13/03/2008 - 09:15

Người khai sinh nghề nuôi ốc hương ở Phú Quốc

Từ sản xuất tôm giống, ông Ba Nhàn (Đặng Văn Nhàn) chuyển sang sản xuất giống ốc hương và trở thành “ông trùm” ốc hương trên đảo Phú Quốc. Nhu cầu nuôi ngày càng nhiều nhưng con giống sản xuất tại đảo hiếm hoi đã đưa ông Ba Nhàn vào “thế” phải mở rộng quy mô sản xuất...

Khi con tôm giống “sốt” hàng trên thị trường thì ông Ba Nhàn (ở xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) mới tập tành làm tôm giống. Không biết chút gì về thủy hải sản nhưng được cái ông “học lén” rất nhanh và nắm rất chắc. Ban đầu, ông lân la đến các trại giống làm quen, trò chuyện thân tình, rồi đến trạm khuyến ngư, tìm hiểu kinh nghiệm ở các trại giống miền Trung, vô nhà sách tìm các sách kỹ thuật về tôm giống. Có chút vốn liếng kỹ thuật, ông lập một trại giống nhỏ để thử nghiệm. “Nhờ “trời đãi”, nước biển ở Phú Quốc tốt nên việc sản xuất tôm giống của tôi rất thuận lợi, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Địa phương cũng khuyến khích, giao cho đất sản xuất...”- ông Ba tâm sự.

Khi trại tôm giống đang lên như “diều gặp gió”, bỗng dưng ông Ba Nhàn chuyển sang sản xuất giống ốc hương, một loài ốc “quý tộc” giá cao, hiếm giống đối với đảo này. Nhiều người cản ngăn nhưng ông vẫn làm. Ông lặn lội ra tận miền Trung, vào Nha Trang để tìm mua giống rồi nấn ná ở lại nhiều ngày, thật ra là tìm cách để học lén kỹ thuật. Năm 2006, ông sản xuất giống thử nghiệm từ ốc hương bố mẹ khai thác tự nhiên. Hơn một năm sau, ông bắt tay vào sản xuất đại trà, khả năng khoảng một triệu con giống tại Phú Quốc.

“Tôi là người đã quyết thì phải làm và phải thành công”- ông Ba Nhàn cười hể hả bên những hồ nuôi ốc hương sinh sản vốn rất thành công của ông. Ông là thế. Bản lĩnh “anh bộ đội Cụ Hồ” vẫn không mất đi trong người đàn ông đã hơn 60 tuổi. Khi mới 12-13 tuổi, cậu bé Đặng Văn Nhàn đã theo cách mạng ở rừng U Minh. Thương các chiến sĩ bị thương vì bom đạn của kẻ thù, cậu bé Nhàn nuôi chí học nghề y để phục vụ bộ đội. Ước mơ ấy trở thành hiện thực ở tuổi 22. Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 152 chiến đấu tại Campuchia; sau đó, làm Phó chủ nhiệm Quân y... Nhưng căn bệnh đau cột sống hoành hành khiến ông sớm giã từ quân đội về an dưỡng. Ở không thì không chịu nổi, ông lại tìm cái gì đó để làm cho khuây khỏa. Cuối cùng, ông bác sĩ quân y trở thành người sản xuất giống hải sản rất thành công.

Ông Ba Nhàn và những con ốc hương bố mẹ đang ở giai đoạn sinh sản. 

Tại Phú Quốc, ông là một trong số những người hiếm hoi sản xuất được ốc hương giống. Với sản lượng 2 triệu con giống ở ba trại Phú Quốc và Bình An (Kiên Lương), ông đã trở thành “ông trùm” ốc hương xứ này và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giá ốc hương trên thị trường hiện nay khoảng 220.000-300.000 đồng/kg, bán tại trại cho thương lái cũng được 120.000-150.000 đồng/kg. Vì thế, ốc hương được xếp vào loại hải sản “quý tộc”. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rất ưa chuộng con ốc này bởi chất bổ dưỡng vốn có của nó. Trong nước, những dĩa ốc hương chỉ xuất hiện tại các nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh và những khu du lịch lớn. Riêng Phú Quốc, dù là vùng nuôi nhưng ốc hương cũng xuất hiện hiếm hoi tại một số khu nghỉ mát và nhà hàng được xem là sành điệu.

Trước đây, người nuôi ốc hương ở Phú Quốc phải mua con giống ở Nha Trang và một số tỉnh miền Trung. Nhưng do quá trình vận chuyển đường dài tốn kém nhiều, làm giảm chất lượng con giống nên tỷ lệ hao hụt cao. Ông Ba Nhàn nói: “Nhiều người trên đảo khi hay tin tôi sản xuất được ốc hương giống nên đổ xô tới trại mua. Tôi năn nỉ bà con, nếu muốn nuôi thì để tôi nuôi thử nghiệm vài vụ. Khi đã thành công rồi thì sẵn sàng bán con giống và “cho không” kỹ thuật. Còn mới mẻ quá, làm không hiệu quả thì... mất tiếng!”. Nói là làm, ông đăng quần khu Bãi Trường (xã Dương Tơ, Phú Quốc) nuôi thử nghiệm một triệu con ốc hương giống. Sau 2 tháng, ốc đạt trọng lượng 300-400 con/kg. Tốc độ phát triển này là rất tốt so với giống mua từ miền Trung về nuôi ở Phú Quốc. “Với đà này, chỉ sau vài vụ, tôi nắm chắc chất lượng con giống và kỹ thuật nuôi phù hợp với vùng đất này thì triển khai cho bà con nuôi tại đảo ngay. Hiện nay, tôi đang tiếp tục củng cố 3 trại giống để có thể sản xuất sản lượng lớn cung cấp cho người nuôi” - ông Ba Nhàn cho biết thêm.

Khi con ốc hương bước đầu gặt hái được thành công, ông Ba Nhàn đã nghĩ đến việc thành lập một vùng nuôi ốc hương thương phẩm vừa phục vụ du lịch sinh thái như một điểm đến của du khách khi tới hòn đảo xinh đẹp này. Ông Ba tâm sự: “Muốn ốc hương phát triển tốt thì phải đảm bảo nguồn nước luôn sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Điều kiện này rất phù hợp với việc bảo vệ môi trường biển trên đảo du lịch. Vùng nuôi sẽ không ảnh hưởng đến các bãi tắm du lịch lân cận. Khi đó, vùng nuôi ốc hương sẽ là sản phẩm du lịch của đảo như nhà thùng nước mắm, vườn hồ tiêu, làng chài...”.

Sau con ốc hương sẽ có những vật nuôi khác? Câu hỏi này càng khơi gợi cho ông Ba nói hết tâm huyết của mình để phát triển vùng nuôi hải sản, bổ sung thêm sản phẩm du lịch trên đảo. Ông nói: “Hải mã và bào ngư sẽ trở thành loài nuôi phổ biến trên đảo trong thời gian tới. Viện Hải Dương học Nha Trang đang có kế hoạch nuôi thử nghiệm trên đảo rồi chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương. Khi đó, tôi sẽ tiên phong thực hiện mô hình này...”. Môi trường biển Phú Quốc rất trong lành, giữ được tự nhiên nên có nhiều rặng san hô và thảm cỏ biển. Đây là môi trường rất thích hợp để phát triển đàn hải mã và bào ngư. Khi đó, du khách đến Phú Quốc lặn ngắm san hô sẽ thích thú hơn khi nhìn thấy được đời sống hoang dã của hai loài này trong quần thể các loài sinh vật biển. Giá hải mã và bào ngư cũng đang nằm ở mức cao so với nhiều loài hải sản, sẽ tạo một nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

* * *

Con ốc hương, hải mã, bào ngư... khi đã phát triển mạnh trên vùng biển này thì ngư dân sẽ ý thức được việc bảo vệ môi trường sinh thái biển và trân trọng nó như một sản vật quý. Khi đó, con người biết khai thác đúng mức, đi đôi với bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi biển. Phát triển du lịch sinh thái biển rất cần những mô hình như thế...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết