25/04/2020 - 07:18

Người lao động phải bồi thường nếu gây thiệt hại

Người lao động (NLĐ) tham gia ký kết hợp đồng lao động, ngoài quyền lợi được hưởng theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận tại hợp động lao động đã ký với người sử dụng lao động (NSDLĐ), còn phải có nghĩa vụ thực hiện những quy định mà pháp luật quy định. Ngoài ra, NLĐ có thể phải bồi thường trong một số trường hợp. Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2021 quy định cụ thể về những trường hợp này.

Trong quá trình làm việc, NLĐ đôi khi khó tránh khỏi những vi phạm, những sai lầm khi thực hiện công việc đã giao kết với NSDLĐ. Tuy nhiên, một số trường hợp nhất định NLĐ phải bồi thường và mức bồi thường có thể khá nặng. Tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 quy định: NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của NSDLĐ. Trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định. NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Ngoài ra, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách trái pháp luật, cũng phải bồi thường. Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của NLĐ, trong trường hợp này, sẽ không được trợ cấp thôi việc. Ngoài ra, NLĐ còn phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả cho NSDLĐ chi phí đào tạo quy định tại Bộ luật này. Theo đó, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Khi NLĐ ký kết hợp đồng lao động với NSDLĐ, hai bên phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Theo đó, NSDLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho NLĐ về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà NLĐ yêu cầu. Ngoài ra, tại Điều 21 Bộ luật Lao động cũng quy định về nội dung hợp đồng lao động ngoài những nội dung chủ yếu, khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. Do đó, nếu NLĐ tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì tuỳ theo mức độ mà bồi thường theo quy định.

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết