị trường; vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp; vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.

Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Đoàn Giám sát đánh giá, công tác cổ phần hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Quá trình cổ phần hóa còn vướng mắc liên quan đến đất đai. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 còn tồn tại một số vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề tài chính doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp.

Nhiều lỗ hổng trong định giá tài sản doanh nghiệp

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là việc định giá tài sản doanh nghiệp.

Đại biểu chỉ ra nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa do việc định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế. Nhiều giá trị tài sản  như thương hiệu doanh nghiệp, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một một số vị trí đắc địa… không được đánh giá đúng. Nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt.

Đại biểu chỉ ra rằng việc xác định giá đất cụ thể tại một số địa phương còn lúng túng, bộ máy và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc xác định giá đất chưa đáp ứng yêu cầu. Thông tin về giá đất thị trường còn thiếu và độ tin cậy chưa cao. Hai thông số quan trọng để xác định đơn giá thuê đất là tỷ lệ phần trăm và giá đất cụ thể đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất của doanh nghiệp cổ phần.

Phân tích 3 dạng làm thất thoát tài sản nhà nước, đại biểu chỉ ra  đó là: kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa.

Nhiều doanh nghiệp lỗ nhưng đội ngũ quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao, vì cơ chế trả lương cho doanh nghiệp là khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì được xác định mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng không bị giảm mức lương này xuống. Chính vì yếu tố trên khiến người quản lý doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù đã có tổ chức định giá độc lập, đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa mua bán tài sản nhưng vẫn xảy ra tình trạng mua đắt, bán rẻ. Thất thoát tài sản nhà nước liên quan rất phổ biến đến đất đai trong thời gian qua khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa không thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai mà sử dụng bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định, làm cho giá thấp hơn.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát đối với quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; hoàn thiện quy định về lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát người quản lý doanh nghiệp, quản lý đất sau cổ phần hóa. Chính phủ phân công và chỉ đạo các bộ thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực phụ trách... Ngoài ra, Chính phủ cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp, xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. 

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện và phê duyệt phương án sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật để lại diện tích đất phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp; tập trung vào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh chính; xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước...

TTXVN

Chia sẻ bài viết