Truyện ngắn: Nguyễn Hoàng Duy
Con nít trong xóm lò gạch tụ lại chạy theo chiếc xe đạp đòn dong của thầy Nguyên, vừa chạy vừa đùa giỡn náo nhiệt. Tụi nhỏ đều là con của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cũng có bé mồ côi cha mẹ sống nương tựa ông bà ngoại như Ðen. Nhưng điều đó không làm bọn nhỏ buồn rầu, âu lo. Trên tay các bạn nhỏ hồn nhiên này đều cầm một quyển tập và một cây viết chì. Trông bọn nhỏ hào hứng và có vẻ hạnh phúc lắm. Ðến khúc giữa hương lộ, thầy Nguyên rẽ sang con đê ngoằn ngèo trải đầy hoa dại dẫn vào một căn nhà gỗ nhỏ bé. Nhà không cao sang nhưng đẹp và xanh mướt mắt. Trước cổng nhà có hàng rào dâm bụt cao nửa mét, bên trong thềm là tán cây bàng phủ cái sân vuông. Bên hông nhà có ao nhỏ nuôi cá tai tượng, vài con gà choai đang thong thả tìm thức ăn… Thấy thầy Nguyên về, chú chó con sủa inh ỏi, quẫy đuôi mừng chủ.
- Vô đây các con, thầy giữ chú chó con này lại rồi, nó không cắn đâu, đừng sợ - thầy Nguyên nói với xấp nhỏ.
Thầy Nguyên cười hiền từ, ngoắc ngoắc tay gọi bọn nhỏ vô nhà. Thầy sắp xếp lại bàn ghế cho những học trò nhỏ nhanh chóng ổn định chỗ ngồi.
- Hôm nay chúng ta ôn lại bài “Làm anh” của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn. Ai thuộc bài thì xung phong.
Tí giơ tay nhanh nhảu xin thầy đọc bài. Thằng Ðen cũng giơ tay tranh đọc:
- Cho con đọc đi thầy! - Tí năn nỉ
Thầy Nguyên cười vui vẻ, phân giải:
- Trật tự đi các con. Tí đọc trước hai khổ thơ, rồi tới Ðen chịu không?
Tí đứng dậy nghiêm trang, hắng giọng đọc thật to:
Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé
Phải người lớn cơ.
Khi em bé khóc
Anh phải dỗ dành
Nếu em bé ngã
Anh nâng dịu dàng…
Cái đầu tóc cháy nắng của Tí đong đưa theo từng nhịp thơ rất nhập tâm. Cả lớp học im lặng lắng nghe, chỉ có Ðen là chăm chăm chờ Tí đọc xong hai khổ để nhắc thầy tới lượt của Ðen đọc tiếp. Bài thơ này Ðen thích lắm, có lẽ vì Ðen không có anh em gì, nên thấy nội dung thật cảm động, thật khao khát. Thoáng chốc đã hết giờ học, hôm nay cả lớp học môn tập đọc. Trước khi học trò ra về, thầy Nguyên dặn dò:
- Ngày mai học làm toán, các con nhớ mang que tính theo nhé!
Bọn nhỏ nhốn nháo thưa thầy ra về, tiếng nói cười của chúng còn lan mãi ra đến đường đê.
Ngày nào cũng vậy, sau giờ dạy ở trường học trên huyện, thầy Nguyên lại đạp xe về xóm này tiếp tục mở lớp. Bà con ở đây đa phần còn khó khăn. Thầy tình nguyện mở lớp học tình thương cho tụi nhỏ biết đọc, biết viết. Thầy nhớ hôm đầu học trò nào cũng rụt rè, ít nói. Bây giờ tụi nhỏ đã hòa đồng và quen với không khí của một lớp học, đứa nào cũng ham phát biểu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Học trò của thầy ở lớp tình thương này đã có thể đọc sách và biết làm những bài toán đơn giản. Thầy Nguyên chỉ mong lứa học trò này không chỉ vượt qua được gia cảnh khó khăn, cố gắng học để biết chữ, làm toán, mà quan trọng nhất là có khát khao học tập. Nếu học trò được truyền sự khao khát tri thức, thì cánh cửa trường lớp luôn rộng mở với các em...
Hôm nay lớp học vẫn tiếp tục. Ngoài quyển tập và cây bút chì, học trò nào cũng có thêm một bộ que tính. Thầy Nguyên viết lên bảng những bài toán, phía dưới học trò xôn xao nhẩm đếm que tính. Thằng Ðen quay xuống chỗ Tí:
- Tí, cho Ðen mượn que tính chút nha?
- Ờ, lấy đi - Thằng Tí hí hoáy chép bài, lơ đãng nói.
Một lát sau, Tí đứng dậy:
- Thưa thầy, bạn Ðen mượn que tính của con không chịu trả.
Cả lớp quay lại, nhìn về phía Tí và Ðen. Mặt Tí đỏ bừng giận dữ, còn Ðen cúi đầu lí nhí phân bua:
- Con có hỏi mượn bạn Tí. Không phải con không trả, mà tại con tính chưa xong...
Thầy Nguyên nhẹ nhàng nói:
- Ðen trả cho bạn đi, để bạn kịp làm bài. Con tính bằng bộ của thầy nhé.
Nói rồi thầy Nguyên lấy bộ que tính trên bàn của mình đưa cho Ðen. Ðôi mắt đỏ hoe của Ðen bừng lên niềm vui sướng. Lớp học tiếp tục làm toán.
Khi mọi người ra về, chỉ còn hai thầy trò, thầy Nguyên nhẹ nhàng hỏi Ðen vì sao không đem theo bộ que tính. Ðen cúi đầu buồn bã:
- Tại con không có ba để chuốt bộ que tính cho con như Tí...
Thầy Nguyên chợt lặng người, thầm tự trách mình quên hoàn cảnh riêng của học trò. Rồi xoa đầu học trò nhỏ:
- Ðen à, đồ vật của bạn mà mình mượn giây lát thì tranh thủ trả nha con. Không nên làm thế nữa, vì như vậy sau này bạn bè sẽ không giúp đỡ con trong việc học tập, cũng như các việc khác. Sau này có thiếu dụng cụ học tập con cứ nói với thầy. Còn bộ que tính này thầy tặng con...
Nói rồi thầy Nguyên kéo hộc bàn lấy ra một bộ que tính bằng tre thẳng đều, đặt vào lòng bàn tay nhỏ nhắn của Ðen… Ðôi mắt thơ ngây nhìn thầy Nguyên nghẹn ngào.
*
* *
Rất nhiều năm sau đó, Ðen ngày nào đã trưởng thành. Từ lớp học tình thương của thầy, Ðen đến trường huyện xin theo chương trình phổ cập, rồi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Nay Ðen cũng có được công việc đàng hoàng, ổn định. Mọi sự cũng nhờ thầy Nguyên dạy Ðen biết chữ, biết làm tính và quan trọng nhất là nhờ thầy mà Ðen biết rằng còn có rất nhiều kiến thức hay ho trong thế giới rộng lớn này để học tập. Có kiến thức, Ðen sẽ thoát khỏi cảnh nghèo, có thể chăm lo cho ông bà...
Ðen về lại xóm nhỏ năm xưa thăm thầy Nguyên, trong tay vẫn cầm bộ que tính bằng tre năm nào thầy tặng. Dù đã cũ kỹ nhưng bộ que tính ngả màu thời gian luôn đẹp bóng loáng, không vết trầy xước. Thầy Nguyên giờ đã già, tóc bạc nhiều và gầy yếu lắm rồi, nhưng ánh mắt thầy vẫn ấm áp, tinh anh như ngày nào. Thầy Nguyên nhận ra cậu học trò cũ, ôm chầm lấy Ðen, xiết chặt đôi tay Ðen bằng bàn tay run rẩy. Nước mắt của người học trò rơi trên vai áo thầy nồng ấm, khẽ khàng gọi:
- Thầy ơi!