16/12/2011 - 10:02

Người trồng mía lại lao đao!

Lũ lên cao, giá mía vùng ngập lũ của tỉnh Sóc Trăng giảm mạnh. Tiếp sau đó, sự chậm trễ trong thu mua của các nhà máy đường khiến gần 1.000ha mía của huyện Mỹ Tú “phất cờ trắng” giảm năng suất, chữ đường và giá bán…

Mùa lũ năm nay về sớm lại dâng cao sau đó rút chậm, nhiều hộ trồng mía ở ĐBSCL không kịp trở tay. Để khẩn cấp cứu nguy vùng mía ngập lũ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhóm họp khẩn cấp 10 nhà máy trong khu vực (vào ngày 28-10), tại Hậu Giang bàn biện pháp tiêu thụ mía, nhằm giảm thiệt hại cho nông dân. Thế nhưng, đến nay, tại vùng nguyên liệu mía đường của huyện Mỹ Tú, vẫn còn gần 1.000ha chưa thể thu hoạch được, chấp nhận thua trắng khi mía hầu hết đều đã trổ cờ. Trong đó, nhiều diện tích trồng mía đang khô dần - đồng nghĩa với việc năng suất, chữ đường đang mất đi từng ngày. Một số rẫy mía nông dân chấp nhận bán với giá chỉ 650-750 đồng/kg nhưng cũng rất khó tìm thương lái. Anh Phạm Văn Vũ, ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng, cho biết: Năm nay, giá cả đầu vào, chi phí nhân công đốn mía, vận chuyển đều tăng. Nhưng hiện năng suất giảm từ 30-40%, chữ đường của mía cũng đang giảm và nhất là giá bán quá thấp nên người trồng mía coi như “trắng tay” sau một năm chăm sóc vất vả. Anh Nguyễn Văn Phát, ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng, cũng bức xúc không kém: “Theo quy định Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Nhà máy đường Sóc Trăng và Nhà máy đường Hậu Giang phụ trách thu mua mía cho người nông dân nhưng tiến độ thu mua chậm quá. Trong khi đó, một số nhà máy khác muốn vô thu mua lại không được vì vướng quy định của Hiệp hội. Bây giờ mía bị chết, một số cây đang khô dần, giảm chữ đường nên vụ này cầm chắc lỗ”.

 Mía đã “trổ cờ” nhưng việc tiêu thụ vẫn rất chậm.

Không chỉ bức xúc về tiến độ và giá cả thu mua, nông dân Mỹ Tú còn chỉ ra những bất hợp lý giữa giá đường và giá mía. Anh Trần Minh Kha, xã Hưng Phú, cho biết: “Tôi theo dõi thấy giá đường luôn ổn định ở mức cao, các nhà máy đều đã công bố nâng công suất ép. Nhưng giá thu mua mía nguyên liệu thì quá thấp. Bất hợp lý này không thể chấp nhận được. Nếu không cải thiện được tình hình này, một khi nông dân chuyển sang trồng lúa, khi đó, người thiệt thòi chính là các nhà máy”. Sự bấp bênh của cây mía từ đầu vụ đến nay khiến nhiều hộ nông dân trồng mía của huyện Mỹ Tú sau khi thu hoạch xong đã ban đất ra để trồng lúa. Ông Trần Văn Tâm, Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, thừa nhận: Diện tích mía của huyện sang năm chắc khó giữ được mức 3.580ha như năm nay do giá lúa quá hấp dẫn, trong khi giá mía bấp bênh.

Câu chuyện “đến hẹn lại thất thu vì lũ” tiếp tục cho thấy sự phát triển không bền vững cho loại cây trồng được xem là chủ lực của huyện Mỹ Tú. Kỹ sư Võ Quốc Trung, Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Ngoài việc đầu tư đê bao, vận hành hệ thống cống hợp lý, việc tôn cao thêm nền liếp mía là hết sức cần thiết. Việc làm này cũng nhằm giúp cây mía sống cùng với lũ an toàn và bền vững. Cách làm này sẽ tốn kém, diện tích thực để trồng mía sẽ bị giảm đi nhưng bù lại thu nhập sẽ được đảm bảo nhờ tăng được năng suất, chữ đường. Mặt khác, phần diện tích đất mất đi do mương liếp lớn hơn có thể sử dụng để nuôi cá đồng, hay trồng sen để tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích”.

Nông dân trồng mía huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng thêm một mùa thất bát! Giảm bớt thiệt hại cho nông dân, việc cấp bách bây giờ các nhà máy nên đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ và cải thiện mặt bằng giá để người trồng mía Mỹ Tú an tâm cho những vụ tiếp theo.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết